.

Đào, mai trong tâm thức và văn hóa Việt

.

Từ thuở xa xưa, tổ tiên ta đã chọn một số loại cây cối, hoa quả đẹp làm hình ảnh biểu trưng cho từng mùa vụ, từng vùng đất… Những loại cây cối, hoa trái này mãi mãi lung linh trong tâm trí, trong tình cảm của mỗi người, mỗi nhà và của toàn dân tộc. Cây đào, cây mai cùng với hoa của nó là hai thứ cây, thứ hoa đẹp nằm trong số đó.

Hằng năm, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân sang, cùng với nhiều đàn chim từ phương Bắc bay về, hoa mơ, hoa mận, hoa mai, hoa đào, hoa xoan… đua nhau đâm chồi, nẩy lộc, khoe sắc, tỏa hương…

Chợ hoa ở các tỉnh phía Bắc, Tết nào cũng hồng thắm hoa đào. Ở Huế, Đà Nẵng, T.P Hồ Chí Minh và các tỉnh ở đồng bằng Nam Bộ thì vàng rực cành mai. Người đi mua cành đào, cành mai bao giờ cũng chọn lựa rất kỹ lưỡng từ thế cây đến cánh  hoa, nụ hoa…

Cây đào, cây mai từ bao đời nay đã gắn bó mật thiết với dân tộc ta. Nhưng do thời tiết, khí hậu ở hai miền Nam Bắc có sự khác nhau nên miền Bắc thì trồng nhiều hoa đào, miền Trung, miền Nam thì trồng nhiều hoa mai. Hẳn là vì thế mà vào năm 1789 sau khi đánh thắng quân Thanh xâm lược ở Ngọc Hồi-Đống Đa (Hà Nội), đúng ngày mồng 5 Tết, vua Quang Trung-Nguyễn Huệ đã cho người dùng ngựa trạm hỏa tốc mang một cành đào từ Thăng Long về Phú Xuân để tặng và báo tin vui cho công chúa Ngọc Hân, người con gái xứ Bắc về miền Trung làm hiền thê của nhà vua.

Trong giá lạnh hoa đào vẫn ung dung, tự tại khoe sắc cùng đất trời.

Đào hoa đua nở tưng bừng
Ước gì được kẻ trỏ đường cho hay.

                                                   (Ca dao)

Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió Đông

(Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Hoa đào đẹp về sắc màu, về hình dáng từng cánh hoa, nhưng cũng rất dễ rơi, dễ rụng. Có lẽ vì vậy mà người xưa đã có sự liên tưởng giữa loại hoa này với thân phận “ba chìm, bảy nổi” của những cô gái đẹp thiếu may mắn trong cuộc đời. “Liễu yếu, đào tơ”, “phận má đào”, “hương nhạt đào phai”… đó là những thành ngữ mà nhiều người bình dân hay dùng trong câu nói hằng ngày. Nữ diễn viên chèo, nữ diễn viên hát xoan, hát xẩm, hát ca trù… thì được gọi là “đào nương”. Thanh niên nam nữ hát đối đáp với nhau cũng hay dùng các từ: đào, liễu, mận, mơ… để xưng gọi…

Gặp đây mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
Mận hỏi thì đào xin thưa…
...
Đào tơ, sén ngó xanh xanh
Ngọc lành phải giữ, gái lành phải duyên

        (Ca dao)

Các bậc nhân sĩ, trí thức lại thường dùng hoa mai để nói nhiều vấn đề về phẩm cách của con người. Mai - điểu (hoa mai và con chim) sánh vai cùng liên - áp (hoa sen và con vịt), cúc - điệp (hoa cúc và con bướm), tùng - lộc (cây tùng và con hươu) đã làm nên tứ thời: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Rồi nữa, cây mai còn được xếp vào bộ “tứ hữu”:

Mai, lan, cúc, trúc tứ hữu thanh nhàn
Ngộ tình cờ cây mọc, gặp gió vàng có xứng không?  

(Ca dao)

“Mai-lan-cúc-trúc” xuất hiện trên bộ tranh tứ bình là vì lẽ ấy. Vẻ đẹp, cốt cách của hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân cũng được đại thi hào Nguyễn Du khắc họa qua bóng hình cây mai đầy quyến rũ.

Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười

Thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cao Bá Quát… và ca dao-dân ca có nhiều bài hay, câu hay nói về cây mai, bông mai tươi đẹp.

Trúc, mai chẳng phụ lòng quân tử
Vượn, hạc đã quen bạn dật dân.

(Nguyễn Trãi)

Hoa mai bạc vì trăng gió
Bóng trúc thưa bởi gió lay.

(Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Nhất sinh đê thủ bái hoa mai
(Một đời chỉbiết cúi đầu trước hoa mai)

(Cao Bá Quát)

Một nhà sum họp trúc mai
Càng sâu nghĩa bể, càng dài tình sông

(Ca dao)

Mùa Xuân là mùa của đào đỏ, mai vàng. Từ trong đất trời, đào, mai đi vào tâm thức, vào tình cảm của con người và của Văn hóa Việt. Do vậy nó sẽ mãi mãi tồn tại cùng năm tháng, cùng dân tộc ta.

TRẦN HOÀNG

;
.
.
.
.
.