.

Bob Dylan: Ám ảnh chất văn chương trong âm nhạc

.

Ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Mỹ Bob Dylan (ảnh), người được so sánh có nhiều điểm giống với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đã đến Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển tại thủ đô Stockholm để nhận huân chương và bằng chứng nhận giải Nobel Văn học đúng vào ngày 1-4. Cũng theo ý nguyện của Bob Dylan, lễ trao giải diễn ra trong phòng kín, không có giới truyền thông tham dự mà chỉ có Bob Dylan và các thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển.

Ảnh: CNN
Ảnh: CNN

Giải thưởng này đáng lẽ đã được trao trong buổi lễ trao giải Nobel vào cuối năm 2016 nhưng Bob Dylan không có mặt. Ông trở thành nhạc sĩ đầu tiên được trao giải thưởng Nobel Văn học và điều này đã gây ra rất nhiều tranh cãi. Lúc đó, Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển có nhận được một bức thư của Bob Dylan cho biết, ông rất bận nên không thể đến Stockholm để nhận giải thưởng. Trong bức thư ông cũng không quên cảm ơn rằng: “Nhiều lần tôi tự hỏi không biết các bài hát của tôi có phải văn học không. Tôi cảm ơn Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển đã trao cho tôi vinh dự này”. Theo Hội đồng trao giải Nobel, Bob Dylan được trao giải Nobel Văn học năm 2016 vì “sáng tạo những hình tượng thơ ca trong truyền thống ca khúc Mỹ”.

Cũng giống với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Bob Dylan được đánh giá là bậc thầy ngôn ngữ qua âm nhạc bởi ông với ca từ có sức sống tự thân như một tác phẩm thi ca. Nếu như nước Mỹ gọi Bob Dylan là “Lãng tử du ca” thì người Việt Nam gọi Trịnh Công Sơn là “Người tình lãng du của nhiều thế hệ”. Chẳng hạn, xét ở mảng ca khúc được cho là đậm chất tôn giáo của nhạc sĩ này, Giáo sư John C.Schafer (tác giả cuốn Trịnh Công Sơn - Bob Dylan: Như trăng và nguyệt, NXB Trẻ) từng nhận định, nền tảng sáng tác của Bob Dylan thấm đẫm cuốn Kinh Thánh - cuốn sách căn bản của văn hóa chính thống Mỹ.

Việc ông trở thành nhạc sĩ đầu tiên được trao giải Nobel Văn học khiến một số nhà văn, nhà thơ tỏ ra không hài lòng. Nhà văn Rabih Alameddine cho rằng, Bob Dylan thắng giải Nobel Văn học giống như Mrs Fields được trao ba sao Michelin (cấp độ cao nhất của một giải thưởng uy tín về nấu ăn). Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có rất nhiều người ủng hộ Bob Dylan. Đặc biệt, cựu Tổng thống Mỹ Obama đã khen ngợi, “Bob Dylan là một trong những nhà thơ yêu thích của tôi với một giải Nobel cực kỳ xứng đáng”. Trong khi đó, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton thì ca ngợi rằng Bob Dylan có “những ca từ đầy quyền lực, thông thái, chạm đến trái tim và tâm hồn”.

Giải thích cho việc trao Giải Nobel Văn học cho một nhạc sĩ, bà Sara Danius, Thư ký thường trực Viện Hàn lâm cho rằng, Bob Dylan được trao Nobel Văn học bởi chất thi ca trong tác phẩm của ông. Thậm chí nhạc sĩ này còn được so sánh với những đại thi hào thời Hy Lạp cổ đại như Homer và Sappho. Họ sáng tác các tác phẩm giàu tính thi ca để biểu diễn cùng nhạc cụ. Tác phẩm âm nhạc của Bob Dylan biểu đạt sáng tạo nghệ thuật bậc thầy. Ở đó, chất văn xuôi, thơ ca, nhạc dường như tổng hòa, tạo nên một hình thái biểu đạt vừa thú vị vừa thách thức độc giả. Ca từ của Bob Dylan có đời sống độc lập với âm nhạc. Điều này cũng đúng như nhận xét của nhà văn Joyce Carol Oates rằng: “Âm nhạc và ca từ ám ảnh của ông luôn được coi như văn chương trong ý nghĩa sâu xa nhất”. Sáng tác của ông in đậm chất thơ từ cách gieo vần, láy câu, láy từ và độc đáo ở tư tưởng, ý nghĩa truyền tải qua câu chữ.

Dù là kể về bất công xã hội, một câu chuyện tình hay nỗi sợ hãi chiến tranh, về Chúa, Bob Dylan đều lồng vào đó vốn kiến thức sâu rộng. Lời ca của ông đầy ắp hình ảnh, cả ẩn dụ lẫn hiện thực, gợi suy tưởng, pha trộn giữa triết lý phương Đông và phương Tây. Nhiều bài hát của ông đã đi vào huyền thoại như “Blowin in Wind” (1963), “The Times They Are a-Changin” (1964), “Like a Rolling Stone” (1965). Ông cũng giành nhiều giải thưởng lớn như Grammy, Quả Cầu Vàng. Với những cống hiến của mình, Bob Dylan được tạp chí Time bầu chọn là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Năm 2004, ông được xếp ở vị trí thứ 2 bên cạnh The Beatles trong danh sách 100 nghệ sĩ xuất sắc nhất mọi thời đại của tạp chí Rolling Stone.

ĐOÀN GIA HUY (theo The Guardian, CNN, BBC)

;
.
.
.
.
.