.

Miếu Bà Hương

.

Từ kinh đô cổ Trà Kiệu rẽ qua con đường nhựa theo hướng tây nam chừng 4km dẫn vào khu du lịch sinh thái Duy Sơn thì gặp một ngôi miếu nằm sát đường. Mãi đến nay cũng không có ai đoán biết ngôi miếu hình thành từ bao giờ và trải qua bao thời cuộc biến cố thăng trầm, ngôi miếu ấy chỉ còn ở trong tâm thức của nhiều thế hệ về những lời đồn đại linh thiêng, huyền hoặc.

Miếu Bà Hương trầm mặc dưới gốc cây bồ đề cổ thụ bên đường.Ảnh: T.M
Miếu Bà Hương trầm mặc dưới gốc cây bồ đề cổ thụ bên đường.Ảnh: T.M

Đó chính là miếu Bà Hương tọa lạc tại đội 3, thôn Chiêm Sơn, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên. Theo truyền thuyết, ngày xưa đây là vùng đất trập trùng đồi núi nhấp nhô, với những cánh rừng mênh mông rậm rạp, chim muông, hoang thú nhiều vô kể, song khí hậu rất khắc nghiệt, nước từ các con suối dù trong vắt, róc rách suốt ngày đêm nhưng rất độc nên vùng này không một bóng người. Một vài tay thợ săn từ các làng mạc xa xôi cơm đùm mo cau, lỉnh kỉnh tên nỏ mạnh bạo vào rừng, sau khi về cũng lăn đùng ra chết do khí chướng nên đồi núi nơi đây ngày thêm u uất.

Một hôm có người đàn bà luống tuổi, không chồng, chẳng con tên là Hương không biết từ đâu khăn gói đến vùng đất hoang vu, hiu quạnh đó, dựng túp lều tranh tuềnh toàng, sống côi cút một mình. Ít lâu sau bà lập một cái am rất nhỏ ngay bên cạnh mái tranh nghèo để thờ cúng trời đất, thần linh. Thấy bà sống đơn độc giữa vùng núi non mà không hề xảy ra chuyện gì bất trắc, dần dần dân chúng khắp nơi tụ họp về đây khai canh, lập cư rồi hình thành nên làng Chiêm Sơn.

Để tỏ lòng biết ơn người đàn bà có công lao to lớn lập làng, sau khi bà Hương từ biệt dương gian, dân chúng quanh vùng xúm nhau tu sửa lại cái am do chính bà lập ra để tiếp tục thờ cúng thánh thần và vong linh bà. Từ đó cái am ấy được to hơn và mới có cái tên chính thức là miếu Bà Hương.

Cũng theo những câu chuyện được truyền miệng từ đời này sang đời khác, miếu Bà Hương nổi tiếng linh thiêng với bao điều kỳ bí lạ lùng. Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước, dựa vào bao lời đồn thổi này mà vào các năm 1930 - 1940, những cán bộ hoạt động cách mạng đã chọn miếu Bà Hương làm địa điểm tập kết, bởi hầu hết bọn làm tay sai cho thực dân Pháp, nhất là bọn thám báo, mật thám trong vùng đều nghe đến tiếng tăm về bao điều bí ẩn của miếu Bà Hương nên rất sợ, không dám mò đến gần.

Xét thấy đây là điều kiện thuận lợi cho cách mạng, nên có thời gian những người lãnh đạo tiền bối của Cơ quan Xứ ủy Trung Kỳ đã chọn miếu Bà Hương làm trụ sở lâm thời để hội họp, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, là nơi in ấn, cất giấu nhiều tài liệu tuyệt mật của Xứ ủy. Từ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, tháng 10-1941, ông Võ Toàn, tức Võ Chí Công (nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước) được cấp trên cử vào Xứ ủy Trung Kỳ và phân công ông phụ trách địa bàn từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Ông tiếp tục chọn miếu Bà Hương làm địa điểm hội họp, truyền đạt đường lối của Đảng.

Sau một thời gian dài tung lực lượng thám báo nắm tình hình hoạt động của cách mạng tại miếu Bà Hương, địch biết ông Võ Toàn thỉnh thoảng có xuất hiện tại đây nên nhiều lần tổ chức mật thám theo dõi, truy lùng, song không thể bắt được ông. Rồi nhiều cán bộ khác hoạt động tại miếu Bà Hương trong một thời khá dài rất an toàn.

Ngày 15-8-1997, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký Quyết định số 1549/QĐ-UB công nhận miếu Bà Hương là di tích lịch sử cấp tỉnh. Sau đó Phòng VH-TT huyện Duy Xuyên khắc một tấm bia trên bức tường phía bên trái của miếu về danh sách các bộ đã từng hoạt động tại miếu Bà Hương.

Đến bây giờ miếu Bà Hương vẫn hoang sơ như xưa, gian giữa là bàn thờ có bài vị của bà, hai bên là bàn án thờ thần linh. Miếu vẫn đứng lẻ loi im lìm trầm mặc dưới gốc cây bồ đề cổ thụ bên đường, giữa cánh đồng đêm ngày lao xao nắng gió. Hằng năm, cứ đến mồng 10 tháng ba âm lịch, dân làng Chiêm Sơn lại sắm sửa lễ vật tề tựu về miếu dâng lễ cúng bà, cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cuộc sống của dân làng luôn no đủ.

Hương khói tại miếu Bà Hương không chỉ là tấm lòng thành kính của cháu con hôm nay đối với người đàn bà có công dựng làng theo truyền thuyết mà còn tỏ lòng tri ân những cán bộ cách mạng đã từng bám vào ngôi miếu nhỏ này để phụng sự nhân dân, đấu tranh vì chính nghĩa, giải phóng giang sơn, đất nước. Đây cũng là chuỗi hoạt động tín ngưỡng tâm linh đậm tính nhân văn cao đẹp của bà con vùng quê Chiêm Sơn mỗi khi tháng Ba âm lịch về.

THÁI MỸ

;
.
.
.
.
.