.
Nghĩ

Tất niên xóm

.

Sáng thứ bảy tuần trước, vài ba chị em phụ nữ khu chung cư nơi tôi ở rủ nhau cùng đi chợ, nghe có vẻ bàn tán xôm tụ và hồ hởi. Đi chợ cũng rủ, hỏi ra tôi mới biết là các chị đang lo chuyện bếp núc cho tiệc tất niên xóm. Nhác thấy anh tổ trưởng loay hoay với cái băng rôn chào năm mới không sao treo lên cao được, cánh đàn ông liền hùa vào phụ một tay.

Năm nào khu chung cư cũng tổ chức tất niên để hàng xóm cuối năm có dịp ngồi lại với nhau một bữa. Nhiều người thổ lộ, hàng xóm với nhau mà kể ra lại “gần nhà, xa ngõ”. Cả ngày đầu tắt mặt tối, cuộc sống mưu sinh ở phố thị dường như cuốn đi cái nếp “hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau”, có khi gặp nhau trong thang máy cũng chỉ hỏi vài câu cho lấy lệ.

Bên mâm cơm chiều cuối năm, nhiều người ngoài tỉnh như chồng tôi cảm thấy ấm lòng chợt nhận ra trong khu chung cư mình ở có nhiều đồng hương cùng cảnh ngộ “ăn Tết xa quê”. “Lâu ni tui gặp ông miết mà chừ mới biết tên, mới biết ông cùng quê với tui”, chỉ một “phát hiện” nho nhỏ và có vẻ hơi muộn như thế thôi mà hai người đàn ông mừng như “bắt được vàng”, ôm nhau cười nói huyên thuyên suốt buổi.

Từ chuyện hỏi tên, nghề nghiệp đến chuyện hỏi thăm sức khỏe người thân ở quê, hỏi về “sự tích” vào Đà Nẵng lập nghiệp… khiến buổi tiệc tất niên càng về cuối càng rôm rả. Có anh còn đem cả rượu quê “khoe” với đồng hương mà rơm rớm nước mắt giới thiệu là “rượu mẹ nấu, gửi vào để đãi khách Đà Nẵng” làm mọi người phần nào quên đi cái Tết xa nhà.

Có hơi “cay” vào, chuyện bày tỏ tình nghĩa xóm giềng cũng dễ dàng được thốt lên, những xích mích kiểu “chuyện trẻ con ra chuyện người lớn” giữa hàng xóm với nhau cũng dễ dàng được xí xóa. Cuối năm mà, ai chẳng muốn quẳng-cái-cũ-đi-mà-đón-cái-mới để hàng xóm mỗi ngày ra vào gặp nhau không phải sượng sùng, “hầm hầm cái mặt” hay im lặng trong thang máy như trước nữa.

Lỡ hàng xóm không chịu tự “làm lành” với nhau thì người này góp vào một tiếng, người kia khuyên nhủ một tiếng, lát sau các bên cũng xiêu lòng hòa giải. Mà xiêu lòng cũng phải, bởi ông bà có câu “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” nên sau một hồi ngẫm nghĩ, chị vợ nhà này khuyên ông chồng chủ động “làm lành” với nhà kia rằng: “Lỡ nhà mình có đau cái bụng cũng nhờ hàng xóm được”.

Có một điều mà tôi thấy rất tâm đắc là qua tiệc tất niên xóm, cánh đàn ông, thanh niên còn được các cụ cao niên trong xóm bày vẽ các nghi thức cúng bái - một nét đẹp truyền thống đang dần mai một giữa cuộc sống tất bật hiện nay.

“Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, việc cúi đầu khấn vái tổ tiên, trước là để trình bày sự kiện, sau là cầu một năm mới mọi người mạnh khỏe, xóm thôn đoàn kết, con cháu thành đạt. Nhiều tổ dân phố còn nhân dịp tất niên thể hiện sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng đối với các hoàn cảnh khó khăn, khuyên bảo cháu con học hành, góp tiền cho các hộ nghèo vay vốn xoay vòng để buôn bán.

Qua đó, mỗi gia đình dường như cũng cảm thấy có bổn phận và trách nhiệm hơn trong việc xây dựng tổ dân phố đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Những năm gần đây, tất niên xóm dường như đã trở thành một “lệ làng” không thể thiếu, góp phần hình thành nên nếp sống đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Khi những bộn bề, toan tính của cuộc mưu sinh cuốn đi bao nét đẹp truyền thống thì những buổi tiệc tất niên ấm lòng trong tiết trời se lạnh cuối năm đã níu lại cái nếp “tình làng nghĩa xóm”.

Tuy nhiên, đâu đó vẫn có tình trạng quá chén, gây gổ đánh nhau, làm mất trật tự trong buổi tất niên. Vì vậy, mỗi cuộc vui nên được tổ chức sao cho tiết kiệm, có chừng mực để không làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp ban đầu.

HOÀNG LÊ

;
.
.
.
.
.