.

Người hầu gái: Lôi cuốn khán giả nhờ câu chuyện lắt léo

.

Năm nay, giải Điện ảnh châu Á (Asian Film Awards) sẽ diễn ra vào ngày 21-3 tại Trung tâm Văn hóa Hong Kong thuộc Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) với sự tham gia của 34 tác phẩm điện ảnh đến từ 12 quốc gia. 

Đặc biệt, bộ phim “The Handmaiden” (tạm dịch: Người hầu gái) của đạo diễn người Hàn Quốc Park Chan-wook đang dẫn đầu danh sách đề cử với 6 hạng mục trong tổng số 15 hạng mục của giải thưởng, đó là giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất, Diễn viên mới xuất sắc nhất, Kịch bản hay nhất, Biên tập xuất sắc nhất, Thiết kế trang phục đẹp nhất và Thiết kế sản xuất xuất sắc nhất. Bộ phim đã tạo nên hiện tượng và thu hút khán giả quê nhà trong một năm qua bởi nội dung kịch bản hấp dẫn.

Nữ diễn viên Kim Tae-ri và Kim Min-hee trong phim Người hầu gái.
Nữ diễn viên Kim Tae-ri và Kim Min-hee trong phim Người hầu gái.

Người hầu gái là câu chuyện kể về một mối tình đồng tính đầy say đắm giữa một nữ đạo chích được thuê làm hầu gái và nữ thừa kế bí ẩn có bối cảnh thời kỳ Hàn Quốc nằm dưới ách thống trị của Nhật Bản (1910-1945).

Đó là một cô gái mồ côi được thuê bởi một người đàn ông để lấy được lòng tin của một người thừa kế nữ giàu có, nhưng cuối cùng lại phải lòng cô gái ấy. Kịch bản mở màn bằng khung cảnh những năm 1930 ở Triều Tiên, khi quốc gia này đang là thuộc địa của Nhật Bản.

Một cô gái móc túi ngây thơ tên Sook-hee được gã lừa đảo xưng là Bá tước Fujiwara thuê làm người hầu gái cho quý cô giàu có Hideko. Đạo chích Fujiwara cần Sook-hee làm cầu nối để độc chiếm tiểu thư Hideko trước thời điểm nàng nhận lời cầu hôn từ người chú dượng độc đoán Kouzuki. Khi cô hầu gái bé nhỏ đem lòng yêu cô chủ, bộ mặt thật của cả bốn người trong mối quan hệ phức tạp dần được phơi bày với nhiều bất ngờ gây rùng mình.

Với sự góp mặt của các diễn viên nổi tiếng xứ Kim Chi, bộ phim ra mắt lần đầu ở hạng mục tranh giải chính Cành Cọ Vàng tại Liên hoan phim Cannes hồi tháng 5-2016 và lập tức gây sốt với giới chuyên môn cũng như khán giả.

Tuy có nhiều cảnh quay táo bạo không kém phim 50 sắc thái, nhưng dưới góc nhìn của Park Chan-wook, bộ phim trở nên tinh tế, phản ánh cuộc chiến đấu câm lặng mà khốc liệt của phái yếu trong quá trình vươn lên thay đổi số phận.

Điểm ấn tượng nhất của Người hầu gái là nằm ở cấu trúc trần thuật sắc sảo với nhiều cú ngoặt bất ngờ thừa hưởng từ tiểu thuyết gốc. Khác với truyện gốc chia làm 3 chương và mỗi chương bám theo lời kể của một nhân vật, thì trong bộ phim này, đạo diễn Park Chan-wook đã chia bộ phim làm 3 phần, mỗi phần một giọng kể.

Ở chương một, phim khiến người xem tưởng tác phẩm chỉ là vở kịch dễ đoán và ngô nghê với nhiều lời thoại đơn giản thì đến giữa phim, tình thế của mọi nhân vật đều được lật ngược. Kẻ ban đầu tưởng là khù khờ hóa ra xảo trá, người ban đầu thật thà biến thành lọc lõi. 

Càng về cuối, câu chuyện lần lượt được mở toang theo hướng mới, những màn bạo lực và tình dục dị biệt dần được nén chặt gây sửng sốt. Đến khi toàn bộ lớp lang câu chuyện được hé lộ, người xem cảm thấy bàng hoàng về sự thật của một thế giới nhân vật và cảnh ngộ trớ trêu.

Với tài năng diễn xuất biến hóa của mình, nữ diễn viên trẻ Kim Min-hee từ một cô chủ yếu đuối giả điên giả dại biến thành nữ chủ nhân mưu mô, sắc sảo và kiên quyết chống chọi đến cùng. Ánh mắt yếu đuối của Kim Min-hee thể hiện trong vài phân cảnh làm người xem tin vào những tổn thương sâu sắc bên trong nhân vật.

Trong khi đó, nữ diễn viên đàn em xinh đẹp Kim Tae-ri lần đầu bước lên màn ảnh rộng trong vai cô hầu gái có phần khô cứng và một màu. Tuy không gây ấn tượng mạnh về hình ảnh nhưng yếu tố sốc và bạo lực của tác phẩm thông qua câu chuyện lắt léo, bộ phim đã lôi cuốn khán giả đến những giây phút cuối cùng.

ĐOÀN GIA HUY

;
.
.
.
.
.