.
Thi trắc nghiệm môn Lịch sử

Không có chỗ cho kiểu học lướt

.

Ngược với khá nhiều ý kiến trái chiều của dư luận thời gian qua, người trong ngành vẫn cho rằng, quyết định chuyển đổi hình thức thi trắc nghiệm môn Lịch sử (cùng với nhiều môn học khác) tại kỳ thi THPT 2017 tới của Bộ GD&ĐT có nhiều ưu điểm và không quá bất ngờ.

Thầy Trần Xuân Hòa (bìa phải) hướng dẫn học sinh cách ôn tập môn Lịch sử theo hình thức thi mới.
Thầy Trần Xuân Hòa (bìa phải) hướng dẫn học sinh cách ôn tập môn Lịch sử theo hình thức thi mới.

Thấy gì ở đề thi minh họa?

Theo thầy Hoàng Văn Khánh, Tổ trưởng bộ môn Lịch sử, Trường THPT Phan Châu Trinh, ưu điểm lớn nhất của hình thức thi/ kiểm tra trắc nghiệm là tránh được tình trạng học sinh học tủ vì đề trắc nghiệm có nhiều câu hỏi nhỏ, phủ đều các phần nội dung kiến thức của chương trình, có khả năng phân hóa khá chi tiết các mức độ nhận thức của học sinh. Việc chấm bài kiểm tra trắc nghiệm bảo đảm được tính chính xác và khách quan gần như tuyệt đối.

Từ đề thi minh họa đã được Bộ GD&ĐT công bố, có thể thấy, cấu trúc nội dung, đề thi bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn học, cấp học, bảo đảm phù hợp tỷ lệ giữa các phần nội dung lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam.

Nội dung câu hỏi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, có độ phân bố khá đồng đều ở tất cả các bài học, trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật... Về hình thức, các câu hỏi, câu dẫn của đề thi rất rõ ràng; các phương án trả lời đơn nhất và không gây tranh cãi. Câu hỏi tập trung vào các sự kiện lớn, phủ từ khuynh hướng chính trị, thành phần xã hội, các phong trào đấu tranh đến các chính sách, đường lối, tổ chức, địa danh, nhân danh...

Đề thi cũng bảo đảm tỷ lệ phân hóa trình độ thí sinh theo mục tiêu tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Mức độ của câu hỏi vừa đáp ứng được yêu cầu của kỳ thi vừa có tác dụng thúc đẩy việc dạy và học của giáo viên và học sinh.

Thầy Khánh cho rằng, thi theo hình thức trắc nghiệm này là “hoàn toàn bình thường” và không có gì xa lạ đối với giáo viên, học sinh. Tuy nhiên, cách dạy và học của thầy cô giáo và học sinh sẽ có những điều chỉnh nhất định để phù hợp với đề thi 100% trắc nghiệm, tại kỳ thi quan trọng sắp tới. Đề thi trắc nghiệm đòi hỏi tính chính xác rất cao, giáo viên phải dạy kiến thức cơ bản và hướng dẫn học sinh cách lựa chọn các phương án với độ chính xác cao.

Ví dụ, với một sự kiện Chiến tranh lạnh giữa hai cường quốc Liên Xô (cũ) và Mỹ, nếu có câu hỏi trắc nghiệm rằng: “Chiến tranh lạnh thực sự kết thúc khi nào?”, học sinh phải nắm chắc sự kiện này mới trả lời chính xác, bởi tháng 12-1989, M.Goócbachốp và G.Busơ đã chính thức cùng tuyên bố chấm dứt Chiến tranh lạnh, nhưng phải đến  ngày 25-12-1991, với sự kiện Liên bang Xô viết tan rã, đánh dấu sự tan vỡ của một cực, Chiến tranh lạnh mới thực sự kết thúc. Điểm khác biệt đòi hỏi sự chính xác ở đây là ở chữ “thực sự”, chỉ cần đọc đề không kỹ, bộp chộp, học sinh rất dễ mất điểm, thầy Khánh lưu ý.

Đồng quan điểm với thầy Khánh, một giáo viên dạy lịch sử lâu năm khác - thầy Trần Xuân Hòa (Trường THPT Hoàng Hoa Thám) cũng cho rằng, thi trắc nghiệm môn Lịch sử theo như đề minh họa đã công bố không buộc học sinh thuộc lòng, nhớ máy móc về con số, sự kiện mà đòi hỏi cả khả năng nhớ kỹ, hiểu vấn đề, khả năng tư duy, phân tích sự kiện trong chừng mực nhất định.

Ví dụ, câu 26, trong đề thi minh họa hỏi: “Mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là mâu thuẫn giữa: A, Giai cấp vô sản và giai cấp tư sản/ B, Giai cấp nông dân với giai cấp địa chủ phong kiến/ C, Toàn thể nhân dân với đế quốc xâm lược và phản động tay sai/ D, Nhân dân lao động với thực dân Pháp và giai cấp bóc lột”.

Với câu hỏi này, chỉ có đáp án C là đúng, nhưng, nếu học sinh không nắm vững bản chất, không có khả năng khái quát các mâu thuẫn xã hội Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám 1945 thì dễ trả lời sai: Đáp án A với B có thể loại trừ ngay, song đáp án C với D rất dễ nhầm lẫn giữa “Toàn thể nhân dân” với “Nhân dân lao động”…, thầy Hòa dẫn chứng.

Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, để khai thác năng lực tư duy ở mức độ cao, phân tích, nhận xét, đánh giá các sự kiện lịch sử thì hình thức kiểm tra trắc nghiệm không thể so sánh với hình thức kiểm tra tự luận. Từ những ưu điểm và hạn chế nói trên, có thể suy ra việc học sinh sẽ được và không được gì từ hình thức kiểm tra kiến thức lịch sử với loại hình kiểm tra này.

Để làm tốt môn Lịch sử tại kỳ thi THPT 2017 sắp tới, với hình thức trắc nghiệm, học sinh không thể học theo kiểu a-ma-tơ. Ảnh: T.T
Để làm tốt môn Lịch sử tại kỳ thi THPT 2017 sắp tới, với hình thức trắc nghiệm, học sinh không thể học theo kiểu a-ma-tơ. Ảnh: T.T

Không nên quá lo lắng

Em Hoàng Ngọc Khánh, học sinh lớp 12/5, Trường THPT Hoàng Hoa Thám nói dù em khá yêu thích môn Lịch sử và học khá tốt môn học này, song trước thông tin Bộ GD&ĐT chuyển đổi hình thức thi sang trắc nghiệm 100%, em vẫn không khỏi lo lắng, bởi dẫu sao lâu nay em đã quá quen với hình thức thi, kiểm tra tự luận. “Tham khảo đề thi minh họa của bộ, em thấy có nhiều câu hỏi khá hóc búa, đáp án lắt léo đôi khi chỉ một từ một chữ, không cẩn thận sẽ rất dễ nhầm lẫn”, Khánh cho biết. Bạn cùng lớp với Khánh, Nguyễn Quốc Hùng - chọn tổ hợp “Lịch sử - Địa lý - Giáo dục công dân” tại kỳ thi THPT sắp tới, thổ lộ: “Với hình thức thi trắc nghiệm môn Lịch sử, em vừa lo vừa hứng thú. Hứng thú bởi em không còn phải lo học thuộc máy móc mà có thể ôm sách nhâm nhi để hiểu đúng, hiểu sâu những sự kiện lịch sử đáng nhớ của dân tộc và thế giới”.

Đặt vấn đề có hay không chuyện học đối phó với hình thức thi trắc nghiệm khách quan, thầy Hoàng Văn Khánh cho rằng, học để đối phó với đề thi là vấn đề khó tránh, nhưng học như thế thì hiệu quả sẽ không cao. Tuy nhiên, theo thầy Khánh, các em học sinh không nên quá lo lắng, chỉ cần học kỹ, nhớ, hiểu, biết vận dụng, phân tích một chút, các em hoàn toàn có thể “đạt điểm tuyệt đối” – Điều mà trước đây học sinh rất khó làm được với hình thức thi truyền thống.

Thông tin từ Sở GD&ĐT và các trường THPT trên địa bàn thành phố cho biết, ngay sau khi có quyết định chính thức về việc thay đổi hình thức kiểm tra trong kỳ thi quốc gia năm 2017, Sở GD&ĐT thành phố, Ban Giám hiệu các trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn thực hiện điều chỉnh việc dạy, học, kiểm tra, chuẩn bị những điều kiện cần thiết để học sinh làm quen theo hình thức thi mới. Cụ thể, các bài kiểm tra 1 tiết, 15 phút, học kỳ trong năm học này đều được chuyển theo hình thức trắc nghiệm; không chỉ với học sinh lớp 12 mà ngay cả học sinh lớp 10 và 11 cũng dần làm quen với hình thức thi/ kiểm tra này; Ngân hàng đề thi trắc nghiệm tiếp tục được Sở GD&ĐT và các trường tích cực xây dựng…

Riêng đối với bộ môn lịch sử, ngoài các điều chỉnh chung trên, cuối tháng 10 vừa qua, toàn thể giáo viên Lịch sử toàn thành phố đã có buổi sinh hoạt chuyên đề rất thiết thực “Đổi mới dạy học Lịch sử theo phương án kỳ thi quốc gia năm 2017”. Là báo cáo viên của buổi sinh hoạt chuyên đề này, thầy Hoàng Văn Khánh cho biết, điểm cốt lõi của việc đổi mới trong dạy và học lịch sử ở đây là đề cao tính chính xác, tránh lối học, lối dạy thiếu chuyên nghiệp. Cũng theo thầy Khánh, việc thay đổi hình thức thi có ảnh hưởng nhất định đến cách dạy và cách học bộ môn Lịch sử, nhưng khoảng cách của sự thay đổi đó sẽ không quá lớn đối với những người “dạy thực, học thực”.

Với những “thông điệp” nhìn thấy được từ đề thi minh họa mà ngành chủ quản đã công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, hy vọng rằng, việc ra đề thi trắc nghiệm trong kỳ thi sắp đến sẽ đáp ứng được các yêu cầu về nhận thức (tư tưởng, tình cảm), kỹ năng (nhận biết, thông hiểu, vận dụng) trong dạy học lịch sử. Tránh tập trung nhiều vào các chi tiết liên quan đến ngày tháng năm, số liệu… Chú ý các nội dung mang tính tổng hợp, so sánh và khái quát cao.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.