.

Người đồng hành lặng lẽ

.

Nhiều phụ nữ luôn tự hào khoe, ngày nào của mình cũng là ngày 8 tháng 3 khi có người chồng luôn yêu thương, chia sẻ mọi công việc với vợ. Có những cô gái đặt ra mục tiêu lấy chồng hẳn hoi: người ấy sau này phải giống ba mình, yêu thương vợ con, chăm sóc gia đình chu đáo và là điểm tựa cho con trong cuộc sống. Với những người chồng, người cha ấy, tình yêu vô bờ bến họ dành cho gia đình là điểm cộng để vợ con tự hào nhất.

Ba và con gái. Ảnh: H.N
Ba và con gái. Ảnh: H.N

Cách đây nhiều năm, khi đi dự đám cưới con gái đầu của một người đồng nghiệp, lần đầu tiên tôi được chứng kiến gương mặt tràn đầy một niềm hạnh phúc không thể giấu được của ba cô dâu. Trên gương mặt rạng ngời ấy là nụ cười, ánh mắt lấp lánh niềm vui, mà có lẽ chỉ những người cha yêu con, nâng niu những cô “công chúa bé bỏng” mới hạnh phúc đến vậy trong ngày con gái gặp được ý trung nhân.

Từ đó tôi hay có thói quen để ý xem những ông bố vợ có thần thái như thế nào trong ngày cưới của con gái. Và nhận ra với những người cha luôn chiều chuộng con gái sẽ có niềm hạnh phúc khác với những người cha thường ngày tỏ ra nghiêm nghị trước các con. Có nhiều người không ngại ngần khi gọi con là “con gái cưng, con gái rượu” trước rất nhiều người. Ngày con gái lấy chồng, trong niềm vui là bao yêu thương, bao trách nhiệm được cha gửi gắm sang đôi vai của người con rể, mong con được hạnh phúc như khi sống với bố mẹ.

Ông Phan Văn Trường (đường Khúc Hạo, quận Sơn Trà) bảo, con gái lớn của ông đôi khi vẫn bảo chồng là “anh học theo cái tính của bố”. “Cũng không thể bắt con rể học theo tính mình được, “vì giỏ nhà ai, quai nhà nấy”, nhưng việc con gái chọn chồng, rồi cách mình sống, đối xử với vợ con hằng ngày là tấm gương để con học theo”.

Ông Trường nhập ngũ năm 1970. Năm năm đánh Mỹ, ông đóng quân ở Cam Ranh-Khánh Hòa. Giải phóng xong, ông về quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa lấy vợ, nhưng cũng chẳng mấy khi được về nhà vì xong chiến trường này, ông sang chiến trường khác. Bắt đầu chuỗi ngày 10 năm chiến đấu ở vùng biên giới Preah Vihear giáp ranh giữa Campuchia và Thái Lan. Năm 1979 vợ ông sinh con gái đầu lòng, nhưng khi con hơn 2 tuổi ông mới nhìn thấy con lần đầu trong một đợt nghỉ phép. Cuối năm 1989, ông Trường về nước, về Sư đoàn 315 đóng ở Quảng Nam, rồi Sư 307 đóng ở Quảng Ngãi cho đến khi về hưu cách đây 10 năm. Ông bảo 10 năm này là 10 năm mình phải thay đổi tất cả, từ nếp ăn nếp sinh hoạt cho đến chuyện “hòa nhập” với gia đình.

Mấy chục năm ở trong quân đội, các con ông do một mình vợ chăm sóc, lo toan. Không lo được cho các con thì nay ông cùng vợ lo cho các cháu nội ngoại, để các con thảnh thơi với công việc. Ông Trường bảo: “Phụ nữ quá tốt, gia đình nào cũng vậy chứ không phải riêng mình. Họ chăm lo cho chồng, cho con mà không một lời than vãn, kêu ca. Nên giờ chú nghĩ mình giúp được vợ con điều gì là tốt điều ấy, vì trước đây đi miết, không chăm lo cho gia đình được”. Giờ con gái ở riêng, con trai thì sống cùng, nhưng vợ chồng ông Trường chăm hai đứa cháu ngoại từ khi các cháu còn bé, hằng ngày đưa đón các cháu đi học, giờ một cô cháu ngoại đã vào đại học. Khi ở nhà thì ông giành phần vào bếp nấu nướng, bà làm cái này ông làm cái kia. Ngày chủ nhật thì chở bà đi chơi, đi chùa, về xóm cũ ở An Nhơn (phường An Hải Bắc) chơi với hàng xóm. Cuộc sống cứ thế êm đềm trôi và ông Trường xem đó là niềm hạnh phúc nhất mình đang có.  

Anh Nguyễn Văn Hóa (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) chia sẻ, con gái anh đi làm khá sớm, nên vợ chồng anh chăm lo cho thằng cháu ngoại, vợ anh cho nó ăn sáng xong thì anh chở cháu đến trường rồi mới đi làm, đỡ cho con không phải lo lắng. Cũng giống như niềm vui anh có được trong ngày cưới của con gái, giờ trong câu chuyện của anh thường xuất hiện thằng nhóc đáng yêu hay bá cổ anh gọi “ông ngoại”. Anh bảo, chuyện con gái lấy chồng là chuyện quan trọng cả đời, con chọn người hiền lành, biết quan tâm đến gia đình, với mình là niềm hạnh phúc. Giờ anh làm cha, làm ông ngoại, chia sẻ công việc gia đình với vợ, con, sống độ lượng, quan tâm, vợ con mới quý và nể trọng. Hiện tại cuộc sống xã hội có vẻ hối hả hơn, công việc của con cái tất bật hơn, nên ông bà cần quan tâm hỗ trợ trong việc chăm non, đưa đón cháu.

Bạn Nguyễn Thiên Phúc (25 tuổi, tổ 98, phường Hòa Cường Nam, quận  Hải Châu) thú thật là bạn thường gần gũi với mẹ hơn là với ba. Chuyện gì cũng kể cho mẹ, rồi để mẹ kể lại cho ba nghe. Ba không biểu lộ tình cảm bằng lời nói, em cũng chẳng mấy khi nói những câu yêu thương với ba. “Nhưng thật sự, qua những hành động nhỏ, hai cha con có cách “trao đổi” tình thương rất riêng”, đó là cách Thiên Phúc cảm nhận được.

“Nói về hình ảnh của ba, thiệt em cũng không biết dùng từ gì. Nghiêm nghị không đúng, ấm áp cũng... sai sai.

Ba giống như một người đồng hành lặng lẽ và yêu thương con cái. Em không phải là người tinh tế, nhưng mọi thứ ba làm cho em - dù nhỏ tới mấy - em cũng đều nhận ra (từ nhỏ đến giờ đều vậy). Có lẽ là do mối thần giao cách cảm giữa cha và con gái chăng? Em vốn vụng về trong việc nấu nướng. Mẹ thường đi công tác, em phải thay mẹ làm công việc nội trợ. Có những bữa ăn nấu vội thật kinh khủng: cá kho thì nát, canh thì mặn, rau xào thì khô. Nhưng dù có dở tới mấy thì ba vẫn ráng... ăn cho bằng hết, lại còn luôn nói “ăn được mà!”. Ba biết em cũng “khổ tâm” khi lỡ nấu bữa cơm thành ra như vậy, nên không muốn làm con gái “khổ tâm” thêm. Những lần ba “chữa cháy” cho em trong các tai nạn nấu nướng, tiếp khách,... nhiều lắm.

Nghĩ về ba, em thường nhớ tới những câu chuyện lặt vặt. Ngày nhỏ, mẹ cấm không cho em đọc truyện tranh vì sợ hư mắt. Mỗi lần mẹ đi công tác dài ngày, em thường rất buồn và nhớ mẹ. Ba không biết làm sao để an ủi em, (vì em có buồn thì cũng không nói cho ba nghe), vậy là ba lẳng lặng ra sạp báo mua tờ Tuổi trẻ cười với quyển truyện tranh Cô tiên xanh cho em đọc, còn bảo em đừng kể với mẹ. Hồi đó còn nhỏ nhưng em đã biết là ba thương mình nên mới làm vậy, chứ ba em không đọc Tuổi trẻ cười và chẳng biết Cô tiên xanh là gì!”…

Những dòng tâm sự của Thiên Phúc khiến ai cũng xúc động. Yêu thương con là chuyện hiển nhiên của những người cha, đặc biệt là những người cha có con gái. Cách những người cha sống mẫu mực, lo cho vợ con, nâng niu những đứa con cũng là cách họ gieo cho con một cái nhìn, một nếp nghĩ về hình tượng, để sau này con tìm gặp và kết thân với những người có tâm tính ôn hòa, mẫu mực như cha đã từng yêu các con. Đó cũng là cách những người cha yêu con, và gieo tình yêu đó vào tương lai.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.