.

"Vua truyện trinh thám Việt Nam"

.

*Trong các tác giả viết truyện trinh thám Việt Nam, ai là người được giới phê bình văn học đánh giá cao nhất? Xin giới thiệu về cuộc đời và sáng tác của tác giả này. (Trần Văn Thành, Hải Châu, Đà Nẵng).

-Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan (tác giả bộ sách Nhà văn hiện đại) đã nêu lên nhận xét tổng quát: “Trong các tiểu thuyết trinh thám của Thế Lữ, Bùi Huy Phồn và Phạm Cao Củng, chỉ có tiểu thuyết của Phạm Cao Củng là có phần đặc sắc hơn!”.

Phạm Cao Củng (1913 – 2012) ra đời tại Nam Định, ông được xem là “Vua truyện trinh thám Việt Nam”. Từ điển Văn học (Bộ mới), NXB Thế giới, 2004, đã dành gần 2 trang (từ trang 1350) giới thiệu về tác giả được coi là người viết truyện trinh thám đầu tiên của Việt Nam, có đoạn như sau: “Là con út trong gia đình, ông học Trường Thành chung Nam Định hết năm thứ tư; sau khi thi trượt Thành chung, ra Hải Phòng học Trường Kỹ nghệ thực hành với ý định làm thợ máy tàu biển để được chu du thiên hạ.

Được hai năm, học sinh bãi khóa vì Đốc trường Camboulive cấm để tang Phan Châu Trinh, ông bị để ý, bị trù phạt nên cáo bệnh xin thôi. Vào làm ở tòa soạn tờ Hải Phòng tuần báo của NXB Mai lĩnh, từ đấy lập nghiệp bằng nghề viết văn, làm báo. Từ sau ngày toàn quốc kháng chiến 1946, Phạm Cao Củng đi tản cư một thời gian rồi trở về Hà Nội. 1954, chuyển vào Sài Gòn và đến 1975 ông sang định cư ở bang Florida, Hoa Kỳ”.

Nhận xét của nhà phê bình Vũ Ngọc Phan về Phạm Cao Củng được trích dẫn ở bìa cuốn Hồi ký Phạm Cao Củng. (Nguồn: Internet)
Nhận xét của nhà phê bình Vũ Ngọc Phan về Phạm Cao Củng được trích dẫn ở bìa cuốn Hồi ký Phạm Cao Củng. (Nguồn: Internet)

Theo sách đã dẫn, ông bắt đầu viết văn từ năm 1930, cùng người bạn đồng môn Lê Tràng Kiều viết tập truyện ngắn đầu tay Hang gió. Năm sau in thành sách, hai ông mang lên chợ phiên Hà Nội nhưng chỉ bán được chưa tới 10 cuốn. Nhà in đòi tiền, gửi giấy báo nợ tới tận nhà, hai ông bố phải nai lưng ra trả; hai ông con thì mang tiếng “phá gia chi tử”.

Thời còn học ở Trường Kỹ nghệ thực hành, ông viết truyện dài đầu tay Vết tay trên trần, khoảng 100 trang. Đây được coi là cuốn tiểu thuyết trinh thám đầu tiên của văn học Việt Nam hiện đại. Sau đó, ông cho ra đời các tác phẩm Chiếc tất nhuộm bùn (1938), Cái kho tàng nhà họ Đặng, Ba viên ngọc bích (1938), Người một mắt (1940), Kỳ Phát giết người (1941), Nhà sư thọt (1941), Đôi hoa tai của bà Chúa, Đám cưới Kỳ Phát (1942),...

Kỳ Phát là tên một nhân vật trinh thám (lấy tên một bạn thân học ở Trường Kỹ nghệ thực hành của ông) tài ba, sắc sảo trong suốt gần 20 cuốn tiểu thuyết, được ông xây dựng mang tính cách hoàn toàn Việt Nam, khám phá những vụ việc hợp với trình độ xã hội Việt Nam đương thời.

Ngoài loại truyện trinh thám - suy luận, Phạm Cao Củng còn viết một loạt truyện trinh thám - mạo hiểm, khi ký tên Phượng Trì như Bàn tay sáu ngón, lúc ký tên thật như Hai người lên máy chém (1950); Người chó sói (1950), Chiếc gối đẫm máu (1951)...

Một thông tin thú vị được tác giả Y Trang chia sẻ trong bài viết “Phạm Cao Củng - nhà văn trăm tuổi” đăng trên báo Lao động cuối tuần số 33 năm 2012: “Phạm Cao Củng có thời gian làm công an, phản gián tình báo Việt Minh. Do nghề viết văn, viết báo và chuyên về thể loại trinh thám nên ông đã được ngành công an non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày ấy mời làm chuyên viên, giảng viên cho ngành. Đây cũng là những tháng năm buồn-vui, thăng-trầm hết sức bất ngờ với ông”.

PGS, TS Phạm Tú Châu nhận định về Phạm Cao Củng trong bài “Phạm Cao Củng - Người Việt Nam đầu tiên thành danh với tiểu thuyết trinh thám” đăng trên Báo Thể Thao và Văn hóa ngày 25-2-2005: “Sau Phạm Cao Củng, đầu những năm 1970 - 1980 của thế kỷ trước, loại truyện điều tra hình sự, tình báo, gián điệp từ Liên Xô và các nước Đông Âu cũng liên tiếp được dịch ở nước ta. Một số nhà văn Việt Nam cũng cầm bút viết nên những tác phẩm của mình. Chỉ có điều tiểu thuyết trinh thám theo đúng nghĩa ban đầu của thể loại thì cho đến nay, đáng buồn là chưa có nhà văn Việt Nam nào vượt qua được Phạm Cao Củng!”.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.