.

Giữ gìn nếp xưa

.

Cuối tuần, điện thoại réo. Bạn gọi: Bữa ni về quê, qua nhà tui ông không còn sợ ma nữa - Giọng hào hứng bỗng chùng xuống chua xót: Người ta vừa bứng cây thị bên cái miếu trên đường từ nhà ông qua nhà tui rồi. Bứng gọn, không còn dấu vết nữa!

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Trong lòng chợt nghe hụt hẫng điều gì. Bởi thuở nhỏ, nhà tôi và bạn cách nhau một ngọn núi nhỏ; muốn qua nhà nhau chỉ có một con đường qua núi, băng ngang một cái miếu hoang núp bóng dưới cây thị um tùm. Cây thị sum suê, đến mùa, quả rơi rụng xuống gốc chẳng ai dám nhặt. Nhiều cây cổ thụ bên cạnh cũng chẳng ai dám đụng vô. Bởi, người ta đồn, cái miếu và cây thị linh lắm, ai mà đụng vô là ma vật “bất đắc kỳ tử”. Chưa ai thấy rõ chuyện đó, nhưng câu chuyện được thêu dệt từ đời xửa đời xưa vẫn hiển hiện trong đời sống người dân trong vùng, nên chẳng ai dám đụng đến cái cây thị. Nó ung dung tồn tại, cho đến ngày bạn tôi thông báo một tin… rụng rời: Người ta mua cây thị rồi cho đào gốc, vận chuyển ra thành phố bổ sung vào vườn cây trong biệt thự của một đại gia. Chuyện đào cây thị cũng không kém phần ly kỳ: Người ta cho máy xúc tới đào,  dùng tời kéo. Kéo ba hồi bảy bận vẫn không nhúc nhích, tời đứt, xe bị lật nhào. Vì lỡ nhận tiền rồi, nên họ cũng ráng kéo và cuối cùng thì “chiến thắng”; cây thị “đầu hàng” và lên xe về phố, để lại cái miếu trơ trọi bên đường!

Nhà tôi, cũng gần Phật viện Đồng Dương; cùng với đó là những di tích tháp Chăm rải rác quanh vùng. Thuở nhỏ, chúng tôi cũng bị ám ảnh về chuyện ma hời, vàng hời... của những người Chăm còn sót lại trong vùng. Đó là chuyện vàng hời “ăn” lên núi, tối tối để lại những đường lửa bò lên rừng lên núi. Là chuyện ai lấy gạch hời – gạch nung làm tháp của người Chăm, về làm nhà ở thì bị “vật” chết, làm chuồng bò, chuồng heo cũng vậy… Thế nên cả mấy trăm năm, dẫu đã ngã đổ, nhưng những đống gạch vẫn còn nguyên dưới chân phế tích tháp Chăm. Đến thời sau giải phóng miền Nam, trong chủ trương dẹp bỏ mê tín dị đoan, người ta đua nhau lấy gạch hời về xây chuồng bò, chuồng heo, thậm chí cả làm hố xí hai ngăn…; nên những phế tích ấy cũng chẳng còn.

Nói những chuyện ấy, một thời được cho là mê tín dị đoan, nhưng ngẫm lại đó là cách hữu hiệu để cộng đồng gìn giữ của công, bảo vệ thiên nhiên; bảo đảm những nét đẹp trong đời sống xã hội được gìn giữ, lưu truyền và giáo dục cho thế hệ sau. Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì đó là những quy ước xã hội. Nó ăn sâu vào đời sống tinh thần của xã hội, tạo nên nếp nghĩ, cách làm, đối nhân xử thế trong đời sống. Tác giả của thuyết quy ước xã hội là GS, TS Travis Hirschi (chuyên gia xã hội học Mỹ) cho rằng, trong xã hội tồn tại mối quan hệ giữa cá nhân với quy ước xã hội. Một khi cá nhân tuân thủ tốt các quy ước xã hội sẽ giảm thiểu sự lệch hướng khỏi quy ước đó. Một trong 4 điểm cơ bản trong mối quan hệ giữa cá nhân với quy ước xã hội là tín ngưỡng. Theo đó, với sự chia sẻ các giá trị và hệ thống các quan niệm đạo đức, tín ngưỡng được quy vào giá trị tự thân. Nếu tín ngưỡng lành mạnh thì hành vi lệch lạc cũng như tội phạm ít xảy ra.

Kết nối quan niệm giữa dân gian và hiện đại đó, có thể thấy, quy ước xã hội vẫn luôn có giá trị trong đời sống; dẫu rằng xã hội hiện đại được quản lý, điều chỉnh bằng pháp luật trong nhà nước pháp quyền. Công cụ pháp lý không phải bao giờ cũng hữu hiệu, vì vậy những câu chuyện dân gian, tín ngưỡng vẫn có giá trị ràng buộc, điều chỉnh ứng xử con người trong đời sống xã hội. Một người có thể bước hoặc lách qua khe hở của pháp luật khi phạm tội; nhưng trước những ràng buộc của quy ước xã hội, hương ước, quy ước cộng đồng trong mối quan hệ gia đình, làng xã… thì nghĩ lại và… chùn tay.

Thế nên, trong quá trình xây dựng đô thị hiện đại, nhất là thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, ở Đà Nẵng, nhiều địa phương triển khai xây dựng các quy ước, hương ước của từng dòng họ, tộc họ, làng thôn... nhằm phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp trong đời sống xã hội. Chính những hương ước, quy ước đó là sợi dây kết nối với hệ thống pháp lý để góp phần điều chỉnh hành vi trong xã hội. Vì vậy, những câu chuyện giáo dục từ xửa từ xưa, được truyền miệng qua nhiều đời, đại loại như cây thị có “ma”, ai lấy đồ ở công trình công cộng (đền miếu, nhà thờ…) để sử dụng cho mục đích cá nhân thì bị “vật” chẳng hạn, nếu loại bỏ yếu tố mê tín dị đoan - sẽ vẫn mang những giá trị tinh thần, góp phần bảo đảm trật tự trong xã hội hiện đại…

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.