.

Trang bị kỹ năng sống

.

Đã mấy hôm nay rồi, cứ mỗi lần qua lại cầu Thuận Phước, tôi bắt gặp hình ảnh người thân của cậu sinh viên đã gieo mình xuống dòng sông Hàn vào ngày 8-3 ngồi bơ phờ ở mặt cầu, cạnh bàn thờ nghi ngút khói hương, mong ngóng tìm thấy xác.

Một vài thanh niên trẻ, hình như là bạn học của cậu sinh viên xấu số kia ngồi xúm tụm lại trong im lặng, mắt đờ đẫn nhìn dòng xe chạy trước mặt, có cô gái tựa đầu vào vai bạn với nỗi buồn không thể tả. Không hiểu cậu sinh viên đã chối bỏ cuộc đời vì nguyên nhân gì, nhưng nhìn nỗi đau đọng lại trên đôi mắt sâu thẳm của người mẹ, cái nhìn bần thần của cô bạn học cùng lớp, người đi đường là những bậc làm cha làm mẹ, lòng ai không đau thắt.

Bao người tự hỏi: Có thể bạn sinh viên kia có nỗi buồn, có khó khăn hoặc gặp thất bại trong việc học, trong tình yêu hoặc bị bệnh tật đến mất hết niềm tin vào cuộc sống nhưng sao không tìm được lối ra tốt hơn để giải thoát thay vì kết liễu cuộc đời mình? Cuộc sống này vốn dĩ không phải là bức tranh màu hồng nhưng một số thanh niên hiện nay không được trang bị các kỹ năng cần thiết để vượt qua thất bại hoặc học cách chấp nhận những điều thiệt thòi của bản thân để phấn đấu vươn lên. 

Ngày nay, mạng xã hội như Facebook, Zalo… đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống con người. Mạng xã hội có những mặt tích cực, và vô cùng cần thiết với giới trẻ. Đó là việc lan tỏa nhiều tấm gương thanh niên học giỏi, nhiều việc làm tốt, nhiều tấm lòng nhân ái để giới trẻ học theo, trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để vào đời.

Tuy nhiên,  không ít thanh niên bị nhiễm “thói hư tật xấu” bởi những trào lưu “sống khác” tràn lan trên cộng đồng mạng. Nhiều câu khẩu hiệu được rêu rao trên mạng xã hội như “Like là làm”, “Nói là làm”, “Thích là nhích”, “Nói hộ lòng tôi”, “Chết là hết” hoặc trào lưu chụp ảnh phản cảm đưa lên mạng… thu hút một bộ phận giới trẻ hưởng ứng làm theo, sáng tạo thêm những cách làm “quái gở” bất chấp những hậu quả xảy ra cho bản thân, gia đình và xã hội.

Năm ngoái, trên mạng xã hội nhốn nháo vì một học sinh lớp 8 tại tỉnh Khánh Hòa châm lửa đốt trường, bắt nguồn từ việc em nữ sinh này tham gia trào lưu “Nói là làm”. Từ chỗ đây là một trào lưu vui thách đủ số lượng like sẽ quay clip hát tặng bạn bè, dân mạng đua nhau tung ra những lời thách thức ngày càng nguy hiểm hơn như sẽ uống 69 lít mật ong, tung ảnh/clip nhạy cảm, lao xuống ống cống, giết chết vật nuôi... nếu có đủ vài chục ngàn người bấm lượt like ủng hộ.

Hay nhiều hình tượng thanh niên được mạng xã hội gắn mác như “Hotboy Hải Phòng”, “Hot girl vòng một”… với những màn khoe chiến tích “cua” gái, khoe thân thể gây phản cảm đã gióng lên hồi chuông báo động về một bộ phận không nhỏ thanh niên chạy theo thế giới ảo với các hành vi thiếu suy nghĩ, khó lường.

Thực tế đó cho thấy, nhiều học sinh, sinh viên hiện nay vẫn chưa được trang bị kỹ năng sử dụng và ứng xử với mạng xã hội, phân biệt đâu là tốt và đâu là không tốt, cái gì cần làm và cái gì không nên làm.

Người ra đi, nỗi đau mãi mãi đọng lại trong lòng người ở lại. Không ít nhà quản lý giáo dục cho rằng, nên đưa khóa học kỹ năng sống vào trong nhà trường như là một môn học bắt buộc để các em học sinh, sinh viên biết cách xử lý những tình huống khó khăn trong cuộc sống, biết cách “sống chung” với mạng xã hội, biết cách ứng xử khi thất bại trong tình yêu… và rất nhiều kỹ năng khác nữa khác nữa.

HOÀNG LÊ

;
.
.
.
.
.