.

Có một nơi để về

.

“Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai, đó là hạnh phúc”.

Nghèo tiền bạc, giàu tấm lòng

Với những giỏ hoa vải phục vụ Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 vừa rồi, chị Phạm Thị Tâm ước mong mang lại niềm vui cho những cảnh đời thiếu may mắn trong chi hội. Ảnh: V.T.L
Với những giỏ hoa vải phục vụ Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 vừa rồi, chị Phạm Thị Tâm ước mong mang lại niềm vui cho những cảnh đời thiếu may mắn trong chi hội. Ảnh: V.T.L

Với chị Phạm Thị Tâm, Chi hội trưởng phụ nữ số 3 và “phó thủ lĩnh” một tập thể 50 người là “Hội nàng dâu” phái Nhì tộc Nguyễn Hữu làng Hòa An (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ), hạnh phúc đơn giản chỉ là mang lại cho nhau lòng yêu thương, sự chia sẻ.

Nàng dâu đối với gia đình chừ không được gắn bó bền chặt như xưa, nhất là các nàng dâu trẻ - chị Tâm nói trong lúc xếp lại mấy giỏ hoa giấy cho ngày 8-3. Vì thế, các nàng dâu trong phái tộc họp nhau lập ra “Hội nàng dâu” để chia sẻ với nhau “kinh nghiệm” làm dâu do cô giáo Dương Thị Mỹ, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Như Hạnh, phường Hòa An, làm “hội trưởng”. Các nàng dâu chân ướt chân ráo về nhà chồng sẽ được tư vấn theo cách “đóng cửa dạy nhau” về ăn nói sao cho đằm thắm, biết tôn ti trật tự, những gì nên và không nên làm để gìn giữ hạnh phúc cho chính cặp đôi của mình và gia đình nhà chồng, xứng đáng là người dâu thảo hiền, đảm đang.

Chị Tâm một thời gian khó, đạp xe về quê nhà Hòa Nhơn mua gạo ra phố bán, tần tảo nuôi con. Từ cái cơ cực của mình, chị thấu hiểu cuộc sống khó khăn của phụ nữ, họ rất cần sự sẻ chia. Nàng dâu Lê Thị Sen có đứa con trai 18 tuổi bị bệnh hiểm nghèo, bệnh viện “chạy”, đưa về chữa trị tại nhà. Các nàng dâu đến chăm sóc cháu, tìm nguồn hỗ trợ; năm rồi giúp cháu được 16 triệu đồng, trong đó có 3 triệu đồng của UBND phường. Dịp 8-3 năm nay, các nàng dâu tự làm hoa vải đem bán, hỗ trợ thêm cháu 1 triệu đồng.

Ngày 5-3 vừa rồi, Chi hội tổ chức thi ẩm thực và ra mắt nhóm dân ca bài Chòi gồm 5 người do chị làm nhóm trưởng. Dù chưa đến độ nhuần nhuyễn, nhưng cái luyến láy chân tình của các chị trong từng câu hát đã làm “phải lòng” các mạnh thường quân và nhận được từ họ 5 triệu đồng. Các chị trích 2,85 triệu đồng tặng quà cho 7 bệnh nhân trong chi hội ngay tại sân khấu, mỗi người 200 – 500 nghìn đồng.

Các thành viên của “Hội nàng dâu” không ai giàu tiền bạc, chỉ giàu ở tấm lòng. Các chị đi chợ 20 nghìn đồng thì để lại 2 nghìn bỏ “heo đất”. Cứ mỗi 3 tháng là “mổ heo” một lần, được bao nhiêu góp nhau đi làm từ thiện. Mình nghèo, nhưng san sẻ chút chút để những người khó khăn hơn mình cũng có được niềm vui trong cuộc sống – chị bộc bạch.

Kết thúc mỗi chuyến đi từ thiện, họ quay về nhà và cảm thấy gia đình là nơi chốn yên bình, hạnh phúc nhất. Từng thành viên CLB sống chan hòa với nhau, yêu thương, đoàn kết. Họ đi đầu trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc (GĐHP) và là tác nhân quan trọng trong xây dựng gia đình văn hóa, họ tộc văn hóa ở Hòa An nói riêng, quận Cẩm Lệ nói chung.

Về nơi yêu thương

Ngờ ngợ trước cổng ngôi nhà có cái cổng bự như cách “chỉ đường” của người ngoài đầu xóm, tôi chạy xe vào. Đúng là nhà chị Nguyễn Thị Xuân Hồng, nhân vật một bài báo của tôi 13 năm trước. Căn nhà đã được xây mới với đường nét trang nhã, thanh thoát như tâm hồn nhà giáo là chị và người từng công tác bên ngành giáo dục và đào tạo là chồng chị.

Nghỉ hưu năm trước thì năm sau, 2010, chị được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng chi hội phụ nữ khu dân cư số 2 phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ; một năm sau nữa là Chủ nhiệm CLB GĐHP trực thuộc chi hội.

Muốn thu hút thành viên, CLB phải tổ chức được các hoạt động sao cho phong phú, hấp dẫn, chứ cứ họp hành trong 4 bức tường thì chán phèo. Nghĩ thế, chị cùng ban chủ nhiệm tổ chức nhiều chuyến đi dã ngoại như tham quan cảnh Đà Nẵng về đêm, xem rồng phun nước, phun lửa ở cầu Rồng…

Các thành viên CLB đều tham gia tích cực các phong trào của địa phương, 100% gia đình đạt Gia đình văn hóa, 100% gia đình đăng ký thực hiện mô hình “Mái nhà xanh” nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường sống, đồng thời phòng ngừa, kiểm soát, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường.

Cùng với đó là những buổi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng GĐHP như: Nuôi dạy con cái, phát triển kinh tế gia đình, bảo vệ hạnh phúc gia đình, cải thiện “Bữa cơm gia đình”…

Ngoài việc quyên góp vận động nhà hảo tâm để có nguồn quỹ trao học bổng, CLB thành lập tổ góp vốn quay vòng với 12 thành viên, mỗi tháng góp 1 triệu đồng/người, nhằm hỗ trợ lẫn nhau phát triển kinh tế, mua sắm vật dụng gia đình và đồ dùng học tập cho các con đến trường, giúp nhau những lúc ốm đau khó khăn…

Chị Xuân Hồng nguyên là giáo viên dạy Văn Trường THCS Hòa Thọ (nay là THCS Nguyễn Văn Linh). Mang tinh thần “người gieo hạt” về địa phương, chị đưa ra sáng kiến: Hằng năm, ban chủ nhiệm CLB gửi thiệp chúc mừng các gia đình nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28-6. Ngoài các hoa văn, họa tiết trang nhã, bắt mắt, trên thiệp ghi những câu châm ngôn về gia đình như “Tất cả kho báu trên Trái Đất không thể nào sánh bằng hạnh phúc gia đình” của nhà thơ, biên kịch Tây Ban Nha Pedro Calderón de la Barca, hay câu châm ngôn khuyết danh được nhiều người thuộc nằm lòng: “Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai, đó là hạnh phúc”…

Đâu đó đã có người vì giận hờn người bạn đời trong thoáng chốc mà từng có ý định rời bỏ nơi chốn đầy ắp yêu thương. Nhưng rồi qua “nhỏ to tâm sự” của các thành viên CLB, họ đã kịp nghĩ lại, bởi mỗi người chỉ có một nơi để về và luôn được chào đón bằng vòng tay của những người mình yêu thương...

“Mô hình CLB Gia đình hạnh phúc ra đời trên địa bàn quận Cẩm Lệ từ năm 2007, đến nay toàn quận có 10 CLB với 245 thành viên. Tuy mang tên gọi khác nhau (Gia đình hạnh phúc, Gia đình bền vững, Gia đình ba thế hệ) nhưng các CLB đều có chung nội dung sinh hoạt như: Tập hợp, vận động gia đình tham gia sinh hoạt theo chuyên đề Xây dựng GĐHP, Kinh nghiệm nuôi dạy con, Gia đình không có bạo lực… Gặp gỡ, trao đổi về kinh nghiệm bảo vệ hạnh phúc gia đình, tổ chức sinh nhật cho các gia đình có sinh nhật trong các tháng; Tổ chức sinh hoạt mời 3 thế hệ từ ông bà đến cha mẹ và con cháu cùng tham gia, lắng nghe tâm tư của thế hệ đi trước để giáo dục cho thế hệ trẻ,...”.

Chủ tịch Hội LHPN quận Cẩm Lệ Ngô Thị Thùy Trang

VĂN THÀNH LÊ
 

;
.
.
.
.
.