.

Rượu tây, rượu ta… đều đắt hàng

.

Gần 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 nhưng thời tiết se lạnh cuối đông cộng thói quen thích “nâng lên, đặt xuống” của người Việt khiến hàng quán, thị trường bia rượu luôn trong tình trạng hút khách.

Những ngày mưa lạnh, Kiến Tửu Quán luôn trong tình trạng đông khách vì có rượu ngon.
Những ngày mưa lạnh, Kiến Tửu Quán luôn trong tình trạng đông khách vì có rượu ngon.

Quán đông nhờ rượu ấm

Anh bạn nói vui, không cuộc chuẩn bị nào nhanh hơn một cuộc nhậu. Chỉ cần vài ba phút sắp bàn, đặt ly, lấy trong tủ chai rượu đế, vài con cá khô, trái ổi, trái xoài… là có ngay không gian “nâng lên, đặt xuống”. Cũng chưa có “món” nào người ta bán tràn lan như rượu, nó có mặt khắp quán nhỏ, quán to, nhà hàng sang trọng đến hàng rong vỉa hè và con người cứ thế mà mua, mà uống, mà say.

Mỗi khi thời tiết dịu lại bởi những trận mưa kéo dài, Kiến Tửu Quán ở 30 Nguyễn Hoàng (quận Thanh Khê) lại đông nghẹt khách vào ra. Người ta đến đây không phải vì mồi ngon, quán đẹp, mà đơn giản vì thứ nước uống sóng sánh hơi men được ngâm ủ thêm vài vị thuốc Đông y.

Trung bình mỗi ngày, địa chỉ này bán ra chừng vài chục lít rượu thuốc, chủ yếu là Thượng hạ đồng thuận tửu (giúp điều tiết, lưu thông khí huyết), Kiến tửu (ăn ngon, ngủ tốt, duy trì cơ thể khỏe mạnh), Gia bảo tửu (phục hồi năng lượng, bồi bổ cơ thể)…

Ngồi giữa không gian ấm cúng tại Kiến Tửu Quán, ông Nguyễn Hoàng Huy (57 tuổi), nhà ở đường Điện Biên Phủ nói rằng trời mưa, thay vì bước vào quán bia, ông thường chọn quán rượu thuốc để tiếp khách hoặc nhâm nhi vài ly cùng bè bạn. Với ông, bia rượu là cái cớ để bạn bè gặp nhau, hàn huyên chuyện đời chứ không phải thứ để uống cho say.

Từ Kiến Tửu Quán, chúng tôi được giới thiệu sang quán Vinh Hí (59 Nguyễn Trãi) cũng khá nổi tiếng với món rượu ngâm thuốc Bắc hoặc rắn hổ nhưng có giá bình dân hơn. Mở cửa từ 10 giờ sáng đến 23 giờ đêm, khách chủ yếu là dân lao động sau giờ làm việc ghé đến làm vài ly “giải mỏi”.

Không gian nhỏ ít khi nào vắng khách vào ra. Một nhân viên tại đây cho biết: “Với rượu thuốc, ít ai ngồi uống đến say mà chỉ nhâm nhi vài ly rồi đứng dậy. Ngoài món cá đuối nướng thơm ngon, quán Vinh Hí có một lượng khách hàng quen thuộc nhờ rượu thuốc được ngâm kỹ lưỡng và khá bài bản. Tùy theo mỗi bài thuốc ngâm kèm mà rượu có những công dụng khác nhau, nếu uống ít và không lạm dụng thì khá tốt cho sức khỏe”.

Ngoài hương vị “rượu ta” - từ rượu tạo tự nấu, rượu ngâm thuốc đến các loại rượu có tên tuổi làng nghề như Bàu Đá, Kim Long…, thời gian qua ở Đà Nẵng rộ lên những quán ăn Hàn Quốc, Nhật Bản cùng các loại rượu “made in” Hàn Quốc, Nhật Bản như rượu soju, rượu gạo makgeolli, rượu trái cây, rượu sâm, sake… giúp thị trường tiêu dùng ngày càng đa dạng, phong phú.

Đơn cử, quán The Sushi Bar nằm trên đường 2 Tháng 9 khá nổi tiếng với bảng thực đơn hơn 40 món ăn Nhật cùng các loại rượu được nhập từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm thấy tại đây hơn 30 loại rượu mang thương hiệu nổi tiếng, giúp việc thưởng thức các món ăn tươi sống của Nhật thêm phần thơm ngon, đậm đà.

Thị trường rượu tây hút hàng

Không chỉ quán rượu thời gian này đông khách, các cửa hàng, đại lý bia, rượu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cũng đã sắp hàng Tết lên kệ. Khảo sát tại một số cửa hàng Hải Anh, Văn Chương (Trần Phú), Kim Sương (Nguyễn Văn Thoại), Rượu vang Đa Lộc (Lê Lợi)… cho thấy vài ba năm trở lại đây, các dòng rượu Tây nhập ngoại có giá cao, từ vài triệu đến vài chục triệu nhưng vẫn hút khách do nhiều người mua về làm quà tặng. Bên cạnh đó, các dòng vang khai vị nhập ngoại cũng được khách hàng quan tâm.

Chị Thu, chủ cửa hàng rượu Đông Thu trên đường Trần Phú cho biết thời điểm từ tháng 10 trở đi thị trường rượu bắt đầu sôi động do thời tiết có phần dịu xuống, đồng thời bắt đầu bước vào thị trường mua biếu tặng dịp Tết. Những ngày qua, trung bình mỗi ngày cửa hàng Đông Thu bán ra trên dưới 100 chai rượu vang ngoại. Khách mua rượu chủ yếu để uống hoặc dự trữ tiếp khách, làm quà tặng sinh nhật, lễ lạt nên không lăn tăn chuyện giá cả mà chỉ quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc.

Theo quan sát của chúng tôi, sản phẩm rượu, vang “made in Việt Nam” đang có ở thế yếu trên các quầy, kệ siêu thị hoặc cửa hàng bia rượu lớn. Đơn cử, tại các siêu thị, khu vực dành cho dòng rượu vang chủ yếu là rượu nhập từ Chile, Pháp, Mỹ, Ý, Úc…

Bà Phan Như Yến, Giám đốc Siêu thị Intimex Đà Nẵng cho biết, dòng vang ngoại có mức giá ưa chuộng dao động trên dưới 500.000 đồng/chai. Trong khi đó, các dòng rượu khác có giá từ 1 đến 3 triệu đồng/chai cũng hút lượng lớn khách hàng. Ngoài chất lượng thơm ngon, gắn mác ngoại, dòng rượu này còn được ưa thích bởi mẫu mã, bao bì bắt mắt, sang trọng.

Đi kèm với thị trường sôi động là nỗi lo hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có dịp trà trộn, đánh lừa người tiêu dùng. Ngay cả các cửa hàng rượu lớn ở Đà Nẵng cũng từng bị lực lượng chức năng xử phạt vì bán hàng giả.

Anh Nguyễn Quốc Việt, giám đốc một công ty xây dựng tại Đà Nẵng cho biết dịp lễ, Tết, để tri ân khách hàng, đối tác thân thuộc, anh thường mua hàng chục chai rượu ngoại làm quà biếu tặng. Tuy nhiên, cũng như nhiều người khác, anh tỏ ra lo lắng: “Với người sành rượu, chỉ cần nhìn qua bao bì, mẫu mã chai, nhãn mác là có thể phân biệt rượu thật hay giả nhưng nếu rượu giả đựng trong bình thật – được đối tượng thu mua vỏ chai từ đại lý, người bán ve chai thì rất khó phát hiện. Với người kinh doanh như chúng tôi, nếu mua phải rượu giả làm quà tặng cho đối tác thì không biết giấu mặt vào đâu”.  

Trung bình mỗi năm, lực lượng chức năng Đà Nẵng phát hiện, tiêu hủy hàng ngàn chai rượu giả, rượu nhập lậu. Tuy nhiên cuộc chiến chống hàng giả khá gian nan bởi thủ đoạn làm giả ngày càng tinh vi, đa phần núp bóng tên nhãn hiệu nổi tiếng được bán dưới dạng hàng tồn kho giảm giá. Thậm chí, ngay cả tem chống hàng giả cũng bị làm giả.

Chánh Văn phòng Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Đà Nẵng Đoàn Ngọc Minh khuyến cáo khi mua hàng, người tiêu dùng cần đọc kỹ các thông tin trên nhãn hàng hóa. Đối với hàng nhập khẩu, ngoài nhãn gốc bắt buộc phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Bên cạnh đó, dựa vào độ sắc nét, màu sắc, nước sơn… cũng là dấu hiệu để nhận biết hàng giả, hàng kém chất lượng.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.