.

Nơi vùng quê yên ả

.

Cuộc sống của bà con 2 thôn Tân Hạnh, Trà Kiểm (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) trước đây từng bị quấy nhiễu bởi nạn trộm cắp, gây rối đánh nhau. Giờ những chuyện ấy lùi xa, ai đến làng cũng cảm nhận rõ sự bình yên trên từng ngõ ngách, thôn xóm.

Anh Dương Ngọc Đức (ngoài cùng bên phải, công an viên xã Hòa Phước) thường xuyên xuống địa bàn thăm hỏi người dân. Đây là cách mà các công an viên ở xã áp dụng để nhân dân tin tưởng vào lực lượng công an, sẵn sàng tố giác tội phạm. Ảnh: Q.T
Anh Dương Ngọc Đức (ngoài cùng bên phải, công an viên xã Hòa Phước) thường xuyên xuống địa bàn thăm hỏi người dân. Đây là cách mà các công an viên ở xã áp dụng để nhân dân tin tưởng vào lực lượng công an, sẵn sàng tố giác tội phạm. Ảnh: Q.T

“Không phải chê gà nhỏ mà vì cái giỏ đã đầy!”

Trời vừa tắt nắng, ông Lê Mai (thôn Tân Hạnh) ra vườn nhà lùa hơn chục con gà về chuồng. Ông bắt 2 con gà mái già nhốt vào lồng riêng để sáng mai đám giỗ. Ông quay sang nói với vợ: “Mới năm kia đây mà nhanh bà hỉ. Hồi đó nuôi đàn gà trông tới Tết bán kiếm được đồng bạc nghe chua, gà mới nuôi được bây lớn (ông giơ bắp tay) là chúng bắt sạch rồi”. Rồi ông cười khề khà: Ở nông thôn mình thì chưa thấy trộm cạy cửa vô nhà lấy xe, lấy tiền, tụi nó mới trộm gà, trộm chó mà cuộc sống đã xáo trộn biết bao nhiêu năm. Bà nhớ vụ bà A. xóm trên không? Thấy người lạ vào thôn, bà ấy tới hỏi là bị chúng ngang nhiên chỉ thẳng mặt: “Tối nay bà coi chừng chớ tụi tui đến bắt sạch gà nhà bà”. Hồi đó đêm nào thôn mình cũng bị mất trộm. Nhà nào mà hôm sau có đám giỗ là đêm đó ngủ không yên giấc, cứ thậm thà thậm thụt sợ con gà cúng bị bắt mất. Nhiều nhà sáng ra còn nhặt được tờ giấy: Không phải chê gà nhỏ mà vì cái giỏ đã đầy! Thiệt tình cái tụi ác nhơn…

Câu chuyện của đôi vợ chồng già đã vẽ lại cuộc sống của người dân 2 thôn Trà Kiểm, Tân Hạnh cách đây 2 năm; khi mà nạn trộm cắp vặt hoành hành gây náo loạn cuộc sống vốn dĩ yên ả, thanh bình của người dân. Tân Hạnh và Trà Kiểm vốn nằm trong khu vực giáp ranh với các xã Điện Hòa, Điện Thắng Bắc và phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam). Từ năm 2005 trở về trước, khu vực này nổi lên các quán cà-phê nhạc sống (dọc theo quốc lộ 1A), nên còn được mệnh danh là “Ngã ba sung sướng”, thu hút nhiều thanh-thiếu niên ở các vùng lân cận đến tụ tập. Người dân nông thôn vốn quen với ruộng đồng, nhà này đi vắng thì có nhà hàng xóm trông chừng, thì nay phải chứng kiến cảnh thanh niên tụ tập nhậu nhẹt ở ngã ba, ngã tư đến tận đêm khuya. Công an đẩy đuổi bên này thì chúng chạy qua bên kia. Tình hình an ninh trật tự (ANTT) phức tạp khiến người dân ngày đêm lo lắng, mất ăn mất ngủ.

Là khu vực thuần nông nhưng đất đai lại khô cằn, người dân Tân Hạnh, Trà Kiểm chủ yếu sống dựa vào chăn nuôi. Đây chính là “miếng mồi ngon” cho bọn trộm cắp gà. Ông Trần Toàn, Trưởng thôn Tân Hạnh kể, trước đây, mỗi dịp giáp Tết là người dân 2 thôn Trà Kiểm, Tân Hạnh nơm nớp lo sợ bởi hầu như đêm nào cũng có nhà bị mất trộm, chúng đã vào là bắt sạch khiến nhiều nhà “mất Tết”. Bọn trộm cắp thường đi thành băng nhóm với đầy đủ gậy gộc, chúng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để bắt gà, chó khiến người dân dù có rình cả đêm cũng không làm chi được.

Mô hình mới, cuộc sống mới

Tình trạng mất ANTT trên địa bàn 2 thôn Trà Kiểm, Tân Hạnh diễn ra trong nhiều năm khiến người dân rất bức xúc. Ông Dương Ngọc Đức, Trưởng Công an xã Hòa Phước thừa nhận, một mình lực lượng công an xã (chỉ với 5 người gồm 1 trưởng, 1 phó và 3 công an viên) không thể quán xuyến nổi tình hình trật tự trên địa bàn. Đặc biệt, đặc thù địa bàn của xã Hòa Phước là có quốc lộ 1A dài 6km chạy ngang qua. Không thể ngoài cuộc đứng nhìn lối sống thanh niên địa phương có dấu hiệu xuống cấp, cuộc sống của người dân bị xáo trộn, lực lượng công an xã Hòa Phước đã phối hợp với công an các xã Điện Hòa, Điện Thắng Bắc và phường Điện Ngọc xây dựng cụm liên khu ANTT vùng giáp ranh (các bên trao đổi thông tin về các đối tượng xấu cho nhau; cho phép truy đuổi nghi phạm qua vùng ranh giới…); đồng thời xây dựng mô hình “Tiếng mõ an ninh” phù hợp với địa bàn nông thôn.

Mọi hộ gia đình trong 2 thôn đều tự sắm một bộ mõ làm bằng ống tre, dây thừng, gậy được bố trí ở vị trí thích hợp trong nhà. Khi phát hiện tình huống xấu xảy ra, người già, phụ nữ, trẻ em cố thủ trong nhà, dùng gậy đánh mõ. Thanh niên trai tráng đem gậy, đèn pin chạy ra đường, trưởng thôn, dân phòng chạy đến trạm barie kéo chốt chặn xuống… ngăn không cho đối tượng chạy thoát. Mỗi đường ra khỏi thôn đều có barie chốt chặn (hiện, Trà Kiểm lắp được 5 barie, Tân Hạnh 4 barie). Được triển khai từ đầu năm 2016, sau nhiều lần diễn tập, hiện người dân đã quen với mô hình tiếng mõ, bất kể mưa gió bão bùng, nghe có biến động là người dân đánh mõ lên, nhà bên này nghe nhà bên kia đánh cũng đánh theo, tạo thành chuỗi tiếng động lớn, gây áp lực cho đối tượng. Ông Lê Mai hóm hỉnh: Từ ngày Tân Hạnh, Trà Kiểm triển khai mô hình “Tiếng mõ an ninh”, tình hình trộm cắp vặt trên địa bàn hầu như không còn. Chiều lại, mấy ông già thư thả lùa gà vào chuồng rồi kéo chốt, tối chỉ việc gác tay lên trán mà ngủ chứ không nơm nớp lo sợ nữa.

Mô hình này được xem là đơn giản nhưng đem lại hiệu quả cao. Bởi có chuyện xảy ra ở đầu làng là cuối làng biết, anh A đi đâu thì nhờ anh B qua ngó nhà giúp, người lạ vào thôn là người dân xúm lại hỏi thăm… Chính sự gắn bó, gần gũi của bà con là tiền đề cho mô hình “Tiếng mõ an ninh” thành công. Ông Nguyễn Thanh Quý, Bí thư chi bộ thôn Trà Kiểm vui mừng: Khi tình hình ANTT không đảm bảo thì người dân không thể an tâm làm ăn. Từ khi có mô hình “Tiếng mõ an ninh”, đầu trên xóm dưới đều yên ổn, người dân vui vầy bên cây lúa, không còn cảm giác lo sợ mỗi khi đêm xuống nữa. Đó là nhờ sức mạnh phối hợp của toàn dân. Mọi người dân, từ người già, phụ nữ, trẻ em, đến thanh niên, trung niên đều tham gia vào công cuộc giữ gìn ANTT.

Từ khi Tân Hạnh, Trà Kiểm “bắt tay” nhau phối hợp giữa người dân và lực lượng công an, sự yên ả đã về lại trên mọi nẻo đường của thôn xóm. Ông Đức nói vui rằng: Mọi người dân đều là tai mắt của công an. Nếu không có người dân thì 100 công an viên cũng khó mà lập lại bình yên này.

Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào và phụ trách xã về ANTT, Công an huyện Hòa Vang Thiếu tá Nguyễn Phú Bền, cho biết: Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa vùng nông thôn Hòa Vang diễn ra ngày càng nhanh đã kéo theo những mặt trái liên quan đến tình hình ANTT.  Để đem lại bình yên cho nhân dân, lực lượng công an đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, mang lại sắc thái mới cho phong trào và gắn với thực hiện các chỉ tiêu trong công tác đảm bảo ANTT. Đợt sơ kết cuối năm 2016, Tân Hạnh, Trà Kiểm là 2 thôn điển hình (trong 119 thôn trên toàn huyện) về chuyển biến tình hình ANTT trên địa bàn.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.