.

Gian nan đường đến thành công

.

Trên hành trình khởi nghiệp, với những người đi trước, họ luôn xem thất bại là điều bình thường. Việc đầu tư trí tuệ, nhân lực, tài sản vào dự án, nhưng thất bại cũng vẫn tạo ra tài sản, là bài học cho những dự án tiếp theo. Tinh thần khởi nghiệp đó sẽ giúp các bạn trẻ vươn lên, sáng tạo không ngừng.

Một buổi chia sẻ kiến thức, kỹ năng, truyền cảm hứng khởi nghiệp của chuyên gia tại Trường Đại học Bách khoa, ĐH Đà Nẵng thu hút hàng trăm sinh viên tham dự.(Ảnh do CLB Khởi nghiệp Đại học Bách khoa cung cấp)
Với Culture Connect đang được ươm tạo trong Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng, Phương Lan (trái) đang tiến những bước rất vững chắc trong sự nghiệp của mình. Ảnh: Q.T

Tôi luyện bản lĩnh

Cách đây không lâu, quán cà-phê The Key (đường Lê Lai, quận Hải Châu) là một trong những quán cà-phê nói tiếng Anh đầu tiên ở Đà Nẵng, có một không gian giao lưu và kết nối văn hóa. Khách hàng không chỉ thưởng thức thức uống mà còn được giao tiếp bằng tiếng Anh hoàn toàn với người phục vụ và các tình nguyện viên là người nước ngoài.

Chủ quán, chị Nguyễn Thị Phương Lan (sinh năm 1985) tốt nghiệp ngành Quản trị du lịch, mê du lịch và văn hóa, mong muốn tạo ra một không gian nơi mà người bản địa có cơ hội kết nối với du khách quốc tế. Tuy vậy, quán cà-phê này chỉ duy trì được 2 năm.

Phương Lan sau đó tiếp tục tham gia khởi nghiệp mảng du lịch, cũng từng thất bại, rồi khởi nghiệp lại nhiều lần với nhiều khó khăn khác nhau. Hiện tại, chị tiếp tục với dự án khởi nghiệp Culture Connect và đang được ươm tạo trong Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng.

Nhìn lại hành trình của mình, Lan nói: “Đối với mình, The Key không phải là thất bại dù với 2 năm mở quán, lợi nhuận gần như là không có nhưng mình đã trưởng thành về mặt con người. The Key đem lại cho mình nhiều thứ: đam mê, thử thách, trải nghiệm...

Những điều ấy không nhà trường, sách vở nào dạy cho bạn được. Đối với mình, khởi nghiệp là một quá trình trải nghiệm, kết quả có thể bằng 0 nhưng quá trình đó tôi luyện bản lĩnh con người”.

Cách đây 5 năm, nhóm các bạn sinh viên khoa CNTT Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cho ra đời dự án: Mạng xã hội giáo dục ThinkS giành được rất nhiều giải thưởng về nghiên cứu khoa học ở Trường ĐH Sư phạm, Hội Sinh viên, Đoàn Thanh niên toàn quốc. Dự án tạo ra một mạng xã hội dành riêng cho giáo dục với thể chế mở giúp cộng đồng IT có thể tham gia lập trình ứng dụng dạy và học.

Ví dụ, đối với môn Sinh học cấp THCS, trên nền tảng mạng xã hội, ThinkS sẽ tạo ra một ứng dụng phẫu thuật ảo giúp học sinh phẫu thuật con vật như chim, cá, ếch qua máy tính. Dự án sau đó không thể tiếp tục duy trì bởi không đủ kinh phí, thời gian tập trung, nhân lực… Vậy mà sau khi tốt nghiệp, các bạn cùng nhau lập lại nhóm khởi nghiệp.

Nguyễn Văn Minh Đức (sinh năm 1991, nhóm trưởng) chia sẻ, dự án ThinkS có thể là thất bại, nhưng là thất bại về mặt dự án, về phía con người lại được rất nhiều. Các  thành viên trong nhóm gắn kết như anh em, chia sẻ kiến thức về công nghệ, lập trình,  nhờ vậy khi ra trường, các bạn đều được nhận vào các tập đoàn công nghệ lớn như Microsoft, Z.com. Và hiện tại, dự án Trí tuệ nhân tạo Chatbot tên là Hekate AI của nhóm đang được ươm tại đề án Xây dựng Vườn ươm Doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng.

Nhân lên những hạt mầm

Tất cả các dự án khởi nghiệp dù ở nhiều lĩnh vực khác nhau đều chia sẻ những khó khăn chung về vốn, nhân lực, kinh nghiệp quản lý… Nói như những bạn là thủ lĩnh các dự án khởi nghiệp thì ươm “10 cây chết 9”. Tính đến nay, Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng đã đi được 2 khóa, ươm tạo 17 dự án, nhưng qua quá trình ươm tạo hiện chỉ còn 6 nhóm dự án thể hiện được triển vọng phát triển.

Dự án Nôi Tob đa năng (dành cho trẻ em) là một trong những “hạt mầm” hiếm hoi còn mạnh mẽ phát triển đến hôm nay, trải qua một thời gian khá thăng trầm khi các bạn sinh viên khởi nghiệp, vừa đi học, vừa làm thêm để có tiền nuôi dự án.

“Hiện tại, Nôi Tob đã nhận được 30 đơn đặt hàng và đã chuyển vào TP. Hồ Chí Minh để phát triển và mở rộng sản phẩm”, Đặng Hoàng Gia Huy (sinh năm 1994, nhóm trưởng), hào hứng khoe. Nhìn lại chặng đường đã qua, Huy không khỏi vui mừng bởi nhóm đã mất 3 năm ròng “trầy vi tróc vảy” nghiên cứu, trải qua nhiều lần thay đổi nhân sự, tưởng đổ vỡ do thiếu vốn, mới làm ra sản phẩm này.

Từ cuối năm thứ nhất ở Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), Huy cùng 4 người bạn của mình lập nhóm để nghiên cứu cho ra đời sản phẩm nôi xốp dành cho trẻ em. Cả nhóm đều là sinh viên, không có tiền, các bạn trong nhóm chia nhau đi làm thêm, được bao nhiêu đều đổ vào nghiên cứu.

Thậm chí, ban đầu, một người bạn trong nhóm đã phải cầm cố chiếc xe máy để nhóm có kinh phí hoạt động. Với số vốn ban đầu chưa đến 40 triệu đồng trong khi phải chi rất nhiều cho việc nghiên cứu, đặt khung, sườn xe từ Trung Quốc, Nhật Bản, nhóm của Huy đã rất chật vật tưởng bỏ cuộc. Khi sản phẩm nôi xốp hoàn thiện, các bạn đem tham dự cuộc thi Business Weedkend của Trường Đại học Kinh tế nhưng rớt… “từ vòng gửi xe”.

Thất bại này khiến cơ hội khởi nghiệp của nhóm gần như phải từ bỏ. Nhưng các thành viên động viên nhau tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm. Thời gian sau này, sản phẩm cơ bản đã hoàn thiện, nhóm đem sản phẩm đi thi các cuộc thi về khởi nghiệp và có giải, tiền thưởng lại dành dụm để tiếp tục nuôi dự án.

Từ sản phẩm nôi xốp với kết cấu đơn giản, các bạn đã nâng cấp lên sản phẩm nôi tob với tính năng “5 trong 1”, hỗ trợ trẻ từ lúc sơ sinh đến biết đi. 5 tính năng chính của sản phẩm đó là: ru ngủ tự động; kể chuyện, phát nhạc; báo động vệ sinh; cảm biến ru ngủ (khi trẻ cựa quậy) và kết nối với smartphone. Nhóm của Huy là một minh chứng cho thấy tinh thần khởi nghiệp không mệt mỏi.

Thực tế, khi các dự án còn ở dạng ý tưởng và trên con đường hoàn thiện mô hình kinh doanh, tạo sản phẩm mẫu và bắt đầu thương mại hóa, những người khởi nghiệp sẽ gặp những thách thức và khó khăn. Họ có thể thất bại bởi rất nhiều lý do như không có người điều hành tốt, không có tài chính hoạt động, không có nhân sự kinh doanh, sản phẩm dịch vụ không khả thi, thị trường không đủ lớn,... Tất cả các thất bại này đều giúp cho họ có sự trải nghiệm và trưởng thành lên.

Ông Lý Đình Quân, nguyên Phó Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng cho biết, tỷ lệ  thất bại trong khởi nghiệp giai đoạn đầu vô cùng lớn, đến 95%, tuy nhiên trong khó khăn, những người thành công luôn biết kiên trì và sáng tạo theo những cách đi mới để đến đích. Thất bại giống như một hành trình thử nghiệm, trải nghiệm, trước khi trở thành những người thành công.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.