.

Ngăn cái xấu từ trong nhà

.

Bằng những lời thủ thỉ, động viên lẫn răn đe, uốn nắn, nhiều gia đình, dòng họ trở thành “pháo đài” ngăn chặn các tệ nạn xã hội đang có nguy cơ tiếp cận con, em mình…

 Trong những dịp lễ hội, tộc Đinh thôn Quá Giáng, xã Hòa Phước là một trong những tộc luôn nhắc nhở mọi nhà tham gia quản lý, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng, giữ nếp nhà yên ấm. Ảnh: T.Y
Trong những dịp lễ hội, tộc Đinh thôn Quá Giáng, xã Hòa Phước là một trong những tộc luôn nhắc nhở mọi nhà tham gia quản lý, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng, giữ nếp nhà yên ấm. Ảnh: T.Y

1. Chưa khi nào gia đình và xã hội lại đứng trước những thách thức như hiện nay. Những vụ án con giết cha, chồng chém vợ, anh em ruột tranh giành đất đai, vườn tược… không nhìn mặt nhau, những đứa trẻ bị xâm hại bởi chính người thân trong gia đình vẫn ngày ngày xuất hiện trên mặt báo khiến không ít người lo âu vì sự suy đồi đạo đức ngày càng nghiêm trọng. Không ít thanh-thiếu niên chậm tiến, nghiện ma túy sinh ra trong những gia đình ly tán, không hạnh phúc, cha mẹ, ông bà thiếu sự quan tâm, thường xuyên giáo dục con cái bằng đòn roi, đay nghiến hoặc quá nuông chiều… Cứ thế, nhiều gia đình không còn là điểm tựa, là mái ấm bình yên để con người nương náu và xoa dịu tâm hồn mỗi khi lầm lỡ.

Còn nhớ, cách đây 3 năm, người dân Đà Nẵng bàng hoàng trước thảm án con giết cha bằng 37 nhát dao xảy ra trên địa bàn quận Liên Chiểu chỉ vì “cha thường xuyên la mắng do chăn nuôi không hiệu quả nên ra tay sát hại cha cho hả giận”. Chẳng ai có thể ngờ rằng, những mâu thuẫn được tích tụ sau những lần cãi vã giữa cha và con lại có sức tàn phá mối quan hệ huyết thống, tình thân khủng khiếp đến như vậy. Cũng chẳng ai biết trước điều gì xảy ra khi một người cha suốt ngày mắng nhiếc, chê bai, luôn tồn tại suy nghĩ “con mình đẻ ra, mình có quyền la mắng” lại để lại nỗi hụt hẫng, cô đơn, căm giận đủ sức “biến” con trở thành kẻ giết người. Trong trường hợp này, ai cũng tỏ ra tiếc nuối vì giữa cha và con đã không tìm được tiếng nói chung, không có sự cảm thông, chia sẻ, động viên nhau cùng gầy dựng kinh tế gia đình.

Đó chỉ là một trong rất nhiều vụ án điển hình về mối quan hệ không bền chặt đang diễn ra trong các gia đình hiện nay. Theo thống kê của Công an thành phố, trong 3 tháng đầu năm, Đà Nẵng xảy ra 113 vụ vi phạm về trật tự xã hội, làm chết 3 người, bị thương 15 người, tài sản thiệt hại khoảng hơn 2,5 tỷ đồng. Lực lượng chức năng phát hiện, bắt khởi tố 29 vụ gồm 49 đối tượng về hành vi tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy; phát hiện, xử lý 566 trường hợp sử dụng trái phép các chất ma túy…  Tuy nhiên, theo Đại tá Lê Văn Tam, Giám đốc Công an thành phố, dù con số có giảm so với cùng kỳ năm 2016 nhưng bên cạnh những nỗ lực, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, triển khai nhiều mô hình, biện pháp hay, không để hình thành các “điểm nóng” về an ninh trật tự thì vai trò của gia đình vẫn chưa được đề cao. Đây là một trong những nguyên nhân khiến công tác phòng ngừa, nắm tình hình, quản lý địa bàn khu dân cư gặp không ít khó khăn.

2. Trong các cuộc khảo sát hoàn cảnh gia đình của hàng trăm đối tượng là thanh thiếu niên chậm tiến, vi phạm pháp luật, nghiện ma túy trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thời gian qua cho kết quả, phần lớn các em được sinh ra trong gia cảnh nghèo khó, cha mẹ ly dị, không hạnh phúc hoặc mồ côi, bỏ học từ rất sớm. Điều đó chỉ ra rằng, vai trò giáo dục của gia đình rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách và lối sống của con người.

Nhiều năm qua, huyện Hòa Vang tích cực xây dựng mô hình gia đình văn hóa. Đến nay, toàn huyện có khoảng 600 dòng tộc được công nhận “Tộc họ văn hóa” và hơn 300 trong số đó có Hội đồng gia tộc, có Tộc ước mang nội dung hưởng ứng chương trình “5 không, 3 có” và chương trình “4 an” của thành phố. Mỗi thành viên trong gia đình trở thành tuyên truyền viên về gìn giữ nếp nhà, sống và làm việc theo pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm, xây dựng các nguồn quỹ khuyến học, khuyến tài. Không chỉ giúp nhau xóa đói giảm nghèo, đóng góp tinh thần, vật chất vào xây dựng phát triển kinh tế, mỗi tộc, họ tăng cường chức năng hóa giải những mâu thuẫn – nếu có – xảy ra.

Tại xã Hòa Nhơn, dòng họ Đỗ thôn Thái Lai là dòng họ lâu đời, có hương ước từ năm 1902. Đây cũng là dòng họ thường xuyên được Hội khuyến học thành phố tôn vinh trong những năm qua. Ngoài việc duy trì Quỹ khuyến học – khuyến tài, trong những ngày giỗ, Tết, dòng họ Đỗ đều tổ chức sinh hoạt con cháu nhằm động viên tinh thần hiếu học, hình thành các nhóm học ghép cùng giúp nhau tiến bộ. Ông Đỗ Hữu Minh, làng Thái Lai chia sẻ ông rất tự hào về truyền thống nhuốm màu đạo lý của dòng họ mình. Quan điểm của gia tộc là không bao che con cháu sai phạm. Bởi theo hương ước năm 1902, con cháu trong họ mắc lỗi trước hết Hội đồng gia tộc sẽ tự giải quyết, sau đó mới đến đoàn thể. Nếu vi phạm quá 2 lần tộc họ sẽ báo chính quyền địa phương xử lý theo pháp luật, đồng thời nghiêm cấm con cháu bỏ học giữa chừng. Hễ người nào có biểu hiện chơi bời, lười nhác, bạo lực gia đình là tộc trưởng kịp thời khuyên nhủ, uốn nắn để trở thành người tốt, sống có ích.

Còn tại xã Hòa Phước, nhiều tộc họ đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân tham gia quản lý, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng. Có thể kể đến các tộc Trần (thôn Giáng Nam), tộc Đinh (thôn Quá Giáng), Nguyễn Thành (thôn Miếu Bông)… luôn phát huy vai trò tộc họ để giáo dục con cái hướng thiện.

3. Vai trò của tộc họ, gia đình trong việc quản lý, giáo dục cũng như giúp đỡ người thân tránh xa lối sống suy đồi, coi thường luật pháp cũng được các cấp, ngành, địa phương quan tâm. Từ năm 2002 đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn kết hợp với UBND phường duy trì phong trào xây dựng tộc họ văn hóa, gắn với mục tiêu dòng tộc 5 có (có người thành đạt cao trong học tập, lao động và công tác; có nhiều hộ làm giàu chính đáng; có nhiều hộ được công nhận Gia đình văn hóa, có nhiều hộ đạt danh hiệu “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”; có nhiều con cháu cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc), 9 không (không có người vi phạm pháp luật; không gây mất đoàn kết trong cộng đồng; không có người làm trái luân thường đạo lý; không có người né tránh nghĩa vụ công dân; không có người mắc các tệ nạn xã hội; không có hộ đói, tiến đến xóa hết hộ nghèo; không có người mù chữ hoặc bỏ học giữa chừng; không có người sinh con thứ ba trở lên và không có người vi phạm các chuẩn mực đời sống văn hóa). Trong đó, địa phương ghi nhận sự đóng góp của các tộc họ như họ Lê, Huỳnh Bá, Huỳnh Đức, Phạm Văn… trong việc xây dựng đời sống văn hóa tại cơ sở, giữ vững danh hiệu dòng họ không có người vi phạm pháp luật nhiều năm liền.

Việc phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa dòng tộc thời gian qua tại Đà Nẵng - chủ yếu tập trung ở các vùng nông thôn, nơi giá trị gia đình vẫn còn được đề cao gìn giữ - không chỉ làm sống lại nhiều giá trị cũ như truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn, mà góp phần tích cực trong việc gìn giữ an ninh trật tự, ngăn cái xấu từ chính mỗi gia đình.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.