.

Hạnh phúc không khuyết

.

Đâu đó, thỉnh thoảng qua báo chí ta vẫn nghe tin về những thanh niên mạnh khỏe giả làm người khuyết tật, những phụ nữ thuê trẻ con để ăn xin dọc đường, cổng chợ.

Thật đẹp, khi quanh ta, luôn có những  người khiếm khuyết một phần thân thể nhưng vẫn nương tựa vào nhau đi kiếm tìm hạnh phúc. Họ như những mảnh ghép chưa hoàn thiện của số phận, đặt cạnh nhau làm nên một hạnh phúc tròn trịa.

Dù khuyết đi ánh sáng đôi mắt, nhưng chị Thủy đã bù lại bằng những giai điệu làm đẹp lòng người.
Dù khuyết đi ánh sáng đôi mắt, nhưng chị Thủy đã bù lại bằng những giai điệu làm đẹp lòng người.

1. Người phụ nữ với mái tóc dài buông lơi trước biển, tay nắn phím đàn dìu dặt điệu xuân nữ nhặt khoan theo lời hô bài chòi của anh Hiệu trong “Đêm Xuân Thiều” do Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng tổ chức nhân ngày 8-3. Nếu không để ý, thì khó ai biết được chị Lê Thị Thanh Thủy, người chơi organ cho hội bài chòi, là người khiếm thị. Có lẽ ông trời vì quên cho người phụ nữ ấy nguồn sáng trong đôi mắt nên đã bù lại cho chị đôi tay tài hoa và tâm hồn nhạy cảm với âm nhạc.

Thủy kể, chị sinh ra ở vùng quê nghèo Đại Phong, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Tuổi thơ đối với chị là một vũng tối lờ mờ không màu, không đường nét. 9 tuổi, chị được gia đình gởi ra Đà Nẵng học ở Trường Mù Nguyễn Đình Chiểu, nay là Trường Phổ thông Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu.

Từ đó, chị như tìm thấy lại ánh sáng của đời mình. Những tiết học văn hóa, đặc biệt là những buổi học đàn với thầy Hồ Dũng đã mở ra trong tâm hồn chị một bầu trời trong trẻo, tươi xanh…

Sau âm nhạc, lần thứ hai trong đời, đó là năm 16 tuổi, chị bắt đầu yêu người bạn cùng trường. Anh Nguyễn Tấn Lợi, sinh năm 1981, quê ở Duy Xuyên, giờ là bạn đời và là cha của hai đứa con trai của chị. Chị bảo, tình yêu của người khiếm thị chỉ có âm thanh chứ không có màu sắc.

Khi yêu nhau, chưa bao giờ anh đưa chị đi chơi ngoài phố. Tình yêu ấy dẫu chỉ loanh loanh trong khuôn viên rợp bóng cây xanh của ngôi trường dành cho người khiếm thị nhưng được nuôi dưỡng bằng khúc hát của trái tim chân thành tha thiết.

Những người mù không thể nhìn thấy cuộc sống chung quanh mình nhưng họ có thể “nhìn” rõ thấy tương lai của chính mình. Năm 23 tuổi, anh chị cưới nhau trong sự thương cảm, lo âu từ gia đình và bạn bè. Mười hai năm trôi qua, tuy chưa một lần nhìn thấy rõ mặt nhau nhưng họ cảm nhận được diện mạo của hạnh phúc qua hai đứa con trai thông minh, ngoan ngoãn. Ngày ngày vợ chồng làm nhân viên cơ sở mát-xa người khiếm thị tại 37 Nguyễn Thị Minh Khai. Những lúc có hội hè, chị lại “chạy sô” đánh đàn; còn anh thì phục vụ âm thanh, ánh sáng, trong CLB Nhân Ái của người khiếm thị.

2. Đến chợ Yến Nê (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang), hỏi thăm nhà anh Trần Đình Phú, bà con bảo đó là nhà có chiếc xe máy 3 bánh phía trước. Đến nơi, đúng là anh, chống một chiếc nạng cười thật tươi ra đón. Nếu không có cái nạng phụ trợ cho anh đi đứng thì ít ai nghĩ rằng anh bị khuyết tật ở chân.

Anh kể, năm 3 tuổi sau một cơn sốt bại liệt, chân anh teo dần và mất khả năng tự đi đứng, chạy nhảy như bao đứa trẻ khác. Tuổi thơ anh là những ngày tháng gắn liền với đôi nạng gỗ. Ban đầu phải đi 2 nạng, không mang dép được, đến trường phải đi chân trần đau buốt, đầy sẹo. Tập tành mãi, lên lớp 5 mới mang dép được và đi một nạng đến nay.

Biết mình không trọn vẹn như bao người khác, Phú chọn lấy nghề may làm kế mưu sinh. Mà hình như trời đất cũng bù trừ, vụng chân thì khéo tay. Anh may veston, quần áo Âu phục nam nữ hợp thời trang (tấm biển trước nhà ghi rõ) có tiếng ở đất Hòa Tiến. Có nghề nghiệp lại thêm tính tình chịu thương chịu khó khiến anh bén duyên chị Ngô Thị Hòa, người Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, người có hoàn cảnh như anh.

Hai vợ chồng như hai mảnh vỡ, ghép lại với nhau bỗng trở nên lành lặn vô cùng. Vợ anh làm công nhân Tổng công ty Dệt may Hòa Thọ. Tối về, chị phụ anh đơm khuy, kết nút, vắt sổ. Bây giờ, ở Hòa Tiến, ai cũng biết đến tiệm may Phú.

Đắt hàng,  nên vợ chồng anh có đồng ra đồng vào để lo toan cho tổ ấm bé nhỏ của mình. Bốn đứa con, rất mừng là chúng rất ngoan, hai đứa lớn học Trường THCS Nguyễn Phú Hường, đều là học sinh giỏi, 2 đứa bé còn học mầm non gần nhà.

Với đôi tay khéo léo, anh Phú làm ra những sản phẩm làm đẹp cho đời và cho gia đình mình. Ảnh: N.H
Với đôi tay khéo léo, anh Phú làm ra những sản phẩm làm đẹp cho đời và cho gia đình mình. Ảnh: N.H

3. Trên đường Nguyễn Chánh, (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu), có một quán nhỏ rất đặc biệt, bán các đồ ăn vặt vỉa hè như ốc hút, trứng lộn và vài thứ nước giải khát. Đặc biệt, bởi ở đây việc mua bán giữa khách và chủ diễn ra bằng những cái lắc, gật đầu, ra dấu tay… Thỉnh thoảng họ cũng “nói chuyện” với nhau bằng giấy bút cùng với nụ cười khuyến mãi tươi rói của vợ chồng chủ quán.

Chị là Nguyễn Thị Loan, anh là Nguyễn Đăng Bình, hai cái tên rất đẹp, nhưng nhiều người không rõ nên cứ gọi “anh chị câm”, hay “quán người câm”. Cả hai đến với nhau không bằng những lời có cánh, những câu thề non hẹn biển hoa mỹ nhưng hạnh phúc của họ là sự chắt chiu theo năm tháng và hai đứa con là ngôn ngữ tình yêu ngọt ngào nhất mà họ dành cho nhau.

Hầu hết những người quanh vùng thường hay đến ăn vặt ở quán “Thinh lặng” của đôi vợ chồng trẻ đều cho rằng duyên số đã sắp đặt họ đến với nhau. Mỗi lần khách vào, anh cười đón, ra hiệu cho họ chọn món, sau đó lại làm dấu cho vợ nấu nướng chế biến.

Họ nói với nhau bằng tay, bằng mắt, bằng nụ cười. Đêm về khuya, hết khách, chị lui cui dọn dẹp hàng quán, anh chất tất cả lên xe kéo về nhà. Tất cả diễn ra trong im lặng. Đó là im lặng của hạnh phúc. Họ như những mảnh ghép chưa hoàn thiện của số phận, đặt cạnh nhau làm nên một hạnh phúc tròn trịa.

4. Khi nói về gia đình nhỏ của mình chị Thủy cho rằng, điều đáng sợ nhất không phải là sự khuyết tật ở cơ thể mà là sự khuyết tật ở tâm hồn. Những người không được may mắn như vợ chồng chị nếu biết yêu thương, tin tưởng nhau thì hạnh phúc tự khắc sẽ đến. Ngày anh chị cưới nhau, ai cũng lắc đầu, chép miệng thương cảm.

Lành lặn như bao người khác mà chưa sống nổi huống gì... (!). Vậy mà, mười hai năm chung sống, vợ chồng chị đã mua được đất, làm căn nhà nho nhỏ, hạ sinh hai đứa con trai. Có thể ngày lễ, ngày Tết anh không bao giờ chở chị đi chơi quanh phố hay xem phim như bao vợ chồng khác nhưng trong căn nhà nhỏ ở phường Hòa Khánh Nam của họ luôn đầy ắp tiếng cười.

Ngày chủ nhật, anh đi chợ, chị nấu cơm, con nhặt rau giúp mẹ… Hai đứa trẻ lớn lên trở thành đôi mắt của anh chị. Bây giờ, chị Thủy chỉ ước mong một điều: Trông cho bọn nhỏ khôn lớn, có công ăn việc làm. Sau này chúng sẽ chở anh chị đi chơi…

Đưa nhau dạo phố, nếu chị Thủy còn phải chờ khi bọn trẻ lớn lên thì đối với vợ chồng anh Phú chị Hòa ở Hòa Tiến lại là điều có thực. Để tiện giao hàng cho khách và mua sắm cho việc may vá, anh để dành tiền mua chiếc xe máy hiệu Wave về nhờ thợ “độ” thành chiếc xe ba bánh. Có chiếc xe, vợ chồng anh càng thêm gắn bó bên nhau lúc vui lúc buồn. Cũng có lúc không tránh khỏi những lúc cơm không lành canh không ngọt, nhưng biết “cơm sôi bớt lửa” nên mọi việc rồi cũng đâu vào đó.

Thỉnh thoảng anh và bạn học ngày trước rủ nhau đưa vợ con làm một chuyến chạy xe quanh nội thành Đà Nẵng, thăm một số cảnh đẹp chùa, cầu… Xong kéo nhau vô một quán nào đó ăn uống. Họ “tám” với nhau đủ thứ chuyện, trong đó không quên nhắc lại những kỷ niệm xưa, khi anh được bạn bè giúp đỡ chuyện học hành. Vợ chồng anh, với họ, như là những người bình thường khác, không chút khiếm khuyết.

Đâu đó, thỉnh thoảng qua báo chí ta vẫn nghe tin về những thanh niên mạnh khỏe giả làm người khuyết tật, những phụ nữ thuê trẻ con để ăn xin dọc đường, cổng chợ. Thật đẹp, khi quanh ta, luôn có nhiều người khiếm khuyết một phần thân thể nhưng vẫn nương tựa vào nhau đi kiếm tìm hạnh phúc. Dương Hương Ly đã vẽ một dấu hỏi trong “Bài thơ về hạnh phúc”: Hạnh phúc là gì? Bao lần ta lúng túng/ Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi vẫn chưa ra. Cuộc sống của những cặp vợ chồng nói trên đã là câu trả lời rõ nét: Người dẫu có khuyết nhưng hạnh phúc không khuyết!

 Ghi chép của NHƯ HẠNH
 

;
.
.
.
.
.