.

Nguyễn Bắc Sơn, từ Vỡ vụn đến Cuộc vuông tròn(*)

.

Với hai tiểu thuyết xuất bản tháng 12-2015 và tháng 1-2017, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn đã định hình là một nhà tiểu thuyết có phong cách và chủ kiến không nhòe lẫn với ai. Có đến 12 luận văn thạc sĩ nghiên cứu các tác phẩm của ông. Nhà văn Ma Văn Kháng, trong “Lời giới thiệu” tiểu thuyết “Cuộc vuông tròn” (tập 2 của tiểu thuyết “Vỡ vụn”) gọi Nguyễn Bắc Sơn là “nhà tiểu thuyết chính trị/ thế sự/ thời cuộc”, còn nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét về ông: “Sức mạnh của ông là ở khả năng tinh nhạy, nắm bắt những vấn đề thời sự nóng hổi, đang diễn ra trong đời sống hàng ngày…”.

Nói theo ngôn ngữ của “thầy Chính” - một nhân vật “xương sống” trong hai tiểu thuyết vừa ra đời - ý kiến của hai bạn văn nổi tiếng mà tôi vừa dẫn ra là “chính xác”! Tiểu thuyết “Vỡ vụn”, tuy mạch truyện chủ yếu xoay quanh mối quan hệ giữa vợ chồng Chính - Thu dần đi tới chỗ tan vỡ, trong khi mối tình “ngoài luồng” của Chính với cô sinh viên Thảo “kết quả” là một cậu con trai kháu khỉnh, thông minh, nhưng câu chuyện gia đình ấy cũng ôm chứa những vấn đề “thế sự”: một nhân vật Thu, có bằng cấp, học vị, chức vụ hơn hẳn chồng, nhưng trí tuệ lại cùn mòn, luôn bị chồng “chọc tức” vì sự kém hiểu biết, đã chứng tỏ có điều bất ổn trong hệ thống giáo dục và bổ nhiệm cán bộ. Hơn thế, từ nhân vật Thu, tác giả đưa bạn đọc về một tỉnh có vị Chủ tịch (Thành - học trò của Thu) dám đương đầu với các mâu thuẫn gay gắt ở địa phương trong cuộc chuyển mình để Đổi Mới, biết lắng nghe những ý kiến “phản biện” - không phải của cô giáo, mà của Chính - một trí thức ngoài Đảng…

Trong tiểu thuyết “Cuộc vuông tròn”, chỉ một buổi “tọa đàm” giữa Chính và Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại nhà riêng Chủ tịch kiêm Bí thư Thành, có đến hàng chục sự kiện “thời sự nóng hổi” trong nước và thế giới được đề cập đến, trong đó không ít những vấn đề thường được gọi là “nhạy cảm”.

Tuy vậy, điều quan trọng hơn đối với một nhà văn là anh đã thể hiện, đã “tiêu hóa” “những vấn đề thời sự nóng hổi” trong tác phẩm như thế nào. Có thể căn cứ vào mức độ người đọc đón nhận tác phẩm để đánh giá thành công của tác giả. Việc Nguyễn Bắc Sơn liên tục cho ra đời các tiểu thuyết đề cập mạnh dạn những vấn đề thế sự và mau chóng được tái bản - trong đó, đặc biệt có tiểu thuyết “Luật đời cha và con” (xuất bản lần đầu năm 2005) được dựng thành phim và đến nay đã tái bản lần thứ 8 - cũng là một cách trả lời. Nhưng riêng điều này chưa đủ bảo đảm tác phẩm có nghệ thuật cao. Chúng ta đều biết, có nhiều loại sách - kể cả sách chỉ bàn đến chính trị, thời cuộc - cũng có số bạn đọc đông đảo, nếu vấn đề đặt ra gắn bó mật thiết đến cuộc sống, “đánh trúng” tâm lý công chúng và cuốn sách có hàm lượng trí tuệ cao.

Điều đáng nói hơn là trong hai tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn vừa xuất bản, các vấn đề thế sự nóng sốt, nhạy cảm cũng như “hàm lượng trí tuệ” thời đại đã được “chuyển tải” qua một câu chuyện tình éo le và một “dàn” nhân vật có tính cách khá rõ nét.

Có thể nói “chuyện tình tay ba” trong tiểu thuyết bộ đôi của Nguyễn Bắc Sơn không tầm thường. Thảo - cô sinh viên trẻ đẹp “mê” thầy Chính không vì vụ lợi, mà cô bị khuất phục trước vẻ đẹp của trí tuệ; còn Chính phạm “tội” ngoại tình chủ yếu vì Thu (vợ ông) có những ham muốn tiến thân luôn “trật kênh” với chồng. Một gia đình còn nguyên, mà thực sự đã “vỡ vụn” từ bên trong!

 Bạn đọc chăm chú theo dõi hơn trăm trang sách về cuộc trò chuyện thế sự giữa Chính và Ban Thường vụ một tỉnh không chỉ vì tác giả cả gan chạm đến nhiều vấn đề “nhạy cảm” mà còn vì “gương mặt” các nhân vật dự “tọa đàm”. Đó là Chủ tịch kiêm Bí thư Thành, học trò của Thu, nhưng lại là một mẫu cán bộ lãnh đạo dám chịu trách nhiệm, chịu khó tìm tòi đổi mới. “Trò hơn cô”, nói đúng hơn là thế hệ mới dám vượt thoát khỏi cái bóng lớp trước và những giáo điều xưa cũ, là phúc cho dân tộc. Một vài chân dung “Thường vụ” như “Ông Quy trình - Bia cổ rụt” hay “Người mỏng toàn diện” cũng có nét đáng nhớ và gắn với một vấn đề thời cuộc không đơn giản, nhưng có lẽ tác giả gửi gắm nhiều ý tứ hơn vào hình ảnh thân phụ Thành - cựu tù Sơn La và nguyên Bí thư Tỉnh ủy. Vị đảng viên lão thành đó có ước nguyện cuối đời là được gặp Chính - một thầy giáo đại học, một trí thức ngoài Đảng - để “giải tỏa” những câu hỏi gay cấn về thế sự mà ông không tìm được câu trả lời trong “sách vở” và trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng oanh liệt của mình. Cả trước khi nhắm mắt, ông cũng muốn được có Chính
bên cạnh…

Hình ảnh Thành và Chính “sát cánh bên nhau” trong đám tang giản dị vị “cựu tù Sơn La” được nhân dân ngưỡng mộ cũng có thể xem như là “cuộc vuông tròn” của thời cuộc, song hành với việc Chuyên thông cảm rồi hoan hỉ trước cảnh bố Chính được sống hạnh phúc bên mẹ con Thảo là “cuộc vuông tròn” trong tình riêng. Dù vậy, nhà văn Ma Văn Kháng, lại viết “Lời giới thiệu” cuốn sách với nhan đề: “Cuộc vuông tròn tính làm sao đây”!

NGUYỄN KHẮC PHÊ


(*) Hai tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn, NXB Hội Nhà văn.

;
.
.
.
.
.