.

Bình an, sung túc, sum vầy

.

Là linh vật năm Dậu, con Gà xuất hiện trên các mô hình trang trí hoa Tết với nhiều dáng vẻ. Ở Đà Nẵng, con vật tượng trưng cho sự bình an, sung túc này làm nên những “điểm nhấn” trên đường Bạch Đằng.

Phối cảnh trứng gà nở hoa trên đường Bạch Đằng.
Phối cảnh trứng gà nở hoa trên đường Bạch Đằng.

Theo Quyết định số 5322/QĐ-SXD ngày 28-10-2016 về việc “phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình Trang trí hoa phục vụ Tết năm 2017” của Sở Xây dựng Đà Nẵng, tổng ngân sách thành phố dành cho việc trang trí, tạo các điểm tham quan vui chơi cho nhân dân trên địa bàn Đà Nẵng trong các ngày lễ, Tết năm 2017 là gần 4,5 tỷ đồng.

Theo đó, ngoài các khu vực phía trước Trung tâm hành chính thành phố (đường Thành Điện Hải), nút giao thông Duy Tân – đường 2 Tháng 9, nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ – Duy Tân – Lê Đình Lý, các hạng mục trang trí hoa sẽ tập trung vào đường Bạch Đằng.

Dọc theo con đường cổ xưa nhất Đà Nẵng này, các loại hoa sẽ khoe sắc trên các giàn sắt, khung tre, giàn bê-tông, bồn hoa ở vỉa hè phía trước các số nhà 42, 44 và 72, vỉa hè phía Đông đoạn từ đường Trần Quốc Toản đến Phạm Phú Thứ.

“Điểm nhấn” là khu vực vỉa hè phía Đông số 42 Bạch Đằng (trước trụ sở UBND thành phố cũ), nơi bố trí cổng vào, bồn hoa chính và các biểu tượng trang trí. Tại đây có mô hình con gà có khung lưới sắt trát xi-măng, sơn matic và dán hoa vải, cùng với các quả trứng nở ra... hoa.

Trong tranh dân gian Đông Hồ, gà là con vật được vẽ nhiều nhất và đẹp nhất trong 12 con giáp. Dân gian cho rằng, gà trống mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp với 5 đức lớn. Văn – đầu có mào như đội mũ, thân có màu lông đẹp như quần áo. Võ – chân cứng, có cựa nhọn để làm vũ khí. Dũng – thấy đối thủ là sẵn sàng xông tới. Nhân – tìm thấy thức ăn liền gọi đồng loại. Tín – đúng giờ, đúng canh là cất tiếng gáy, không sai hẹn.

Tết này, ngoài chú gà “cất tiếng gáy” ở vỉa hè phía Đông số 42 Bạch Đằng (bên cầu chữ T), còn có một chú khác đứng “trấn” ở vỉa hè phía Bắc đầu cầu Rồng. Hình tượng gà được trang trí trên các cổng chào ở vỉa hè Bắc đuôi cầu Rồng, đường Nguyễn Sinh Sắc, Quảng trường phía Nam đuôi cầu Rồng. Trứng gà nở hoa được điểm xuyết ở bùng binh Nguyễn Hữu Thọ – Duy Tân – Lê Đình Lý, bên dưới các giàn hoa bê-tông dọc đường Bạch Đằng và phía Nam đường Thành Điện Hải,...

Đảm nhận việc thi công, lắp ráp mô hình con gà cao 3m tính cả đế ở vỉa hè phía Đông số 42 Bạch Đằng là nghệ nhân Nguyễn Đình Mỹ, một cộng tác viên của Công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng. Ông Mỹ có 30 năm trang trí mỹ thuật phục vụ ngày Tết tại Công viên 29-3.

Lần đầu ông và cộng sự làm mấy cụm hoa có hình con Chuột trang trí cho Tết Mậu Tý 2008, đến nay đúng 10 lần hoa mai nở là đến phiên con Gà xuất hiện trong năm Đinh Dậu 2017.

Công nhân Công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng trang trí tháp hoa trước trụ sở HĐND thành phố.Ảnh: V.T.L
Công nhân Công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng trang trí tháp hoa trước trụ sở HĐND thành phố.Ảnh: V.T.L

Mỗi lần thực hiện mô hình một linh vật đại diện cho cả năm (dân gian thường gọi là con vật cầm tinh), ông phải “nghiền ngẫm” xem linh vật đó có vai trò gì đối với lịch sử, văn hóa dân tộc và cố gắng thể hiện cho bằng được.

Ví như năm Giáp Ngọ 2014, khi làm mô hình con Ngựa, ông “cho” Thánh Gióng hiên ngang cầm gậy sắt cưỡi trên lưng ngựa. “Nếu một mình con ngựa thì ý nghĩa cũng bình thường, nhưng nếu ngựa được Thánh Gióng cưỡi trên lưng thì mới mang dấu ấn lịch sử giữ nước lẫn truyền thống văn hóa tâm linh của dân tộc. Các thế hệ trẻ, nhất là những cháu thiếu niên, nhi đồng sẽ học được rất nhiều điều từ hình tượng thiêng liêng đó” - ông chia sẻ.

Trở lại với mô hình con Gà năm Đinh Dậu, ông Mỹ cho biết, linh vật của năm 2017 sẽ được đặt ở cổng vào, bồn hoa chính và các biểu tượng trang trí ở vỉa hè phía Đông số 42 Bạch Đằng. Các mô hình đều do các kiến trúc sư trẻ của Trung tâm Tư vấn Kỹ thuật Xây dựng (Sở Xây dựng Đà Nẵng) vẽ, qua thi công ông có thể xin điều chỉnh gia giảm để phù hợp với thực tế.

Ví như mỗi tháp hoa theo thiết kế có 13 rổ tre đựng các chậu hoa, ông đề nghị thêm một rổ nữa để vừa độ cao của tháp vừa “đẹp” con số. Mô hình gà, ông cho phủ lên mình hàng nghìn hoa mai vàng được làm bằng vải để chuyển tải ý nghĩa mùa xuân.

Đà Nẵng sẽ bước vào năm mới Đinh Dậu 2017 với ánh đèn lung linh, sắc hoa rực rỡ và những chú gà xinh xắn, đáng yêu, mang lời cầu chúc bình an, sung túc, sum vầy cho mọi người, mọi nhà. Chị Huỳnh Thị Nguyên Hoài, nhân viên phòng Quản lý dự án của Công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng cho biết, năm nay công ty trực tiếp thi công trang trí hoa nhiều khu vực, những nơi mà năm ngoái được thực hiện theo dạng huy động xã hội hóa.

Ngoài tổng kinh phí sử dụng vốn ngân sách được duyệt 7 tỷ đồng (trang trí hoa 4,5 tỷ đồng, trang trí điện chiếu sáng 2,5 tỷ đồng), năm nay còn có sự đóng góp đáng kể của các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn thành phố trong trang trí điện chiếu sáng và trang trí hoa.

Theo ông Đặng Đức Thứ, Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh Đà Nẵng, việc thi công trang trí hoa Tết năm nay được triển khai với thời gian gấp rút nên bị động về kinh phí. Thêm nữa, năm 2016 thời tiết thất thường, lũ lụt kéo dài làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, các loại hoa phần bị hư hại, phần không nở đúng dịp Tết.

Trang trí Tết không thể dùng hoa cúng mà phải là các loại hoa “có thương hiệu” như: mâm xôi, đỗ quyên, dạ yến thảo, păng-xê, mai địa thảo... ngoài ra, còn một số hoa có tên bình dân như: mào gà, bướm, vạn thọ, cúc lá nhám, cúc nút áo... Mặc dù hoa cung không đủ cầu nhưng công ty vẫn “chạy hết công suất” để Đà Nẵng có một “rừng hoa” đón năm mới.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.