.

Tết không đoàn tụ của sinh viên

.

Tết cũng là dịp để nhiều bạn sinh viên ở lại thành phố, đi làm thêm kiếm tiền đóng học phí, san sẻ một phần gánh nặng cho bố mẹ.

Tết này, Phạm Văn Lực ở lại làm thêm kiếm tiền trang trải chi phí cho học kỳ sau. Ảnh: C.D
Tết này, Phạm Văn Lực ở lại làm thêm kiếm tiền trang trải chi phí cho học kỳ sau. Ảnh: C.D

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng quê Nghệ An, chàng sinh viên (SV) năm cuối Phạm Văn Lực (Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng) chưa có cái Tết nào sum vầy cùng gia đình suốt những năm đi học xa nhà. Tết với nhiều người là niềm háo hức được đoàn tụ nhưng với Lực, Tết là dịp để bạn nỗ lực làm việc nhiều giờ hơn ngày thường để trang trải cho cuộc sống của mình.

Suốt gần 4 năm làm SV, Lực phải tự trang trải cuộc sống bằng công việc làm thêm tại các quán cà-phê với mức lương 900.000 đồng/tháng. Thấy hoàn cảnh Lực khó khăn, chủ quán giao thêm nhiệm vụ ở lại giữ quán vào ban đêm và trả thêm 500.000 đồng.

Năm nay, cũng như mọi năm, thương bố mẹ ở quê lam lũ, sợ về nhà tốn kém nên Lực quyết định tiếp tục ở lại Đà Nẵng đón Tết. Những ngày thường, Lực nhận mức lương với giá 8.000 đồng/giờ. Lực bảo, những ngày Tết quán tăng lương gấp đôi nên phải tranh thủ làm để kiếm tiền trang trải chi phí học tập. “Làm qua Tết góp được một khoản tiền mình mới về quê thăm nhà, mua quà cho các em”, Lực cho biết. Lấy việc làm thêm khỏa lấp đi nỗi nhớ gia đình, Lực xem đó như một trải nghiệm của tuổi trẻ để trưởng thành hơn.

Vương Thị Như Quỳnh (quê Quảng Ngãi), bạn cùng lớp với Lực cũng xin gia đình ở lại Đà Nẵng để làm thêm trong dịp Tết này. Năm nay là năm đầu tiên Quỳnh đón Tết xa nhà. Quỳnh cho biết đã xin phụ việc tại một tạp hóa gần chỗ ở cho tiện vì không có phương tiện đi lại, chủ quán trả bao nhiêu bạn sẽ nhận chừng đó, miễn có tiền để Quỳnh mua sắm đồ học tập cho em nhỏ ở qu

Trước đây, ngoài việc học trên lớp, Quỳnh thường đi làm gia sư để kiếm thêm thu nhập. Công việc gia sư mỗi tháng chỉ kiếm được 600.000 đồng, với số tiền đó Quỳnh phải trang trải tiền sinh hoạt cho cả tháng. Tuy khá buồn vì không được về quê đón Tết như bao bạn bè cùng trang lứa nhưng cô SV năm cuối vẫn tự tin cho rằng người trẻ tuổi phải biết học cách thích nghi với mọi điều khó khăn nhất, kể cả việc đón Tết xa gia đình.

Còn Trần Quốc Lộc (quê ở Quảng Nam, SV Khoa Hóa, Trường Đại học Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) chia sẻ, dù quê không xa nhưng vẫn ở lại làm thêm để trang trải học phí cho kỳ sau. Trước đây, Lộc làm phục vụ tại nhà hàng 4U với mức lương mỗi ngày 80.000 đồng.

Vì công việc ở nhà hàng không thường xuyên nên Lộc phải chuyển qua làm phục vụ tại một quán ăn gần trường với mức lương 120.000 đồng mỗi ngày và mức lương sẽ tăng gấp đôi trong 3 ngày Tết. Lộc cho biết sẽ làm tăng ca hoặc tìm một việc khác vào thời gian trống để có thêm một khoản thu nhập nữa gởi về cho bố mẹ. “Nhiều khi bố mẹ ở quê gọi hỏi thăm mình đều nói ở lại học chứ không dám nói đi làm thêm vì sợ bố mẹ buồn”, Lộc tâm sự.

Nhiều SV khác cũng mong ngày trở về đoàn tụ với gia đình nhưng hoàn cảnh không cho phép. Nguyễn Tiến Nhật (quê ở Kon Tum, SV Khoa Điện, Trường Đại học Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) cho biết trong thời gian tìm việc làm Tết, Nhật tranh thủ đi chở hàng thuê cho những người bán hàng trực tuyến.

Mỗi lần đi chở hàng, Nhật nhận được thù lao từ 5.000-10.000 đồng. Tết năm nay Nhật quyết định ở lại Đà Nẵng đi chụp hình thuê để kiếm thêm thu nhập. Nhật khoe nếu chịu khó làm hết Tết thì có thể tự mua một chiếc máy tính phục vụ cho việc học của mình.

Hầu hết SV không về quê ăn Tết đều có hoàn cảnh khó khăn. Nhằm giúp cho SV vơi đi phần nào nỗi lo đón Tết, Thành Đoàn Đà Nẵng đã thực hiện kế hoạch hỗ trợ kinh phí về quê đón Tết cho sinh viên các trường thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng.

Trường Đại học Bách khoa đã trao 70 suất quà với giá trị mỗi suất là 200.000 đồng, trong đó có 42 suất do Thành Đoàn Đà Nẵng cấp, còn lại Đoàn Trường Đại học Bách khoa hỗ trợ. Đoàn Trường Đại học Sư phạm cũng đã tổ chức phát 200 vé xe miễn phí cho SV có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 40 triệu đồng. Ngoài ra, Đoàn trường sẽ trao nhiều suất quà cho một số SV không về quê đón Tết.

“Trong nhiều năm qua, Đoàn Trường Đại học Sư phạm đã rất tích cực triển khai công tác hỗ trợ vé xe cho SV có hoàn cảnh khó khăn về quê ăn Tết. Công tác hỗ trợ đã mang lại nhiều ý nghĩa trong việc giúp đỡ SV được trở về đoàn tụ cùng  gia đình, đặc biệt là gia đình những bạn bị thiệt hại từ đợt lũ vừa qua”, anh Nguyễn Viết Hải Hiệp, Phó Bí thư Đoàn, Chủ tịch Hội SV Trường Đại học Sư phạm cho biết.

CẨM DUYÊN

;
.
.
.
.
.