.

Văn hóa gia đình

.

Văn hóa gia đình là một khái niệm rộng, do vậy người viết bài này xin giới hạn trong phạm vi ứng xử văn hóa, bao gồm ứng xử văn hóa của gia đình và ứng xử văn hóa trong gia đình.

Ngày hội “Gia đình kết nối yêu thương” tại huyện Hòa Vang thu hút sự tham gia của nhiều  thành viên trong cùng một gia đình.  (Ảnh do Phòng VH&TT Hòa Vang cung cấp)
Ngày hội “Gia đình kết nối yêu thương” tại huyện Hòa Vang thu hút sự tham gia của nhiều thành viên trong cùng một gia đình. (Ảnh do Phòng VH&TT Hòa Vang cung cấp)

Ứng xử văn hóa của gia đình trước hết là ứng xử theo quan hệ huyết thống-dòng họ. Bản chất văn hóa của loại ứng xử này biểu hiện ở khía cạnh cố kết cộng đồng mang tính gốc rễ cội nguồn, biết bà biết con, biết họ biết hàng, “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, “họ chín đời chưa rời nhau ra”…

Khía cạnh này là động lực để các gia đình trong dòng họ cùng nhau gánh vác những công việc thấm đẫm bản sắc văn hóa dân tộc như thờ cúng tổ tiên, chăm sóc mồ mả cha ông và nhiều chuyện “phải không” khác.

Bản chất văn hóa của loại ứng xử này còn biểu hiện ở khía cạnh bình đẳng giới. Quan hệ huyết thống-dòng họ ở đây không chỉ là quan hệ bà con họ  hàng của người chồng mà còn là quan hệ họ hàng bà con của người vợ, và với từng người thì đó là quan hệ bà con họ hàng của cả bốn dòng tộc: họ cha, họ mẹ, họ bà nội, họ bà ngoại.

Nếu quan tâm không đều khắp các mối quan hệ nhiều tầng nhiều chiều như vậy sẽ khó đáp ứng yêu cầu bình đẳng giới - một yêu cầu quan trọng của văn hóa gia đình và của văn hóa nói chung.   

Ứng xử văn hóa của gia đình còn là ứng xử theo quan hệ hàng xóm láng giềng. Ở nông thôn, cố kết cộng đồng theo quan hệ này thường bền chặt hơn ở đô thị, bởi những hàng xóm “chân quê” - chữ của Nguyễn Bính - không chỉ cộng cư lâu đời mà còn có thể cùng huyết thống.

Tuy nhiên loại ứng xử này dẫu ở nông thôn hay ở đô thị thì đều có một điểm chung là ưu thế về cự ly trong lúc tối lửa tắt đèn. Không phải ngẫu nhiên mà ông cha xưa từng quan niệm: “Bán anh em xa mua láng giềng gần”.

Cho nên bản chất văn hóa của loại ứng xử này biểu hiện ở sự quan tâm lẫn nhau giữa những người cộng cư, không thể sống gần nhau thậm chí sát vách nhau mà vô tâm thờ ơ “đèn nhà ai nấy rạng”. Có điều ứng xử văn hóa cũng đòi hỏi phải hết sức chú ý ranh giới mong manh giữa một bên là quan tâm để tai để mắt với một bên là tò mò tọc mạch làm ảnh hưởng đến thế giới riêng tư của gia đình người khác, giữa một bên là quan tâm hỏi han trò chuyện với một bên là ngồi lê đôi mách đem chuyện gia đình này làm quà cho gia đình nọ…

Ứng xử văn hóa của gia đình cả trong quan hệ huyết thống-họ hàng lẫn quan hệ hàng xóm láng giềng và rộng hơn là quan hệ với cả cộng đồng xã hội có tốt đẹp hay không phần nhiều tùy thuộc vào ứng xử văn hóa trong gia đình. So với quan hệ huyết thống-họ hàng thì quan hệ huyết thống nội bộ gia đình mật thiết sâu sắc hơn nhiều.

Xuất phát từ quan hệ huyết thống này, ứng xử văn hóa trong gia đình vừa rất coi trọng tôn ti trật tự trên dưới theo hướng trên kính dưới nhường phù hợp với đạo hiếu của dân tộc, lại vừa rất coi trọng bình đẳng không chỉ về giới - nói “không” với quan niệm chồng chúa vợ tôi/phu xướng phụ tùy một thời, mà còn về thế hệ - nói “không” với sự áp đặt chẳng hạn với kiểu cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy trong hôn nhân.

Điểm nổi bật và cốt lõi nhất của ứng xử văn hóa trong gia đình là sự chăm sóc lẫn nhau giữa các thành viên bất kể đồng đường/ở chung một nhà hay không. Và người ta khó mà quan tâm đến chuyện nhang khói ở nhà thờ họ tộc nếu luôn sao nhãng chuyện nhang khói ở bàn thờ gia đình mình…

Ứng xử văn hóa trong gia đình còn được thể hiện qua tủ sách gia đình, rộng hơn là qua văn hóa đọc của gia đình. Chắc rằng văn hóa đọc của đất nước sẽ nhanh chóng được phục hưng nếu như ngày càng có nhiều gia đình ứng xử văn hóa đúng mực với sách - cả sách học lẫn sách đọc.

Sách học - sách tham khảo, chuyên luận… - nuôi dưỡng tri thức, sách đọc - tiểu thuyết, thơ ca… - nuôi dưỡng tâm hồn và cả hai đều góp phần tạo nên những con người có chiều sâu tư tưởng và tầm cao văn hóa.

Khó có thể giấu được sự ngưỡng mộ khi đến nhà một người có nhiều sách, có tủ sách gia đình đồ sộ. Đương nhiên không phải nhà có nhiều sách, có tủ sách gia đình đồ sộ là có được văn hóa đọc. Ứng xử văn hóa đúng mực với sách là phải gầy dựng thói quen đọc sách và hơn thế là lòng đam mê đọc sách.

Đã có thói quen và lòng đam mê đọc sách thì nhà có ít sách thậm chí không có sách, vẫn có thể đọc nhiều sách - chẳng hạn như có thể thuê sách, mượn sách hay đến thư viện để đọc sách, nghĩa là vẫn có thể tạo nên văn hóa đọc của gia đình.

Ứng xử văn hóa trong gia đình còn được thể hiện qua nền tảng giáo dục gia đình. Đương nhiên gia đình không thể và không nên làm thay nhà trường trong chuyện dạy dỗ con em mình, bởi không phải ai cũng có năng lực sư phạm và đẳng cấp chuyên nghiệp trong nghề dạy học, nhưng có một việc mà chỉ có gia đình mới có thể làm được - đó là giáo dục bằng lời hát ru.

Nhà thơ Nguyễn Duy từng viết hai câu thơ rất hay về lời hát ru của mẹ: “Mẹ ru cái lẽ ở đời/ Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn” (bài Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa). Thời nào và ở nơi đâu - nông thôn hay thành thị, bên vành nôi tre hay bên vành nôi sắt - mọi trẻ thơ đều đắm mình trong lời hát ru của mẹ, của bà.

Đương nhiên bố hay ông vẫn có thể hát ru con cháu - và nhiều khi hát hay nữa là khác - song chắc rằng ở giai đoạn sơ sinh, trẻ thơ thường gần gũi với mẹ, với bà và nhờ thế - qua từng lời hát ru dịu dàng của mẹ, của bà - những tình tự dân tộc cứ mưa dầm thấm lâu, thấm sâu vào tâm hồn thơ trẻ.

Gia đình văn hóa là hệ quả tất yếu của văn hóa gia đình đích thực, chính vì thế danh hiệu “Gia đình văn hóa” cũng không phải không có ý nghĩa. Có điều giống như nhiều danh hiệu thi đua khác, sẽ rất ít ý nghĩa thậm chí vô nghĩa nếu như ở đây danh không đi đôi với thực, hữu danh vô thực.

Trong thực tế, vẫn có không ít gia đình xứng đáng được tôn vinh là “Gia đình văn hóa”, nhưng nếu danh hiệu này trở nên phổ cập một cách thiếu thực chất, trở thành sản phẩm của căn bệnh háo danh thành tích chủ nghĩa, quý hồ đa bất quý hồ tinh, thì có khi những gia đình xứng đáng được tôn vinh ấy cũng chẳng lấy gì làm vinh dự.

Các địa phương cần tuyên truyền vận động để người dân chăm lo nâng cao chất lượng ứng xử văn hóa của gia đình và ứng xử văn hóa trong gia đình mình, hơn là tập trung vào việc công nhận tràn lan danh hiệu “Gia đình văn hóa”, càng không nên học tập những “sáng kiến” xa lạ với văn hóa và dễ gây phản cảm kiểu như gắn biển “Gia đình văn hóa” trước cổng những gia đình được công nhận danh hiệu này…

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.