.
Nghĩ

Không đọc hộ được

.

Thời xưa hiếm sách thì nhiều người đọc sách, còn nay sách ê hề… nếu bất chợt nhìn thấy người cắm đầu vào quyển sách ở nhà ga, bến xe, chắc chắn đó là chuyện hiếm.

Có gì đó vô lý, xót xa. Những cuốn sách, bây giờ cũng như người đã qua thời no cơm ấm cật, ăn chắc mặc bền. Hình thức bắt mắt, nội dung cũng nương theo lòng người đủ loại. Ấy thế mà chả mấy cuốn được ưu ái, nghĩa là từ nhà xuất bản, nhà in ra được bạn đọc rồng rắn tìm mua đem về nghiến ngấu. Phải chăng, con người đã no cả đầu, nghe nhìn xem gì cũng không thấy ngon. Có một phần thế, nôm na rằng, cái đầu người vốn chỉ một thể tích nhất định, một khi đã đầy tràn các thông tin, vui buồn, áp lực, stress… thì các thứ khác sẽ không còn chỗ hoặc vào rồi phải bật ra. Không hẳn thế, sách có con đường riêng, tự thân nó, tự thân người muốn nó, đúng kiểu cách thì đôi bên sẽ cùng sinh sôi máu mủ ruột thịt trong nhau.

Những ngày chưa xa, thật mà như cổ tích rằng, các trai cày trong làng đêm đêm buông màn tiêu hết một phao dầu vì sách. Vào chợ, thấy các chị hàng xén cắm mặt vào sách… khách hỏi mua hàng mới giật mình, xin lỗi. Ra phố, vào các công sở, bàn trà thấy bàn luận rôm rả về “X30 phá lưới”, “Thời xa vắng”, “Nỗi buồn chiến tranh”…

Ngày nay, không phải là số đông, nhưng vẫn còn nhiều học sinh, trí thức, nông dân vẫn thói quen mua sách, đọc sách. Họ giữ được ngọn lửa sách lâu bền chính là do, họ đọc cho mình, vì mình. Đọc để giải trí, để không bị lạc hậu, để vào sâu cõi người, để biết ứng phó với các hạng các dạng, phong phú sinh động. Có một lần tôi hỏi một “đệ tử” sách có biết ngày Sách Việt Nam không? Thay câu trả lời là câu hỏi lại… “để làm gì? Đọc cho mình hay đọc cho cơ quan? Độc giả hay phong trào?”. Tôi lui lui, im lặng thì anh gỡ ra bằng câu, “cái giống sách này không hô hào, khẩu hiệu được đâu, một khi đã không thích cho tiền triệu kèm sách bảo đọc đi cũng lắc”. “Không biết từ bao giờ, người ta đã có thói quen không bỏ tiền túi ra mua, chỉ “thích” được tặng sách (có thể nhận rồi “quên” không mang về, hoặc mang về vứt đi)”, một nhà văn thẳng thắn nhìn vào sự thật. Sách là như thế, không thể dùng biện pháp cơ học, kiểu như ông bố bà mẹ nói, “đây sách đây đọc đi, đọc thì kẹo, không thì roi, con chọn cái nào”. Sách giờ đây, hầu như không có khái niệm quí hiếm. Bởi các nhà xuất bản hầu hết phải tự chủ, cứ theo bạn đọc, xã hội cần gì là bắt tay sản xuất. Thậm chí, bán giấy phép cho tác giả, liên kết với các nhà sách miễn nhà xuất bản tồn tại, phát triển.

Năm nay, tháng Tư này, Ngày Sách Việt Nam có sinh nhật lần thứ 4. Ba Ngày Sách đã qua,  sách được lên ngôi,  được tôn trọng trong không khí lễ, bạn đọc “ruột” được dịp dễ tìm những cuốn yêu thích, bạn đọc “họ hàng xa”, không “máu mủ ruột già” cũng có chỗ… chơi. Chơi trong không gian sách cũng là quí, ít nhiều cũng rung động về cái bìa lạ, về những cuốn sách dày, giấy tốt, sang trọng. Nhưng sách muôn đời vẫn thế, làm hộ thì vui, đọc hộ thì không thể được.

DU AN

;
.
.
.
.
.