.

Chơi Tết ở bản Thái, bản Mông

.

Cái ăn không là vấn đề nữa, nhiều người nghĩ đến chơi. “Phải sống cho chất lượng, cho mình, phải biết hưởng thụ… khổ mãi rồi cứ khư khư tiết kiệm cũng đến thế mà thôi”, một anh bạn thành phố đã nói với tôi như thế. Tôi cười, tưởng gì, cái này cũ, về khoản chơi Tết, đồng bằng thành phố xem ra đi sau những người dân vùng cao.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Với người vùng cao, tất nhiên Tết đến cũng phải bánh chưng, rượu, thịt. Nhưng những thứ đó, sau một hai bữa con cháu họ hàng gặp mặt vui vẻ chúc tụng thì phần nhiều để cấp năng lượng cho đi chơi xuân.

Sáng mùng một, đường phố, thị trấn hầu như chỉ có người bản. Dân phố do thức khuya đón giao thừa, do kiêng kỵ sợ mất dông này nọ nên cứ ở trong nhà, đợi trưa trưa mới xuất hành chúc Tết, thăm thú. Còn người bản mình, đơn giản hồn nhiên, cứ tay quen làm, chân quen đi, chả nghĩ ngợi gì cho mệt. Đường phố cứ là phần phật váy áo má hồng. Gió xuân mới cứ là thơm nức. Họ đi từ bao giờ mà xuống sớm thế? Họ đi chúc Tết nhà nào hay rủ nhau tập trung dưới này để đi đâu tiếp…? Sai bét, chả cái nào đúng, đơn giản là Tết đến thì đi chơi thôi. Ngày xưa đi từ hôm trước, xuống các bản gần ngủ nhờ, hay trải tấm ni-lon ra quán ngả lưng. Ngày nay, nhà nào cũng có xe máy rồi thì… ăn bánh, uống rượu ở nhà cho nhanh nhanh rồi xuống phố. Phố như “thủ đô” nhỏ, gọi về tất cả các núi, tụ lại bao lối mòn, đường bé đường to, tụ lại bao tình cảm muốn nhìn thấy nhau, muốn nói lời yêu thương cho thỏa. Ngày thường cũng xuống chợ nhiều, để mua bán, ngắm nghía chút ít. Nhưng ngày Tết, chả biết vội, cứ từng nhóm người Mông, người Thái, chầm chậm với nhau, rúc rích ngả nghiêng.

Mùng một chỉ mở màn thôi, phần nhiều là những trai gái a-lô hẹn nhau trước. Từ mùng hai trở đi thì bầu trời mặt đất rực màu thổ cẩm. Người Mông nổi bật bởi những chiếc váy như con bướm sặc sỡ, những cái mũ hoa quả len đỏ bắt mắt, chỉ liếc một cái thôi đã thấy ấm cả người. Người Thái váy nhung váy lụa, kéo lệch bao nhiêu là mắt. “Phà ới(1), có cơn gió nào mát quá, thích quá rủ rê rồi”, tiếng chàng trai thốt lên. Kia cái thắt lưng xanh, dây xà tích bạc chéo chéo lấp lánh hờ hững càng tôn nét mềm như suối, thăm thẳm như rừng của con gái Thái. Lên đến áo cóm thì… ai đang giận dữ, ai đang nóng tính… mát luôn. Hàng cúc bướm bay bay, nhấp nhô mùa xuân gọi.

Trong cuộc chơi xuân như thế, trong một nhóm, thường con gái đi trước, dù chẳng có qui định luật tục nào. Còn con trai cứ đằng sau, cùng lắm đi ngang một lúc (do mải mê thế nào đó) lại tụt sau. Một hai ba chàng, nói với lên những câu vui vẻ, dăm bảy cô gái đằng trước chốc lại rộ lên như nắng tỏa.

Phố, thị trấn ngày Tết có nhiều con trai con gái lạ xuống chơi. Kia, trong quảng trường, có một nhóm con gái Mông, hai chàng trai đang bá vai nhau, họ nói gì… chắc là ngại lắm nên các cô gái cúi mặt đấm lưng nhau thùm thụp. Và nữa, dưới cây ban già, một đôi trai gái Thái đang nắm tay nhau, cô gái e lệ ngoảnh mặt đi, chàng trai cứ nhìn xa xa chả dám nhìn bạn gái. Chắc là câu anh yêu em, hay đại loại như thế vừa xong. Mùa xuân thật như có phép màu, để cho gần nhau, yêu nhau nảy nở.

Ngày Tết tất nhiên phố, thị trấn mở ra nhiều trò chơi như cầu lông, bóng bàn, ném còn, ném pao… ồn ã náo nhiệt. Nhưng chỉ thấy nhiều người phố, khách du lịch chơi. Còn dân bản lại không thích lắm. Họ không hợp với loa đài reo hò, chỉ đi tìm nhau, từng nhóm, từng nhóm. Đến quá trưa thì đâu đó dưới bóng cây, trong quán nhỏ… những “mâm cỗ” Tết bày ra. Trong túi thổ cẩm (đã chuẩn bị sẵn từ nhà), có đủ bánh chưng, bánh dày, gói kẹo, nước ngọt, tăm tre… và cả chai rượu bé nữa. Ăn Tết giữa trời đất, người xe lại qua, vẫn nói cười vui vẻ, chả ngại ngần, vì… hằng ngày quen cơm cày cơm cấy trên nương rồi, hôm nay lại miệng ăn bánh uống rượu, mắt được ngắm má hồng lấm tấm mồ hôi.

Phố thị trấn rồi cũng dồn lại sân chơi vui vẻ thoải mái nhất. Đấy là những đám đất rộng đầu bản, những ruộng rạ, khoảng trống ven đường. Người Thái ném còn, tó má lẹ(2), người Mông ném pao, tu-lu (chơi quay). Người chơi ít, người xem nhiều, vào vào ra ra… reo hò, cổ vũ, cười ầm…

Tôi đã từng vào một đôi ném còn, không biết do may mắn hay duyên ngầm mà mấy lần quả còn của cô gái vút lên mây xanh rơi xuống… mình đều bắt được. Thấy đám xem vỗ tay, tôi càng tăng hứng, tung người sung sướng. Trong khi đó cô gái đỏ mặt, không chơi tiếp nữa. Mãi sau, gặng hỏi mãi, một cô gái mới nói - mình ném mà con trai cứ bắt được thì là yêu nhau rồi. Trai gái ở bản đều thích thế. Gần tối, tôi gặp cô gái kia, nói thật mình thích vào bản chơi vui thôi, cô gái đỏ mặt cúi xuống… không biết có tin không.

Ném còn theo quan niệm của người Thái là thể hiện âm dương hòa hợp và mang ý nghĩa phồn thực. Quả còn tượng trưng cho dương, vòng tròn dán giấy đỏ (trên cây tre chôn cao giữa khoảng đất rộng) tượng trưng cho âm. Chính vì thế, ném còn với trai gái ngoài vui chơi, còn có ý nghĩa giao duyên, những gia đình hiếm muộn con cái rất hào hứng tham gia để cầu tự. Kiểu ném còn mang tính nghi lễ trên hiện vẫn không thể thiếu trong phần hội của các lễ hội, ngày văn hóa dân tộc, Tết Nguyên đán hay Tết Độc lập 2-9… Tuy nhiên, trong những ngày xuân mới, phổ biến rộng khắp nhất vẫn là kiểu ném còn “tự do” - tức là quả còn không cần phải ném qua vòng tròn trên ngọn cây tre chôn cao, cứ thoải mái nam một bên nữ một bên, nhịp nhàng tung hứng. Quả còn nhồi hạt bông trong túi vải, đuôi gắn tua rua xanh đỏ, vun vút lên trời, liệng liệng xuống… Bên bắt ước lượng khoảng cách, khoảnh khắc để tóm trúng, rồi lại đổi lượt, ném đi. Cứ thế “quả cầu trên không” bay bay đi về đưa đón, gửi trao niềm vui. Thỉnh thoảng, còn bị rơi xuống đất, lập tức những tiếng ồ lên, cười nói hổn hển…

Nếu ném còn của người Thái người chơi thoải mái cả trai cả gái, thì tu lu (đánh quay) của người Mông lại tập trung toàn nam thanh niên, các cậu bé. Muốn nhập hội tu lu bạn cần một chút thể lực, một chút dũng cảm và cao hơn để chiến thắng đối thủ phải có sự khéo léo, độ chính xác cao, phán đoán tốt… tất cả nằm trong sự điêu luyện của đôi tay. Sân chơi cũng không cần rộng, có bãi đất bằng phẳng (độ vài chục m2) là quay thoải mái chọi xuống, tít mù. Để có một cuộc thi quay, tối thiểu phải có hai con quay, tối đa thì thoải mái. Ngày Tết vui, nên trên bản Mông, chỗ nào có đám đất rộng rộng bằng phẳng là có đám chơi tu lu. Khi người phát lệnh hô “bắt đầu”, lập tức vút vút, con quay từ tay các ông chủ phóng xuống. Nín thở, hò reo, nghiêng đầu sát đất, thổi phù phù… bên con quay tít mù. Vòng quay không thể mãi mãi, sẽ từng con, nhiều con chậm dần, rồi “chết” nằm im trên đất… để phần thắng cuối cùng về một con “chết” sau cùng. Bên cạnh kiểu thi quay ai lâu nhất trên còn có kiểu quay chọi nhau cũng hấp dẫn. Mở đầu bắt lượt, người đi trước vung quay, người đi sau muốn thắng phải chọi trúng, nếu quay đối thủ lăn quay ra thì mới thắng. Cuộc chơi có thể là “trận chiến” của nhiều quay. Chung cuộc, quay quán quân sẽ là quay chưa bao giờ gục ngã. Chơi tu lu ngày Tết là chơi nhưng cũng là dịp rèn luyện tinh thần thượng võ, sự nhanh nhạy khéo léo cho những chàng trai người Mông.

Nếu như ở miền xuôi trò chơi hiện đại lấn át, nhiều trò chơi dân gian hoặc bị vắng bóng, hoặc có phục hồi cũng chỉ mang tính “sân khấu” trong dịp lễ Tết; thì ở miền núi các trò chơi ngày xưa hầu như còn nguyên. Tính cộng đồng từ sinh hoạt, lao động hằng ngày, cộng với men say mùa xuân núi rừng đã là nền cốt cho vui xuân chơi Tết bay mãi.

Lên vùng cao xuân này, vào các bản làng người Thái, người Mông; gặp các đám chơi ném còn, tu lu… hẳn bạn sẽ mê ngay.  

DU AN


(1) Trời ơi (tiếng Thái)

(2) Trò chơi dùng quả Tó má lẹ - quả cứng tròn dẹt làm đồng cái, hai đội dùng đồng cái để đầu gối búng lên, trúng quân đội bạn là thắng.

;
.
.
.
.
.