.

Làm nhà hướng nam

.

Không phải ngẫu nhiên, trong việc chọn đất làm nhà, cha ông ta có câu: “lấy vợ hiền hòa, nhà ở hướng nam”(*). Thực tế, hướng nam, đông nam là hướng đón gió mát, ánh nắng buổi sớm, tránh được ánh nắng gắt buổi chiều của hướng tây và gió lạnh từ hướng bắc. Bởi vậy, kiến trúc nhà truyền thống thường chọn hướng nam, đông nam để tạo không gian sống thoáng mát, dễ chịu cho người ở.

Nhà ông Nhâm thu hút ánh nhìn người đi đường bởi cây cối um tùm, đặc biệt là hàng cau rợp bóng. Ảnh: T.T
Nhà ông Nhâm thu hút ánh nhìn người đi đường bởi cây cối um tùm, đặc biệt là hàng cau rợp bóng. Ảnh: T.T

Ngay đầu một ngã ba, căn nhà của ông Trương Công Nhâm (86 tuổi) – thôn Túy Loan Tây 1 (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), thu hút ánh nhìn người đi đường bởi cây cối um tùm, đặc biệt là hàng cau rợp bóng. Cảm giác oi nồng của cái nắng ngày chớm hạ chợt tan biến khi chúng tôi bước vào khoảng sân rộng trước nhà. Ông Nhâm tự hào bởi ngôi nhà sở hữu cả hai hướng: đông nam (nhìn ra đường) và nam (nhìn ra đồng ruộng bát ngát) – hướng tốt nhất trong chọn đất xây nhà theo quan niệm truyền thống. Ông Nhâm cho biết, trên mảnh đất ông bà để lại, con cháu nhiều đời đã sinh sống, trưởng thành. Ông Nhâm năm nay đã ngoài 86 nhưng da dẻ hồng hào, dáng người nhanh nhẹn. Ngồi cạnh ông, là người chị gái năm nay đã 94 tuổi, cũng đầy vẻ minh mẫn, tinh anh. “Nhà tôi người sống khỏe mạnh trên 100 tuổi là chuyện thường”, ông Nhâm cho biết. Bên cạnh truyền thống sinh hoạt điều độ, khoa học của gia đình có truyền thống làm nghề y, người trong làng cho rằng, có lẽ, những người trong gia đình này sống lâu sống khỏe còn bởi luôn được sống trong bầu không khí trong trẻo, được đón ngọn gió lành từ phương Nam.

Trong kiến trúc cảnh quan nhà truyền thống, người xưa có câu “trước cau sau chuối”. Theo ông Võ Văn Hòe,  Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng, quan niệm này xuất phát từ miền Bắc, sau thì lan vào miền Trung và Nam, theo chân những gia đình quyền quý. Theo ông Hòe, trong quan niệm của người xưa, với những ngôi nhà hướng nam, phía trước có một khoảnh sân rộng trồng cau, sau nhà một khoảnh nhỏ trồng chuối thì đó được xem là điều hoàn hảo nhất của một trong ba việc lớn đời người. “Trước cau sau chuối” sẽ tạo được thế huyền vũ - thế núi tựa cho lưng nhà và minh đường - khoảng trống phía trước nhà, đem lại một không gian kiến trúc hài hòa, hợp phong thủy. Cau lại là giống cây thích nghi ánh sáng hướng tây. Nếu trồng ở phía trước nhà hướng nam, sẽ giúp hấp thụ ánh sáng mạnh của hướng tây, thanh lọc bớt khí nóng, lại đón được ánh nắng buổi sớm ban mai từ phía đông mà không bị che chắn. Nhà hướng nam, sau nhà là hướng bắc. Hàng chuối với nhiều tàu lá to, sống từng khóm, bụi nên rất vững chắc, có tác dụng che chắn khí lạnh từ phương bắc và đông bắc thổi tới để giữ ấm cho ngôi nhà, đồng thời chắn cái nóng từ hướng Tây buổi chiều. Như vậy, ngoài tạo cảnh quan, hàng cau, khóm chuối trước và sau nhà giúp thanh lọc khí, đón khí tốt vào nhà. Điều đáng tiếc là ngày nay, nhất là nơi phố xá đất chật người đông, nhiều gia chủ đã cố công xây dựng những ngôi nhà tiện nghi, hiện đại nhưng quên mất những đúc kết quý giá của cha ông. Ngay ở huyện nông thôn Hòa Vang, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện cũng không còn quá nhiều nhà giữ nếp “trước cau sau chuối” như nhà ông Nhâm.

Tuy nhiên, theo chuyên gia phong thủy Trần Việt Tuấn (trú đường Lý Nhân Tông, Đà Nẵng), “nhà hướng nam” chỉ là quan niệm được đúc kết theo kinh nghiệm thời tiết. Trong khi đó, làm nhà ở muốn tốt, yên tâm làm ăn thì phải theo phong thủy, theo cung, mạng. Mỗi người ứng với mỗi cung mạng khác nhau, sẽ hợp với các hướng nhà ở khác nhau. Thực tế, theo sách phong thủy, nhiều người lại hợp hướng tây, hướng bắc – những hướng được cho là rất xấu theo thời tiết. Hoặc, với điều kiện đất phân lô nhỏ theo những con đường hình bàn cờ như hiện nay, không phải ai cũng chọn được hướng nam hay đông nam để ở. Như thổ lộ của chính ông Võ Văn Hòe, ngày trước, ông bốc được lô đất làm nhà ở hiện tại (ở khu vực Nam sân bay, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) đã thấy may mắn lắm rồi, không còn nghĩ hướng này hướng nọ nữa.

Trao đổi về vấn đề này, TS. KTS Lê Thị Ly Na (Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng) vẫn cho rằng, hướng nam, đông nam vẫn là “hướng vàng” trong chọn đất làm nhà ở, bởi những lợi ích về khoa học, sức khỏe theo kinh nghiệm cũng như nhiều tài liệu đã công bố, phân tích. Tuy nhiên, với những gia chủ không thể chọn ở hai hướng này cũng không nên quá lo lắng. Các phương án đa dạng của kiến trúc, xây dựng hiện đại sẽ giúp chủ nhà cải biến, loại bỏ những yếu tố có hại, tận dụng tối đa những mặt lợi về thời tiết, phong thủy cho ngôi nhà. Chẳng hạn, với nhà hướng bắc, những lớp lam vững chắc bằng bê-tông, cốt thép hay inox (loại 304) sẽ giúp tạo điểm nhấn hiện đại vừa chắn gió, mưa trong mùa mưa bão; hay cây cối, những tiểu cảnh được bài trí hợp lý sẽ giúp chắn gió nóng hướng tây; mở giếng trời, cửa sổ ở những vị trí thích hợp sẽ giúp gia chủ đón được ngọn gió nam, ánh nắng đông nam ấm áp, mát lành…

THANH TÂN


(*) Dị bản: Lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng nam.

;
.
.
.
.
.