.

Thầy ngoại tỏa sáng giữa sương mù

.

Hai thập niên trôi qua kể từ khi HLV người Pháp Arsene Wenger gia nhập bóng đá Anh từ Nhật Bản, nhưng người bản xứ vẫn phản ứng hơi quá khi một HLV ngoại không danh tiếng gia nhập Premier League. Những cựu danh thủ như Paul Merson hay Phil Thompson “nhảy cẫng” lên trong các chương trình bình luận trên truyền hình khi biết Marco Silva thay thế HLV bản xứ Mike Phelan để dẫn dắt Hull City thoát khỏi nguy cơ rớt hạng. Lawrie McMenemy cũng từng có phản ứng tương tự lúc biết Mauricio Pochettino cầm quân Southampton…

HLV Mauricio Pochettino đang dẫn dắt Tottenham khá thành công.  (Ảnh Internet)
HLV Mauricio Pochettino đang dẫn dắt Tottenham khá thành công. (Ảnh Internet)

Người Anh có thói quen chọn nhà cầm quân bản xứ (Anh và Ireland) để bảo đảm an toàn hơn bởi sự thông hiểu đội bóng cũng như môi trường thi đấu. Tuy nhiên, chỉ riêng hai trường hợp nêu trên đã cho thấy có sự khác biệt. Hull City dưới thời nhà cầm quân người Bồ Đào Nha tạm thời thoát khỏi vị trí chót bảng và chỉ còn cách vị trí an toàn 1 điểm. Pochettino không còn dẫn dắt Southampton nữa mà là Tottenham. “Gà trống” của HLV người Argentina đang bám sát Chelsea ở cuộc đua vô địch Premier League.

John Goddard là giáo sư tài chính kinh tế tại Đại học Bangor (xứ Wales) và là chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực kinh tế của thể thao chuyên nghiệp đã thực hiện cuộc nghiên cứu về thành tích cầm quân của HLV bản xứ và nước ngoài tại Premier League. Giáo sư Goddard có số liệu chi tiết về thời gian, quốc tịch của từng HLV làm việc ở Anh từ những năm 1960, song chủ yếu là giai đoạn Premier League hình thành và phát triển từ mùa giải 1992-1993 tới nay. Điểm số trung bình mà HLV ngoại có được ở Premier League là 1,66 điểm/trận. Trong khi HLV Anh và Ireland có được là 1,29 điểm/trận. Như vậy, sẽ quy ra hơn 14 điểm sau 38 vòng đấu của một mùa giải, tức là HLV ngoại nhiều hơn HLV bản xứ 14 điểm/mùa. Đấy là sự chênh lệch rất đáng kể. Đâu chỉ có ở Premier League mà cả giải đấu thấp hơn cũng cho thấy thầy ngoại xịn hơn thầy nội. HLV người Anh và Ireland kiếm được 1,36 điểm/trận từ mùa giải 1992-1993 thì HLV ngoại có được 1,49 điểm/trận.

Đáng chú ý là trong top 6 hiện tại Premier League đều ở HLV ngoại dẫn dắt, từ Chelsea, Tottenham, Manchester City, Liverpool, Manchester United và Arsenal. Đây còn là nhóm CLB tập hợp những HLV hàng đầu thế giới quy tụ ở Premier League như Antonio Conte ở Chelsea, Pep Guardiola ở Manchester City hay Jose Mourinho ở Manchester United. Giáo sư Goddard cũng đã tính toán hết những trường hợp HLV bản xứ bị thay bằng HLV ngoại. Nếu như HLV bản xứ chỉ kiếm được 1,42 điểm/trận thì người kế nhiệm kiếm tới 1,58 điểm/trận.

Tuy nhiên, các HLV ngoại lại khó trụ lâu hơn so với đồng nghiệp bản xứ. Từ mùa giải 1992-1993 tới cuối mùa giải 2015-2016 vừa qua có cả thảy 1.170 giai đoạn làm việc của 544 HLV bản xứ, tương đương với 86,3 trận/giai đoạn. Cùng thời gian đó có 80 HLV ngoại với 115 giai đoạn làm việc khác nhau, tương đương 58,2 trận/giai đoạn. Điều đó cho thấy các HLV ngoại thường bị áp đặt thành tích cao hơn nên dễ bị sa thải hoặc không được gia hạn hợp đồng.  

TỊNH BẢO

;
.
.
.
.
.