.

Có duyên với nghề MC

.

Đến với công việc dẫn chương trình (MC) như một sự tình cờ, hai cô gái Thủy Tiên, Xuân Kiều kết hợp giữa kỹ năng, kiến thức tích lũy được để biến sự tình cờ ấy thành một công việc bán thời gian trong suốt  những năm đại học và sẽ theo đuổi đam mê đến cùng.

Thủy Tiên (bìa trái) trong một lần ghi hình chương trình Nâng cánh ước mơ.  (Ảnh nhân vật cung cấp)
Thủy Tiên (bìa trái) trong một lần ghi hình chương trình Nâng cánh ước mơ. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Đang học năm thứ 4, chuyên ngành Tiếng Anh Thương mại (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng), Đinh Lê Xuân Kiều cũng có ngần ấy thời gian lăn lộn với nghề dẫn chương trình, có mặt ở nhiều buổi tiệc tối, tiệc cưới, khai trương… Kiều kể: “Ngày đỗ vào đại học, em nghĩ sau này mình sẽ làm một nghề gì đó liên quan đến thương mại nhưng rồi nghề MC đến với em như một nhân duyên tình cờ. Càng làm càng thấy thích thú và phù hợp với mình”. Kiều từng làm MC những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Đến năm đầu đại học, vinh dự đọc lời tuyên thệ trong buổi chào đón tân sinh viên của trường, chất giọng truyền cảm của Kiều được lãnh đạo nhà trường chú ý, từ đó các hội diễn văn nghệ Kiều đều được giao nhiệm vụ làm MC. Tiếp đó, Kiều tham gia khóa học dẫn chương trình do một MC Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng (DRT) tài trợ học bổng; và được biết đến nhiều hơn trong vai trò một người dẫn chương trình khá linh hoạt, truyền cảm. “Tiếng lành đồn xa”, Kiều được mời làm MC nhiều chương trình khác nhau ở trường, làm việc ở các nhà hàng tiệc cưới, các buổi khai trương. Kiều bảo: “Công việc MC giúp em tự trang trải chi phí cho học tập, và em nhận thấy khả năng, sở trường và cái duyên của mình với nghề”.

Là sinh viên năm cuối, ngành Sư phạm Ngữ văn (Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng), Phạm Thủy Tiên được nhiều khán giả biết đến không chỉ ở những buổi biểu diễn văn nghệ, lễ khai trương mà còn được biết đến là một cây MC của chương trình truyền hình. Tiên nhớ lại: “Một lần khi em được giảng viên âm nhạc của khoa Giáo dục chính trị trong trường nhờ dẫn chương trình của khoa. Sau hôm ấy, nhận thấy mình có cảm hứng với nghề, em tham gia nhiều chương trình hơn. Thông qua các buổi dẫn, nhiều người biết đến, khi có chương trình gì họ lại tìm đến mời em dẫn”. Năm 2016, Thủy Tiên đoạt giải nhất cuộc thi Micro vàng của khoa Ngữ văn và được nhận học bổng tham gia khóa học MC do Công ty Rồng vàng Tiên Sa tổ chức. Tiếp đó Tiên vượt qua vòng thi tuyển cộng tác viên vào kênh truyền hình VTV8, phụ trách dẫn hai chương trình Phiếu bé ngoan và Nâng cánh ước mơ. Tiên không chỉ thu hút khán giả bằng chất giọng ngọt ngào vốn có của một cô nữ sinh ngữ văn mà còn bởi vóc dáng thanh mảnh, phong thái dễ mến ngay từ lần gặp đầu tiên. Tiên bảo” “Nghề MC đòi hỏi sự nhẫn nại, đam mê và biết vượt qua gian khổ. Lúc đầu, khi đi làm chương trình thực tế, em vừa say xe vừa mệt. Lại có những chuyến đi phải băng rừng, lội suối. Nhiều khi mệt quá, xong việc là em lánh ra một chỗ ngồi khóc. Rồi chưa kể đến việc, dẫn hiện trường thực tế giữa trời lạnh ngắt nhưng MC không được mặc áo ấm… Nhưng lâu dần thành quen, và thấy có nhiệt huyết với nghề hơn”.

Song song cùng 4 năm học trên ghế giảng đường đại học, Xuân Kiều được biết đến với vai trò Bí thư Chi đoàn lớp, Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn trường với rất nhiều hoạt động văn nghệ, tình nguyện năng nổ. Kiều chia sẻ: Sự tự tin trong các công tác đoàn và những lần đứng trên sân khấu làm MC bổ trợ cho nhau rất nhiều. Việc học giúp em tích lũy được kiến thức còn các hoạt động như MC giúp em trau dồi kỹ năng, sự tự tin. Có những tình huống xảy ra trong quá trình dẫn chương trình cũng như thực tế mà nếu không trải qua, chắc chắn sẽ rất lúng túng khi gặp phải. Đã trải qua rồi, thì sẽ biết cách xử lý tốt hơn.

Chung niềm đam mê, Thủy Tiên bộc bạch: “Nghề MC cho em rất nhiều kỹ năng trong xử lý tình huống, trong giao tiếp, ứng xử và trong công việc. Cùng với kiến thức được học ở giảng đường, thực tế cho mình những kỹ năng mà không phải sách vở có thể cho được”. Theo Tiên, muốn làm một MC để dẫn cho người khác nghe thì trước hết phải biết lắng nghe, có bản lĩnh làm chủ sân khấu và linh hoạt trong các tình huống. Hỏi em ấn tượng gì đọng lại sau chừng ấy chuyên mục? Tiên nói, đầu tiên là cái duyên nhưng sau đó là niềm đam mê. “Đó là tấm lòng của những người dân vùng sâu, vùng xa nghèo khó mà Tiên được gặp. Họ rất chân tình, ấm áp và cởi mở. Chính họ là nguồn cảm hứng để Tiên hoàn thành công việc của mình khi dẫn hiện trường”.

Dù không đúng chuyên ngành học nhưng cả hai bạn trẻ đều muốn sau khi ra trường được tiếp tục gắn bó với công việc MC. Xuân Kiều mong muốn làm người dẫn chương trình ở đài truyền hình. Còn Tiên lại đặt mục tiêu du học về ngành truyền thông để có điều kiện được học sâu hơn: “Sau này em muốn mở một công ty riêng về lĩnh vực truyền thông. Tuy không theo đuổi nghề giáo nhưng em nghĩ với vốn kinh nghiệm học hỏi được ở nghề, em có thể chia sẻ với nhiều bạn trẻ sau mình về những gì diễn ra thực tế trong cuộc sống, trong nghề nghiệp mình đang theo đuổi”.

THIÊN LAM

;
.
.
.
.
.