.

Tục cúng bà Mụ

.

Khi những em bé được mẹ sinh ra tròn tháng và tròn năm, sẽ được gia đình tổ chức cúng bà Mụ, đây là phong tục cúng tạ ơn và cầu phúc tới các bà Mụ. Tục cúng Mụ sẽ có một số thay đổi nhỏ tùy theo vùng miền, nhưng tựu trung lại là cầu mong 12 bà Tiên cho em bé ăn khỏe - ngủ ngon, phát triển thể chất bình thường.

 Lễ cúng đầy tháng em bé của một gia đình ở Đà Nẵng. Ảnh: Q.T
Lễ cúng đầy tháng em bé của một gia đình ở Đà Nẵng. Ảnh: Q.T

Bà Mụ, theo quan niệm dân gian là những Tiên nương phụ trách vấn đề sinh đẻ, được người dân Việt Nam thờ cúng theo tín ngưỡng.

Tục cúng bà Mụ là phong tục được người Việt truyền từ đời này sang đời khác, để tạ ơn và cầu phúc tới các bà Mụ, cầu xin các Mụ ban cho đứa trẻ mọi điều may mắn tốt lành. Theo nhiều tài liệu, tục cúng này thường được tổ chức vào những thời điểm khi đứa trẻ mới sinh được 3 ngày (ngày đầy cữ), 1 tháng (ngày đầy tháng), 100 ngày (ngày đầy tuổi tôi) và 1 năm (ngày thôi nôi). Nhưng trên thực tế hiện nay người ta chỉ duy trì lễ cúng này vào ngày đầy tháng và ngày thôi nôi. Trong đó ngày đầy tháng được các gia đình tổ chức với đầy đủ lễ nghi hơn ngày thôi nôi.

Khi tổ chức lễ cúng Mụ, ngoài những lời khấn có tính chất tương tự nhau, thì lễ vật ở nhiều vùng miền có khác nhau chút ít, quan điểm cũng có phần khác nhau. Theo tục nhiều bà mẹ ở Quảng Nam-Đà Nẵng truyền cho nhau lâu nay, thì lễ cúng đầy tháng cho em bé rất quan trọng, vì đây là lễ tạ 12 bà Mụ và một bà đã cưu mang em bé khi còn trong bụng mẹ. Trong đó quan niệm 12 bà Mụ là những bà Tiên bày vẽ và giúp bé phát triển các giác quan. Các bà, các mẹ ở quận Sơn Trà cũng vậy, dù là người sống lâu đời tại vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng, hay ở những vùng lân cận, hay cả những vùng phía Bắc chọn Đà Nẵng định cư, đều lưu giữ tục cúng này. Tuy có khác nhau chút ít, nhưng cơ bản, ngoài hoa, quả, không thể thiếu xôi, chè, cau trầu và nghi lễ luôn được thực hiện với một niềm tin thành kính.

Bà Trần Thị Tuyết (đường Nguyễn Duy Hiệu, quận Sơn Trà) cho biết, lễ vật cúng Mụ phải đầy đủ, gồm 13 lá trầu, 13 quả cau (ở chợ, các bà bán cau trầu sẽ têm thành 13 lá trầu cánh phượng + 13 miếng cau); 12 chén chè, 12 dĩa xôi nhỏ và 1 tô chè lớn, 1 dĩa xôi lớn; một dĩa trái cây, một bình hoa, trầm, áo giấy. Trên mâm cúng còn có 13 cái bánh tráng. Ngoài ra, người nhà còn chuẩn bị một nồi nước xông gồm nhiều loại lá xông (lá tre, sả, cam hoặc bưởi…) và trong nồi nước xông không bao giờ thiếu những cái gai (thường chọn gai bưởi). Nếu là bé trai sẽ có 7 cái gai, bé gái sẽ có 9 cái gai. Khi nồi nước xông vừa đưa xuống bếp, người nhà sẽ thả vào nồi xông một cái đinh to và đưa em bé qua lại nồi xông 7 hoặc 9 lần tùy vào giới tính của em. Cây đinh với ước mong em bé khỏe mạnh, vững vàng khi lớn lên.

Bà Tuyết cho rằng, lễ cúng đầy tháng cho bé thực hiện trong buổi sáng là tốt nhất vì đó là khoảng thời gian vạn vật vừa thức dậy, đất trời bừng sáng chuẩn bị một ngày mới, không khí thanh sạch nhất. Cho nên cách đây 3 năm, khi tổ chức lễ đầy tháng cho cháu nội đầu tiên trong nhà, bà và mọi người trong nhà thức dậy từ 4 giờ sáng chuẩn bị để 5 giờ là bắt đầu cúng. Sau khi khấn vái trời đất và các bà Mụ, bà Tuyết còn lấy bông hoa ở bình hoa cúng đặt nhẹ vào môi em bé, thầm khấn mong bé sau này miệng lúc nào cũng tươi vui, lớn lên lời nói như bông như hoa, được mọi người yêu mến.

Bà Cù Thị Hiếu (ở Thành Nội, Huế, hiện đang sống cùng con gái ở tổ 70B, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho biết, lễ cúng đầy tháng cho bé ở ngoài trời gồm hai mâm thượng và hạ. Bàn thượng cao hơn bàn hạ cỡ 10-20 phân, gồm có dĩa xôi, tô chè, trái cây, bình hoa và 3 bộ áo giấy cho 3 bà Mụ đỡ đầu. Bàn hạ có con gà trống hoặc một miếng thịt heo, mâm cơm gồm canh, cá, đồ xào và không thể thiếu 12 bộ áo quần bằng giấy cho 12 bà Mụ. Ngoài ra còn có 3 con cua, 3 quả trứng luộc; cau trầu chỉ cần đơn giản là được. Ở bên giường nơi em bé nằm, người ta đặt một mâm cúng nhỏ gồm 3 chén chè, dĩa xôi và không thể thiếu nải chuối. Và để mong cho em bé sau này đi thuyền, đi xe không bị say, người Huế múc một chậu nước dưới sông, hồ hoặc biển đưa lên, bỏ cạnh giường em bé và nướng một cái đinh to rồi thả vào chậu nước cho nó kêu cái “xèo”. Theo bà Hiếu, phong tục cúng Mụ với những lễ vật này được người xưa truyền lại cho con cháu, tục thế nào thì giữ thế ấy. Và bài khấn của bà có câu: “Lạy 3 bà 12 Mụ, mong cho cháu ăn ầm ầm, ngủ ì ì, sức dài vai rộng, ăn chơi mạnh khỏe”. Người Huế còn có tục đưa hai đồng xu xin keo đặt tên cho em bé. Người nhà phải chọn vài cái tên, tên không được trùng với những người trong gia tộc đã khuất. Khi tung hai đồng xu xin keo, nếu không được thì người cúng phải xin vài lần đến khi nào được thì “chốt” tên em bé.

Nhiều bà mẹ trẻ hiện nay có thể sống xa quê, xa cha mẹ, khi sinh con chỉ có hai vợ chồng và người giữ em bé được thuê, nên lễ cúng bà Mụ được các chị tìm hiểu trên mạng Internet. Chị Lê Thị Duyên (quê Nam Định, ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cho biết, ngày đầy tháng em bé khi chị sinh con cách đây gần 4 năm, chị lên mạng tìm hiểu cách thức cúng mụ rồi làm theo. Nhưng chị đơn giản nhiều thứ vì không có thời gian đi mua sắm, chỉ cúng xôi chè, áo giấy, trái cây, bình hoa và lòng thành của mình. “Sau khi bày lễ xong, chồng em bế em bé, thắp 3 nén hương và khấn theo bài khấn cúng Mụ. Bài khấn này em cũng lấy trên mạng xuống, bắt đầu bằng việc kính cẩn xưng danh các bà Mụ, thần phật; ngày tháng cúng; tên 2 vợ chồng và tên đứa con là trung tâm của lễ cúng, nơi ở của gia đình; lý do cúng; bày tỏ lòng biết ơn công lao của các bà Mụ và cuối cùng là lời cầu mong các bà phù hộ, độ trì. Em thấy dù lễ vật gì thì cũng phải có lòng thành và em bé nào cũng cần được nuôi dạy kỹ thì trưởng thành mới làm người tốt, giỏi được”, chị Duyên cho biết.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.