.

Thơ túi rượu bầu…

.

Xưa nay rượu và thơ vốn như hình với bóng. Uống rượu để làm thơ. Và làm thơ để mà uống rượu…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

1. Lý Bạch đời Đường được thiên hạ tặng cho mỹ danh “Trích tiên”, “Tửu tiên” không chỉ nổi tiếng vì uống rượu tràn cung mây mà vì những khúc tửu ca hào sảng, đầy sinh khí vút lên trong đất trời bát ngát vô tận: “Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch, Duy hữu ấm giả lưu kỳ danh”. Thần cú trong bài Tương tiến tửu này được dịch là: Thánh hiền bặt tiếng xưa nay/ Chỉ dân uống rượu mới hoài lưu danh.

Dường như trời đất đã tạo ra men nồng của rượu để khi uống vào thấm trong từng mạch máu, khơi động nguồn tư tưởng, quyện vào hồn chữ… Và từ đó thơ chắp cánh bay vào cõi nhân gian. Thiên hạ xưa nay nghiêng mình trước một dòng Trường Giang xanh biếc chảy vào bầu trời, một dòng Hoàng Hà vần vũ từ trời cao rơi xuống nhân thế hay ánh trăng từ ngàn xưa chiếu rọi cả tâm tư người xa xứ… trong thơ Lý Bạch. Đó không phải trong thơ có men nồng của rượu hay sao?

Có lẽ nói không ngoa rằng trong đời người, từ bậc quân tử cho đến kẻ tiểu nhân, không ai không uống rượu, nhưng uống rượu để làm thơ chỉ có người nghệ sĩ. Trong “Ngày xuân thơ rượu”, nhà thơ của núi Tản sông Đà tuyên ngôn: Trời đất sinh ta rượu với thơ/ Không thơ không rượu sống như thừa… Còn thơ còn rượu còn xuân mãi/ Còn mãi xuân, còn rượu với thơ. Tản Đà thi sĩ đã tự nhận mình là một tín đồ trung thành với rượu và lý giải mối thiên duyên kỳ ngộ như dòng chảy đam mê trong huyết quản của người khách thơ: Rượu say, thơ lại khơi nguồn/ Nên thơ rượu cũng thêm ngon giọng tình/ Rượu thơ mình lại với mình/ Khi say quên cả cái hình phù du/ Trăm năm thơ túi, rượu vò/ Ngàn năm thi sĩ, tửu đồ là ai? (Thơ và rượu).

2. Sinh thời, cụ Tiên Điền Nguyễn Du, người có con mắt nhìn thấu cõi nhân gian đã phải thốt lên rằng: “Sinh tiền bất tận tôn trung tửu/ Tử hậu thùy kiêu mộ thượng bôi” (Khi sống chẳng nghiêng bình cạn rượu/ Chết đi ai tưới mộ ly đầy).

Việc nghiêng bình cạn rượu âu cũng là để nhấm nháp nỗi sầu nhân thế, nhỏ giọt lệ thương vay khóc người bạc mệnh để làm nên một thiên bạc mệnh “Đoạn trường tân thanh” (tên gốc của Truyện Kiều) không phải ai cũng làm được như thi nhân họ Nguyễn.

Nói đến bầu rượu túi thơ người ta thường hình dung đến những tao nhân mặc khách vượt qua cái ngưỡng tầm thường của danh lợi, bon chen để buông mình trong cái thú tiêu dao tao nhã. Nhà nho tài tử Nguyễn Công Trứ đã từng nghêu ngao hát tràn giữa trời đất bao la: Hẹn với lợi danh ba chén rượu/ Vui cùng phong nguyệt một bầu thơ (Thoát vòng danh lợi).

Bùi Giáng, nhà thơ quê Duy Xuyên, người đã đem “những hạt nắng bảy màu” đến nhân gian và khi ra đi lúc “ngàn thu rớt hột” đã để lại cõi đời không chỉ là Lời cố quận mà còn có sổ đoạn trường ghi nợ rượu với nhưng câu thơ buồn lai láng: “Tháng năm sắp đổi sắp dời/ Một mình ngồi uống biết mời mọc ai/ Chỉ còn cô độc đeo đai...”. Dường như Bùi Giáng lúc nào cũng say, càng say càng làm thơ hay… Khác với Lý Bạch, say rượu để vần thơ thoát tục bay vào cõi tiên thì thi sĩ họ Bùi chính là người điên uống rượu nhưng thơ lại rất tỉnh. Và chính trong cuốn sổ đoạn trường ấy ông đã tiên cảm về chuyến đi cuối cùng của mình: “Nợ nần ông trả từ nay/ Về sau ắt sẽ còn đâu nợ nần”.

3. Lẽ thường ở đời, rượu dẫn con người vào cõi mê muội, tầm thường đôi khi dung tục hóa, nhưng đối với người thơ thì rượu là dung môi đưa con người vào cõi mơ, cõi mộng, khiến ta có thể dốc cạn tâm can để làm nên lâu đài ngôn ngữ đẹp. Say rượu chỉ là cái cớ để say người say cảnh.

Nguyễn Bá Trác (1881-1945), người Điện Bàn, uống rượu khi bôn ba xứ người mà viết nên Nam phương ca khúc đầy cảnh đào vong vì quốc sự. Bài ca ấy, độc giả bấy giờ và nhất là những người cách mạng lớp sau, ai cũng thích, thường học thuộc và ngâm nga:

Hồ trường! Hồ trường! ta biết rót về đâu?/ Rót về đông phương, nước bể đông chảy xiết sinh cuồng loạn;/ Rót về tây phương, mưa Tây sơn từng trận chứa chan/ Rót về bắc phương, ngọn bắc phong vì vụt, đá chạy cát dương;/ Rót về nam phương, trời nam mù mịt, có người quá chén, như điên như cuồng/ Nào ai tỉnh, nào ai say, chí ta ta biết, lòng ta hay/ Nam nhi sự ngiệp ở hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây.

Đynh Trầm Ca, tác giả đương đại cũng người Điện Bàn, nổi tiếng với ca khúc “Ru con tình cũ”, trong một lần uống rượu cuối năm bên bờ kinh phương Nam mà thấy lòng như bay lên mây: Rượu cuối năm mà lòng say chưa đã/ Thêm một ly để cảm tạ đất nầy/ Thêm một ly gửi tới những tảng mây/ Để cuối kiếp ta trôi lên... thường trú.

4. Từ khi người Trung Quốc tôn Đỗ Khang (sống vào cuối thời Tây Chu) là Tửu thần vì đã tình cờ phát hiện ra thứ nước kỳ diệu ở hốc cây dâu có thể xua tan buồn đau, bệnh tật và người phương Tây gọi Dionysus trong thần thoại Hy Lạp là thần rượu nho… thì rượu không còn là thức uống bình thường nữa là nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ thuật thơ ca.

Có người thích uống rượu; có người chê rượu; có người thề không uống rượu. Tùy vào “duyên nợ” với rượu. Lại có người thèm rượu đáng yêu như Đoàn Thị Lam Luyến như nhà thơ thổ lộ trong “Huyền thoại một tình yêu”: Giá được một chén say mà ngủ suốt triệu năm/ Khi tỉnh dậy anh đã chia tay với người con gái ấy/ Giá được anh hẹn hò dù phải chờ lâu đến mấy/ Em sẽ chờ như thể một tình yêu.

Xưa nay rượu và thơ vốn như hình với bóng trong thế giới sáng tạo huyền hồ của văn nhân nghệ sĩ. Uống rượu để làm thơ. Và làm thơ để mà uống rượu. Nói thế không có nghĩa là ai uống rượu vào cũng xuất khẩu ra thơ được cả. Thơ là của trời cho, chỉ ai có căn cơ mới nhận được. Với những người làm bạn với thơ túi rượu bầu, rượu chỉ là chất “xúc tác” giúp họ thăng hoa trong nghệ thuật gieo câu nhả chữ…

NHƯ HẠNH

;
.
.
.
.
.