.

"Người nhện" Tomic - siêu trộm kiệt tác nghệ thuật

.

Phương tiện truyền thông ở Paris đều gọi Vjeran Tomic là “Người nhện” vì tài leo trèo, nhào lộn của anh ta. Ngày 5-2-2017, tại phiên tòa xét xử, Tomic thuật lại chi tiết vụ trộm 5 kiệt tác hội họa ở Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại ở Paris vào sáu năm trước mà y cho rằng “dễ như lấy đồ trong túi”. Tất cả những gì Vjeran Tomic cần để thực hiện vụ trộm gần như hoàn hảo, chỉ là vài dụng cụ đơn giản như cây kiềm nhỏ, một vài pít-tông cùng một chút may mắn.

Vjeran Tomic, người bị cáo buộc đánh cắp 5 bức tranh từ Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại ở Paris năm 2010.
Vjeran Tomic, người bị cáo buộc đánh cắp 5 bức tranh từ Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại ở Paris năm 2010.

Trước khi mặt trời ló dạng, Tomic đã chất lên chiếc Renault của mình 5 bức tranh của những danh họa thế giới: Picasso, Braque, Matisse, Léger và Modigliani, trị giá hơn 104 triệu euro (khoảng 112 triệu USD) và bỏ lại những bộ khung rỗng trên các bức tường của bảo tàng. “Đó là một trong những vụ trộm dễ nhất và lớn nhất của tôi”, Tomic nói với các phóng viên hôm thứ sáu, ngày 3-2 bên ngoài phòng xử án, nơi y và hai người khác bị cáo buộc là đồng phạm bị xét xử vì tội trộm cắp.

Cảnh sát đóng gói phần khung của bức tranh bị đánh cắp của Picasso, Braque, Matisse, Leger và Modigliani bên ngoài Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại ở Paris, tháng 5-2010.
Cảnh sát đóng gói phần khung của bức tranh bị đánh cắp của Picasso, Braque, Matisse, Leger và Modigliani bên ngoài Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại ở Paris, tháng 5-2010.

Trong các bài báo, Tomic được ví với Arsene Lupin, nhân vật hư cấu, là một tên trộm liệt vào hạng “quý ông” và bậc thầy về nghệ thuật cải trang được tạo ra bởi nhà văn Pháp Maurice Leblanc vào đầu những năm 1900, ở Paris.

Sinh ra tại Paris, Vjeran Tomic, 49 tuổi, từng có thời lớn lên ở Bosnia và Herzegovina, sau đó ở Nam Tư cũ, nơi đây Tomic học được các mánh khóe trộm cắp. Năm 11 tuổi, Tomic trở lại Paris, tập luyện leo trèo, nhào lộn và nhảy xa ở khu Nghĩa trang Pere Lachaise. Sau đó, y hoàn thiện kỹ năng leo tường của mình trong thời gian tham gia lực lượng quân đội Pháp. Tuy nhiên, Tomic kể rằng trong vụ trộm này, anh ta hầu như không cần dùng đến các kỹ năng này. Theo các công tố viên, vụ việc khởi đầu khi một người buôn đồ cổ thường mua đồ ăn cắp của Tomic “đặt hàng” Tomic lấy trộm bức tranh của Léger.

“Người đàn bà với cây quạt”, tranh của Modigliani.
“Người đàn bà với cây quạt”, tranh của Modigliani.

Tại phiên tòa, Tomic khai rằng mình đã tập trung nỗ lực phá một trong các cửa sổ có chấn song của bảo tàng. Trong vài lần đến đây, y đã kín đáo phun axit lên cửa sổ để sau đó có thể dễ dàng tháo dỡ. Khoảng 3 giờ sáng ngày 20-5-2010, y đã cắt lìa cửa sổ, tháo rời tấm kính, cắt ổ khóa và dây kim loại phía sau để đột nhập vào bảo tàng. Hệ thống báo động vẫn im lặng.

Tên trộm dày dạn này nhanh chóng chộp lấy bức “Still Life with Candlestick - Tĩnh vật với giá nến” của Leger. Lúc chuẩn bị rời đi, y nhận thấy mình vẫn còn thời gian vì hệ thống báo động vẫn không có động tĩnh gì, Tomic đã lấy thêm 4 bức khác: “Woman With a Fan - Người đàn bà với cây quạt” của Modigliani, “Dove with Green Peas - Chim bồ câu và những hạt đậu xanh” của Picasso, “Olive Tree - Cây Olive” của Braque và “Pastoral - Mục đồng” của Matisse.

“Chim bồ câu và những hạt đậu xanh” của  Pablo Picasso.
“Chim bồ câu và những hạt đậu xanh” của Pablo Picasso.

Theo các công tố viên, vào ngày xảy ra vụ trộm, các bức tranh đã được bí mật chuyển đến cho ông Corvez, người buôn đồ cổ. Tomic bị thẩm vấn khoảng một năm sau đó, khi cảnh sát nhận được tin báo, y từng khoác lác về vụ trộm tại một bữa tiệc vài tháng trước. Y đã sớm nhận tội và khai với cảnh sát về vai trò của Corvez.

James Ratcliffe, Giám đốc Art Loss Register, trung tâm thu thập dữ liệu về các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp, nói với phóng viên New York Times: “Việc bán các bức tranh sẽ vô cùng khó khăn. Đây là những bức tranh có thể được nhận ra ngay lập tức đối với bất kì người buôn tranh, nhà đấu giá hay nhà sưu tập nào”.

“Tĩnh vật với giá nến” của  Fernand Leger.
“Tĩnh vật với giá nến” của Fernand Leger.

Birn, nghi phạm thứ ba, nói với các thẩm phán rằng ông ta đã hoảng sợ và đã cất giấu chúng. Điều này có nghĩa các bức tranh có thể mất tích mãi mãi. Các nhà điều tra đang gặp khó trong việc tìm kiếm các bức tranh bị đánh cắp, và liệu chúng đã được giấu ở nơi an toàn, bị bán hay tệ nhất là đã bị phá hủy?
Tuy nhiên, không phải ai cũng tin vào lời khai này. William Bourdon, luật sư đại diện của City of Paris, đơn vị sở hữu bảo tàng cho rằng, có “khả năng rất lớn” là ba người đàn ông này đã tìm cách tung hỏa mù để đánh lừa các cơ quan chức năng. Bằng cách này, họ hy vọng một ngày nào đó vẫn có thể chia phần từ vụ trộm.

Sau hai ngày xét xử, các công tố viên đề nghị mức án 10 năm tù và 300.000 euro tiền phạt đối với cáo buộc ăn cắp tài sản văn hóa của Tomic. Bản án được dự kiến được tuyên vào cuối tháng này. Jean-Michel Corvez, 62 tuổi, người buôn đồ cổ được cho là đã khơi mào vụ trộm, cùng Yonathan Birn, thợ đồng hồ 40 tuổi, đều bị buộc tội tàng trữ đồ ăn cắp và đối mặt với án tù cùng tiền phạt.

“Người nhện” Vjeran Tomic, một người đàn ông lực lưỡng với mái tóc thưa ngắn, đôi mắt lanh lợi và giọng nói khá thu hút, tạo được những tiếng cười từ phòng xử án khi ông ta đưa ra một “bản kê khai” chi tiết, tỉ mỉ trong một vụ trộm mà ông ta cho là “dễ dàng không thể tưởng”.

HOÀNG ĐẶNG (Theo New York Times)

;
.
.
.
.
.