.

Gieo yêu thương

.

Nhiều người vẫn nghĩ, hạnh phúc là sự cho đi chứ không chỉ là chuyện đón nhận. Cho đi, san sẻ tình yêu và những gì mình có để được nhận về những niềm vui đầy ắp tình người.

Nhóm từ thiện của anh Hồ Ngọc Thanh vượt con đường hơn 70km (trong đó có 5 tiếng đồng hồ lội bộ đường rừng) đến Nóc Măng Ổi, Nam Trà My, Quảng Nam tặng quà cho người nghèo nơi đây, trong mùa mưa năm 2016. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Nhóm từ thiện của anh Hồ Ngọc Thanh vượt con đường hơn 70km (trong đó có 5 tiếng đồng hồ lội bộ đường rừng) đến Nóc Măng Ổi, Nam Trà My, Quảng Nam tặng quà cho người nghèo nơi đây, trong mùa mưa năm 2016. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Như những hạt mầm

Dịp giáp Tết Đinh Dậu vừa qua, nhiều bài báo đưa tin về tủ quần áo miễn phí cho người nghèo ở TP. Hồ Chí Minh. Tin tức ấy đến vào thời điểm tiết trời miền Trung và miền Bắc trở lạnh nhưng khiến hàng triệu người cảm thấy ấm áp. Chỉ một tuần sau, một mô hình tương tự lần lượt xuất hiện ở các tỉnh, thành khác như Hà Nội, Hải Phòng, Gia Lai, Đà Nẵng… với tủ đồ mang tên: “Ai thừa đem cho, ai thiếu đến lấy”.

Tại Đà Nẵng, tủ đồ miễn phí ấy đặt tại 35 Thái Phiên, quận Hải Châu, do chàng trai trẻ Nguyễn Văn Hữu Hiếu (sinh năm 1989) lập ra. Ngay khi đọc được thông tin ở Sài Gòn tổ chức tủ đồ miễn phí cho người nghèo, Hiếu rất tâm đắc.

Hiếu kể,  hồi trước, Hiếu rất muốn mang những bộ áo quần còn khá mới của mình cho các bạn nhỏ đang vất vả mưu sinh dọc các con đường, hè phố nhưng ngại làm họ chạnh lòng. “Nhiều người nghèo khi được tặng quần áo, họ thường ngại, không muốn nhận dù rất cần. Thế nên, tủ quần áo này giúp xóa tan mặc cảm, tạo cho người lao động nghèo cảm giác không ai giám sát, bớt ngại ngùng”.

Tủ quần áo ra đời đúng vào dịp tiết trời Đà Nẵng chuyển lạnh nên số lượng người đến quyên góp áo ấm tăng, đồng nghĩa với việc người lao động nghèo trên phố có thêm tấm áo để giữ ấm trong những ngày mưu sinh lạnh lẽo. Để quản lý và sử dụng tủ đồ, Hiếu bố trí 4-5 nhân viên thường xuyên túc trực để nhận quần áo, phân loại, sắp xếp gọn gàng, đồng thời hỗ trợ, chọn lựa giúp quần áo cho những người lao động khuyết tật.

Những ngày này, các trang báo điện tử, mạng xã hội xao động trước hình ảnh cậu bé 5 tuổi Nguyễn Danh Thành Đạt, đang theo mẹ đi nhặt ve chai ở

TP. Hồ Chí Minh đã sắp xếp giày dép gọn gàng cho các bé mầm non khác ở một buổi dã ngoại. Việc làm của Đạt rất đơn giản, là điều mà ai trong chúng ta cũng từng được bày dạy nhưng mấy ai nhớ để làm. Hình ảnh thật đẹp và trong sáng ấy làm lay động trái tim hàng triệu người.

Sau khi bức ảnh chụp hành động của Đạt được người dùng Facebook có tên Phạm Nghĩa chia sẻ, lập tức có rất nhiều mạnh thường quân đứng ra nhận đỡ đầu cho Đạt đến trường. Đạt đã gieo mầm một việc tốt dù rất nhỏ bé nhưng đã tác động sâu sắc đến hàng nghìn người dùng mạng xã hội, kéo theo hàng loạt hiệu ứng nhân ái khác xoay quanh hành động ngây thơ mà đẹp đẽ của em.

Em đã được đến trường, mẹ em cũng đã được hỗ trợ để có việc làm mới, không còn những tháng ngày bôn ba nhặt nhạnh ve chai, cuộc sống sắp tới đây của mẹ con em rồi sẽ khác. Cuộc đời của mỗi người đôi khi được xoay theo chiều hướng tích cực chính nhờ ở sự chia sẻ của cộng đồng.

Hạnh phúc là sự sẻ chia

Hẳn còn nhiều người bảo lưu quan điểm: “Chỉ người giàu, dư dả mới làm từ thiện”, thế nhưng, đã bao giờ bạn nghĩ, một số tiền ít ỏi có thể giúp một người đói lâu ngày có bữa ăn no. Và yêu thương, chia sẻ giữa con người với nhau không phải để mưu cầu lợi lộc, an nhàn về sau mà đơn giản đó là nhu cầu tự thân của mỗi người.

Khách hàng khi đến quán Nhúng Ớt (số 10 đường Phạm Quang Ảnh, quận Sơn Trà) sẽ không khỏi tò mò với dòng chữ: 10% hóa đơn của quý khách sẽ được gửi vào Quỹ Mổ tim cho trẻ em nghèo. Hiện tại chủ quán  đang duy trì 3 loại quỹ:

Quỹ hạt gạo, Quỹ mổ tim và Bếp cơm vạn tình. Quỹ hạt gạo phát 3 đợt gạo trong năm, mỗi đợt từ 2-3 tấn, phát tại quán cho người nghèo hoặc đến các vùng sâu vùng xa của tỉnh Quảng Nam. Bếp cơm vạn tình nấu và phát cơm cho người nghèo vào ngày Rằm và mồng Một hằng tháng. Và Quỹ mổ tim hỗ trợ cho 5 em nhỏ ở Nam Trà My mắc bệnh tim mổ tim tại Bệnh viện Đà Nẵng hoặc Bệnh viện Phụ sản-Nhi, mỗi em từ 7-10 triệu đồng.

Những tưởng đây là việc làm của một người tuổi trung niên đã trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống, nhưng không, chủ quán là chàng thanh niên mới sinh năm 1986 - Hồ Ngọc Thanh. Chắc chắn, việc giữ lại lợi nhuận của quán cho riêng mình sẽ giúp Thanh mau khấm khá hơn, nhưng với Thanh: “Khi cho đi, tôi thấy mình giàu hơn!”. Không chỉ duy trì 3 quỹ trên trong khoảng thời gian hơn 2 năm, hiện tại Thanh còn đang bảo trợ cho 5 em học sinh nghèo ở Trung tâm Bảo trợ trẻ em nghèo thành phố, mỗi em 2 triệu đồng/tháng.

Nhiều người nghĩ, người nghèo, người khuyết tật, trẻ em mồ côi cơ nhỡ là những đối tượng dễ bị tổn thương và cần được xã hội giang tay giúp đỡ. Thế nhưng, với một xã hội giàu tình nhân ái, cả những người từng phạm sai lầm cũng xứng đáng được yêu thương. Ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, 35 người đang cai nghiện tại cộng đồng đã được sinh hoạt trong câu lạc bộ (CLB) “Vững bước tiến lên”.

Họ đã được mở một lối đi mới, hướng đến những điều tích cực và tạm xa dần “nàng tiên nâu”. Những ngày đầu tháng 3 vừa qua, UBND phường Thọ Quang tổ chức cho 24 thanh niên trong CLB tham quan đến một số địa điểm như Trung tâm Giáo dưỡng 05-06, Bà Nà, bán đảo Sơn Trà…

Ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang, kiêm chủ nhiệm CLB bày tỏ: “Chúng tôi rất mừng vì đã tập hợp được các thành viên CLB đi tham quan. Chuyến đi là để người nghiện nhận thấy lợi ích của việc cai nghiện tại cộng đồng, đồng thời cho họ thấy, gia đình, xã hội sẽ luôn bên họ trong cuộc chiến chống lại sự cám dỗ của ma túy”. Có lẽ điều hạnh phúc nhất của nhiều gia đình có con em vướng vào con đường tối, là cảm nhận được rằng, họ không hề đơn độc trong cuộc chiến kéo người thân của mình tìm lại ánh sáng.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.