.

Tiền tam hậu nhị

.

* Tôi nghe một ông thầy phong thủy nói rằng “tiền tam hậu nhị” không chỉ nói về sự thay đổi thời tiết trong những ngày tiết khí trong năm mà còn nói về sự “co giãn” đối với những ngày kỵ giỗ, lễ lạt nữa. Xin cho hỏi, chuyện này cụ thể là thế nào? (Nguyễn Thanh Nhựt, Hòa Vang, Đà Nẵng).

Cách bước chân theo hiệu lệnh “tiền tam hậu nhị” tại lễ rước các cụ Thượng trong Lễ hội Tiên công ở đảo Hà Nam, Quảng Ninh.(Nguồn: quangyen.vn)
Cách bước chân theo hiệu lệnh “tiền tam hậu nhị” tại lễ rước các cụ Thượng trong Lễ hội Tiên công ở đảo Hà Nam, Quảng Ninh.(Nguồn: quangyen.vn)

- “Tiền tam hậu nhị” có nhiều nét nghĩa. Trước tiên là nói về sự thay đổi thời tiết như tác giả Hoàng viết trong bài “Mất ngủ!” đăng trên Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày Chủ nhật 24-10-2010: Chả trách ông bà tổng kết “tiền tam hậu nhị”, tức cứ trước ngày tiết ba ngày, sau ngày tiết hai ngày, mình mẩy nhức mỏi kém ăn kém ngủ!

Ngày tiết là cách nói gọn của từ tiết khí – 24 điểm đặc biệt trên quỹ đạo của Trái Đất xung quanh Mặt Trời, mỗi điểm cách nhau 15°. Tiết khí có xuất xứ từ Trung Quốc. Nó được sử dụng trong công tác lập lịch của các nền văn minh phương đông cổ đại như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên để đồng bộ hóa các mùa.

Tiết khí, mặc dù xuất phát từ Trung Quốc nhưng được tính dựa trên Mặt Trời hay nói cách khác là dựa trên dương lịch chứ không phải âm lịch như nhiều người lầm tưởng. Ví dụ, ngày 5-4-2017 (nhằm ngày 9-3 Đinh Dậu) là ngày bắt đầu tiết Thanh minh (ngày bắt đầu của tiết khí có thể cách nhau trong phạm vi ±1 ngày theo dương lịch). Trước ba ngày và sau hai ngày tính từ ngày chuyển tiết này, thời tiết có thay đổi đột ngột nên người xưa mới đúc kết lại thành “tiền tam hậu nhị”.

“Tiền tam hậu nhị” cũng nói về sự “cẩn thận giữ mình” khi đến cái “hạn” của mỗi người theo thuật tử vi – phong thủy. Người xưa có câu “49 chưa qua 53 bước tới” nhắc nhở tuổi 49 và 53 – hai “tuổi hạn” được cho là nặng nhất trong đời người theo quan niệm dân gian. Trước 3 năm và sau 2 năm tính từ hai mốc tuổi này, đời người sẽ có những thay đổi lớn nghiêng về điều không tốt, kém may mắn.

Nói về sự “co giãn” của những ngày kỵ giỗ, lễ lạt, người xưa cũng “tiền tam hậu nhị”. Khi không thể tổ chức giỗ, cúng tế vào đúng ngày chính kỵ, chính lễ thì có thể cử hành vào một ngày trong ba ngày trước đến hai ngày sau tính từ ngày chính kỵ, chính lễ.

Nói thêm, “tiền tam hậu nhị” cũng là một cách xây mái chùa, như bài viết “Chùa Phúc Ân” đăng trên baophutho.vn ngày 17-10-2016. Theo đó, chùa Phúc Ân ở thôn Do Nghĩa, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ; được xây dựng vào thời Hậu Lê (thế kỷ XVIII). Tòa thượng điện được làm song song với tiền đường nhưng được bố trí ở cấp cao hơn qua cách giật cấp. Thượng điện gồm 3 gian, 5 hàng chân, có 5 mái được làm theo kiểu “tiền tam hậu nhị”, nghĩa là phía trước 3 mái, phía sau 2 mái.

Độc đáo hơn, “tiền tam hậu nhị” còn nói về cách đánh trống trong lễ rước các cụ Thượng trong Lễ hội Tiên công ở đảo Hà Nam, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Bài viết “Lễ hội Tiên công vùng Tứ xã Hà Nam huyện Yên Hưng (nay là thị xã Quảng Yên - ĐNCT)” đăng trên quangyen.vn có chép bài thơ dân gian mô tả cảnh rước này, có đoạn như sau:

… Trống chiêng nổi hiệu tam nghiên/ Cà rồng não bạt nổi lên song vần/ Trống tam nghiên, nhạc bát âm/ Tiền tam hậu nhị bước chân nhịp nhàng/ Hương thần kỳ lão hai hàng/ Lọng xanh tán tía từng đoàn theo sau…

Bài viết giải thích câu Tiền tam hậu nhị bước chân nhịp nhàng: Căn cứ vào thời gian mà các đoàn rước cụ Thượng đi nhanh hay đi chậm, thường là đi theo quy định “tiền tam hậu nhị”, nghĩa là khi đầu đoàn rước đánh ba tiếng trống cái (tùng - tùng - tùng), người cầm trống khẩu đi sau đánh hai tiếng (tung - tung), thì cả đoàn rước đi một nhịp chân bước.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.