.

Chuyện ông Chuồng bà Chuồng

.

Ở các thôn ấp ven sông Tam Kỳ và sông Bầu Bầu thuộc hai xã Tam Xuân 1 và Tam Xuân 2, từ xưa đã lưu truyền câu chuyện kể thú vị về “ông Chuồng bà Chuồng” có liên quan đến tục lệ cúng cầu cho sức khỏe các vật nuôi trong nhà vào dịp cuối năm. Các lão nông ở 2 xã này kể câu chuyện không khác với ông Lê Văn Phu – một giáo viên hưu trí ở thôn Phú Khê Đông, xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành đã sưu tầm và kể lại.

Một cảnh “cúng chuồng”. (Nguồn: tuanbaovannghetphcm.vn )
Một cảnh “cúng chuồng”. (Nguồn: tuanbaovannghetphcm.vn )

Xưa, ở một làng quê nọ có hai vợ chồng già rất nghèo, không nơi nương tựa. Gặp năm hạn hán, mất mùa, ai cũng lâm vào khó khổ, hai vợ chồng đành chịu cảnh đói lả, uống nước cầm hơi. Họ bèn tìm đến chỗ các nhà giàu để kiếm miếng ăn thừa. Nhưng, trong lúc đói kém, ai cũng dè xẻn; còn chút đồ ăn thừa thải nào họ cũng vét để dành cho bữa hôm sau. Bí quá, hai vợ chồng đành đi trộm bã cám heo để cầm hơi. Đêm đêm, họ lẻn đến các chuồng heo nhà giàu, nhổ nọc chui vào, bòn nhặt mớ cháo cám mà bọn heo giành ăn làm vương vãi trên nền phân mang về nấu lại cho sạch mùi hôi, quyết cầm cự cho qua lúc đói. Vì cớ đó, các chuồng heo mà họ bước qua trở nên sạch hơn vì nền phân bị chân người lèn xuống; mùi hôi trong chuồng cũng vì thế mà bớt phần khó chịu.

Có một chủ nhà, lâu ngày cũng nhận ra chuyện thay đổi đó nhưng không để ý. Một hôm, người chủ nhà này khó ngủ, tình cờ phát hiện có hai bóng đen lẻn vào rút cây nọc chuồng heo bỏ qua một bên rồi bò vào bên trong. Cho rằng có kẻ lẻn vào trộm heo, sẵn cây nọc chuồng nằm sẵn, chủ nhà bèn cầm lấy rồi giáng vào hai bóng đen kia những cú thật mạnh. Đòn nhằm chỗ nhược, hai vợ chồng gục xuống. Khi phát hiện mình vừa lỡ tay đánh chết hai mạng người; lại sợ tai vạ ập xuống khi việc đến tai quan, chủ nhà bèn cùng gia nhân tâm phúc đào huyệt cạnh chuồng heo, chôn hai kẻ bất hạnh ngay trong đêm.

Chuyện xảy ra chẳng ai biết ai hay! Cả làng đều đang chạy đôn chạy đáo kiếm miếng ăn, chẳng ai quan tâm đến sự mất tích của hai vợ chồng kia, đều cho là vợ chồng họ đã bỏ xứ đi ăn mày; lâu ngày, thấy họ không về, ai cũng nghĩ có thể họ đã chết đường chết sá!

Một thời gian sau, người chủ chuồng heo lỡ tay ngộ sát kia đêm nào cũng chiêm bao thấy nạn nhân hiện về đòi mạng. Cầu cúng mãi không hết, sợ quá, bèn đem lễ vật lên khai báo mọi chuyện với quan. Sau khi tra xét đầy đủ, lại nhận thấy kẻ có tội thật sự ăn năn, quan bảo: “Lâu nay đói kém lan tràn, dân tình khó khổ, ta không có cách chi cứu tế kịp thời, trách nhiệm một phần cũng thuộc về ta. Nay ngươi, tuy không cố ý, nhưng cũng đã gây ra án mạng. Xét ngươi thành tâm muốn chuộc tội, chuyện lại xảy ra trong cơn đói chết người, nay ta không truy cứu nữa! Nhưng ngươi phải sửa sang mồ mả nạn nhân cho chu đáo, hằng năm kỵ giỗ cúng tế thành tâm”.

Vì không biết danh tính nạn nhân, quan đặt tên cho họ là “ông Chuồng bà Chuồng” để kẻ thờ tự tiện bề khấn khứa. Chủ nhà y lời. Từ đó, hồn nạn nhân không còn hiện về đòi mạng nữa; mà lạ thay, heo trong chuồng kẻ gây án ngày một béo tốt. Chuyện lạ lan ra khắp làng, ai nấy cũng bắt chước cúng “ông Chuồng bà Chuồng” để mong cho heo chóng lớn.

Câu chuyện trên còn được dân gian địa phương kể thêm một đoạn cuối như sau:
Ít lâu sau khi trình quan và được chỉ dẫn thờ cúng nạn nhân, trong gia đình kẻ lỡ tay đánh chết người có cô con gái đến kỳ sinh nở. Theo tục xưa, suốt tháng đầu sau khi sinh, sản phụ không được tắm rửa, giặt giũ; phải xông hơ bằng cách “nằm lửa” thường xuyên và nơi nằm phải được che kín suốt thời gian ở cữ; vì thế buồng đẻ thường bốc mùi hôi hám nặng nề.

Một đêm trước ngày người con gái sinh, người chủ nhà thấy ông bà Chuồng hiện về, cho biết sẽ làm cho nơi nằm của sản phụ được sạch sẽ, thơm tho với điều kiện chủ nhà phải cúng tạ thêm một mâm cỗ vào ngày đầy tháng đứa cháu. Quả nhiên, suốt thời gian ấy, không khí trong căn buồng sinh của cô con gái vẫn cứ thông thoáng bình thường. Đến kỳ đầy tháng xin tên cho trẻ, gia chủ ra chuồng heo rút một cây nọc chuồng; rồi vào bày ở góc buồng của sản phụ đầy đủ hương đèn, trầu cau cùng một mâm với nhiều thức cúng. Sau khi vái tạ, chờ đến khi tàn nén hương, chủ nhà khấn thêm một câu: “Xin ông Chuồng, bà Chuồng trở về”; sau đem cây cọc chuồng heo cắm về chỗ cũ.

Chuyện cúng kiếng này từ đó được lan ra; rồi thành lệ trong dân làng và lan ra nhiều nơi khác: Sau lễ cúng đầy tháng cho đứa trẻ, sẽ tiến hành lễ cúng ông Chuồng bà Chuồng ở góc buồng - một cách cám ơn người khuất mặt giúp cho việc sinh nở được sạch sẽ, an lành.

Một dị bản của câu chuyện này kể thêm: Về sau, tục cúng “ông Chuồng bà Chuồng” cho heo vào ngày cuối năm còn kiêm luôn cả việc cầu cho các loại gia súc như trâu, bò, gà vịt… không bị ốm đau, bệnh, dịch và sinh sôi, phát triển nhiều hơn trong năm mới.

Các chuyện này được kể có lẽ nhằm giải thích cho tục cúng gia súc diễn ra vào dịp cuối năm và đầu tháng Ba âm lịch ở các địa phương vùng nam Quảng Nam. Chắc rằng câu chuyện cũng được lưu hành ở nhiều nơi khác - bởi khắp nơi ở nông thôn nước ta ngày xưa, tục lệ cúng gia súc đã thành phổ biến. Tết đến, ngang qua bất kỳ chuồng gia súc nào, thấy có dán tờ “giấy vàng bạc” ở cửa chuồng sẽ biết ngay là “ông Chuồng bà Chuồng” vừa được khấn vái.

PHÚ BÌNH

;
.
.
.
.
.