.

Thói quen đọc sách đang trở lại

.

BookBox – những ngăn tủ chứa sách không bao giờ khóa được đặt ở những địa điểm công cộng bắt đầu trở nên quen thuộc với nhiều độc giả, đặc biệt là các bạn sinh viên (SV) quan tâm đặc biệt đến sách ở các quán cà-phê, trung tâm ngoại ngữ tại quận Hải Châu từ năm 2014, khi ngày 21-4 chính thức được chọn là ngày sách Việt Nam. Những BookBox bắt đầu viết nên câu chuyện của mình  khi nguồn kinh phí do một nhóm sinh viên của ĐH Đà Nẵng thực hiện. Tuy nhiên nhiều người (không chỉ là độc giả) chưa thực sự nhận thức tốt được ý nghĩa của BookBox nên chưa ý thức “cho đi mới nhận lại” hoặc “chỉ nhận mà không cho”, thế nên, BookBox tuy là một mô hình hay nhưng chưa thực sự có sức sống ở Đà Nẵng.

Ngày hội trao đổi sách lần 4 được CLB Sống để yêu thương tổ chức tại sân trường THCS Trần Hưng Đạo, quận Hải Châu. Ảnh: Q.L
Ngày hội trao đổi sách lần 4 được CLB Sống để yêu thương tổ chức tại sân trường THCS Trần Hưng Đạo, quận Hải Châu. Ảnh: Q.L

Câu chuyện trao đổi sách - trao đổi tri thức của độc giả Đà Nẵng tiếp tục tìm một hướng đi.

Tổ chức lần đầu vào năm 2014, và năm nay lần thứ 4 Ngày hội trao đổi sách được các bạn SV câu lạc bộ (CLB) “Sống để yêu thương” tổ chức vào ngày 16-4-2017, lôi cuốn nhiều người tìm đến với sách. Có khoảng 500 người kể cả tình nguyện viên và độc giả đến với ngày hội để tìm đọc và trao đổi sách. Bạn Nguyễn Trần Nhất Toàn, SV ĐH Kinh tế Đà Nẵng đến với Ngày hội với mong muốn tìm được những cuốn sách mang hơi hướng trinh thám. Tuy không tìm được loại sách yêu thích nhưng Nhất Toàn đánh giá: “Ngày hội trao đổi sách có nhiều hoạt động bổ ích và lý thú, nguồn sách được tập hợp cũng khá phong phú và đặc biệt là trò chơi về kiến thức văn học được tổ chức hấp dẫn, thú vị”.

Ngay từ khi có ngày Sách Việt Nam, các bạn SV đến từ nhiều trường đại học như: Bách khoa, Kinh tế, Ngoại ngữ, Sư phạm, Duy Tân... trong CLB “Sống để yêu thương” đã dành một sự quan tâm đặc biệt và thời gian nhất định cho các hoạt động “đinh” về sách và văn hóa đọc. Hai tuần trước khi ngày hội năm nay diễn ra, tại một số địa điểm công cộng của thành phố, các thành viên trong CLB đã triển khai hoạt động nhận sách trao đổi và tính điểm cho người đến trao đổi với hơn 1.000 đầu sách tập hợp được. Niềm vui của các bạn SV chính là trao những cuốn sách được chọn đổi đến tận tay độc giả. Em Nguyễn Lê Minh Khuê, học sinh lớp 10, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, thành viên của CLB “Sống để yêu thương”, tình nguyện viên của ngày hội chia sẻ: “Đúng như tên gọi của CLB là Sống để yêu thương thì những cuốn sách mà chúng em trao đến tay mọi người ngày hôm nay cũng là một sự yêu thương. Em rất vui vì chương trình được mọi người quan tâm. Điều này chứng tỏ: sách thực sự là một người bạn tinh thần không thể thiếu và văn hóa đọc thực sự cần được phát triển không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới”.

Với tôn chỉ nhiều việc làm nhỏ mà hiệu quả để đưa sách đến gần hơn với các bạn trẻ nên bên cạnh trao đổi sách, Ngày hội còn tổ chức các trò chơi, thi kiến thức về sách, về các tác giả và nhiều gian hàng gần gũi với nhu cầu thực tế của các bạn trẻ như: bói Kiều, bookmark, nghệ thuật gấp giấy, đồ handmade thủ công... Trao đổi với chúng tôi, bạn Trần Thanh Toàn, SV Trường ĐH Kinh tế, Trưởng Ban tổ chức Ngày hội đã chia sẻ về những khó khăn và thuận lợi để có thể tổ chức chương trình thành công. Ngày hội trao đổi sách đã mở ra cơ hội được đọc nhiều đầu sách khác nhau trong điều kiện tài chính còn ít ỏi khi có thể đổi những quyển sách đã đọc để lấy một cuốn sách khác chưa đọc. Đây thực sự là một hình thức trao đổi sách, trao đổi tri thức rất văn minh cần được phát triển và nhân rộng.

Sau khi Đà Nẵng thực hiện chủ trương “Năm văn hóa, văn minh đô thị” trong 2 năm 2015 - 2016 và việc chính thức chọn 21-4 là Ngày Sách Việt Nam từ năm 2014 cùng với nhiều chính sách, chiến lược tôn vinh và nâng cao văn hóa đọc thì thói quen đọc sách của người Đà Nẵng nói riêng có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Theo nhận xét của nhiều độc giả yêu sách, 3 năm trở lại đây, sách và thói quen đọc sách in của người Đà Nẵng đang dần trở lại. Những hội sách được thành phố Đà Nẵng và hai quận Hải Châu, Sơn Trà tổ chức thu hút rất đông sự quan tâm của người dân và nhu cầu mua sách cũng theo đó mà tăng lên. Thế nên, để kết quả của việc đọc sách được duy trì thường xuyên và tạo được hiệu quả trong việc nâng tầm văn hóa xã hội, tạo ra nếp sống văn minh thì những chương trình, chiến lược cho sách và văn hóa đọc phải luôn được quan tâm đầu tư thỏa đáng, cụ thể và toàn diện, trong đó phải kể đến những hoạt động, chương trình trao đổi sách - trao đổi tri thức.

QUỲNH LINH

;
.
.
.
.
.