Bác Hồ với vấn đề giải phóng phụ nữ

.

Sinh thời Bác Hồ rất quan tâm đến vấn đề giải phóng phụ nữ. Trước hết là vì với một lãnh tụ cách mạng vô sản như Bác, phụ nữ là một nửa thế giới này: “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội một nửa” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 3, trang 523). Có điều nói “phân nửa xã hội” là mới đề cập về mặt số lượng. Bác Hồ quan tâm đến vấn đề giải phóng phụ nữ còn bởi Bác nhận thức sâu sắc rằng đây là một lực lượng cách mạng to lớn không chỉ trong công cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc mà còn trong công cuộc lao động xây dựng đất nước mạnh giàu.

Hồ Chủ tịch nói chuyện thân mật với các đại biểu nữ dự Đại hội Thi đua Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước toàn miền Bắc (tháng 1-1967). (Ảnh tư liệu TTXVN)
Hồ Chủ tịch nói chuyện thân mật với các đại biểu nữ dự Đại hội Thi đua Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước toàn miền Bắc (tháng 1-1967). (Ảnh tư liệu TTXVN)

Nhìn sâu vào lịch sử chống ngoại xâm của người Việt, Bác Hồ ghi nhận vai trò quan trọng của nữ giới: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc cứu dân cho đến nay, mỗi khi nước nhà gặp nguy nan thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc” (Hồ Chí Minh: Sách đã dẫn, trang 148), nhất là trong sự nghiệp giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự đóng góp của phụ nữ theo Bác là rất đáng kể: “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công” (Hồ Chí Minh: Sách đã dẫn, trang 289). Đồng thời Bác Hồ cũng ghi nhận công lao của nữ giới Việt Nam trong lịch sử dựng nước hàng nghìn năm qua: “Non sông gấm vóc nước Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp rực rỡ” (Hồ Chí Minh: Sách đã dẫn, trang 432), khẳng định đây là một lực lượng lao động dồi dào: “Phải đặc biệt chú ý đến sức lao động của phụ nữ. Phụ nữ là đội quân lao động rất đông” (Hồ Chí Minh: Sách đã dẫn, trang 194).

Là một nhà chính trị lỗi lạc tầm cỡ quốc tế, Bác Hồ luôn quan niệm cần phải luật hóa ý tưởng về giải phóng phụ nữ. Có như vậy thì ý tưởng về giải phóng phụ nữ mới có hành lang pháp lý để được thực thi một cách hiệu quả trong thực tế. Không phải ngẫu nhiên mà Chánh cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt của Đảng (còn gọi là Cương lĩnh 1930) do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo đã nêu rõ: A- Về phương diện xã hội thì: a) Dân chúng được tự do tổ chức; b) Nam nữ bình quyền; c) Phổ thông giáo dục theo công nông hóa. Nam nữ bình quyền/bình đẳng nam nữ - một vấn đề xã hội quan trọng nêu trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng - chính là điều kiện căn bản để giải phóng phụ nữ. Khi Luật Hôn nhân và gia đình được Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa I, kỳ họp thứ 11, thông qua vào ngày 29 tháng 12 năm 1959, Bác Hồ đã đánh giá rất cao đạo luật này: “Luật Hôn nhân và gia đình có quan hệ mật thiết đến mọi người dân trong nước, đến cả nòi giống Việt Nam ta. Đạo luật ấy làm cho gái trai thật sự bình đẳng, gia đình thật sự hạnh phúc” (Hồ Chủ tịch với vấn đề giải phóng phụ nữ, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, 1970, trang 21). Sau khi Bác Hồ qua đời, Luật Hôn nhân và gia đình 1959 đã nhiều lần được sửa đổi bổ sung nhưng tất cả đều nhằm thể hiện rõ hơn ý tưởng về giải phóng phụ nữ của Người nêu trong Cương lĩnh 1930 (Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VII, kỳ họp thứ 12, thông qua Luật Hôn nhân và gia đình 1986 vào ngày 29 tháng 12 cùng năm; Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 7 thông qua Luật Hôn nhân và gia đình 2000 vào ngày 9 tháng 6 cùng năm; Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7, thông qua Luật Hôn nhân và gia đình 2014 vào ngày 19 tháng 6 cùng năm). Đó là chưa kể Luật Bình đẳng giới đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 10, thông qua vào ngày 29 tháng 11 năm 2006 càng thể hiện rõ tư tưởng nam nữ bình quyền/bình đẳng nam nữ của Bác.

Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về nam nữ bình quyền/bình đẳng nam nữ, còn có thể thấy Bác Hồ thường nhấn mạnh vấn đề phụ nữ tham chính - hiểu theo nghĩa trực tiếp tham gia quá trình ra quyết định về mọi mặt đời sống xã hội. Bác khẳng định: “Có so sánh hoàn cảnh phụ nữ ta bây giờ với hoàn cảnh phụ nữ ta trước khi giải phóng (tức trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - BVT), chúng ta mới thấy rõ, từ ngày nước ta được giải phóng đến nay, phụ nữ đều tiến bộ rõ rệt về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhưng một trong những tiến bộ rõ rệt nhất là phụ nữ ta hiện nay tham gia chính quyền ngày càng nhiều. Thời kỳ thuộc Pháp, phụ nữ làm gì được tham gia chính quyền” (Hồ Chí Minh: Sách đã dẫn, tập 10, trang 184). Thực vậy, ngay từ Quốc hội khóa I năm 1946, đã có 10 nữ đại biểu Quốc hội: [1] Nguyễn Thị Thục Viên (Hà Nội), [2] Vũ Thị Khôi/Phan Thị Thục (Bắc Ninh), [3] Trương Thị Mỹ (Hà Đông), [4] Bùi Thị Diệm/Lê Phương (Hải Dương), [5] Cao Thị Khương (Hưng Yên), [6] Tôn Thị Quế (Nghệ An), [7] Lê Thị Xuyến (Quảng Nam), [8] Trịnh Thị Miếng (Gia Định), [9] Nguyễn Thị Thập/Nguyễn Thị Ngọc Tốt (Mỹ Tho), [10] Ngô Thị Huệ (Bạc Liêu), và tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội các khóa sau không ngừng tăng lên. Đặc biệt từ năm 1987 đã có Phó Chủ tịch nước là nữ - bà Nguyễn Thị Định; từ Quốc hội khóa III đã có một Phó Chủ tịch Quốc hội là nữ - bà Nguyễn Thị Thập; từ Bộ Chính trị khóa VIII đã có một ủy viên Bộ Chính trị là nữ - bà Nguyễn Thị Xuân Mỹ; từ Ban Bí thư Trung ương khóa VII đã có một ủy viên Ban Bí thư là nữ - bà Trương Mỹ Hoa…

Tuy nhiên Bác Hồ luôn hình dung sự nghiệp giải phóng phụ nữ nói chung, vấn đề nam nữ bình quyền/bình đẳng nam nữ nói riêng là một đại sự không hề đơn giản. Bác từng nhắc nhở: “Nhiều người lầm tưởng đó là một việc dễ, chỉ hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát thế là bình đẳng, bình quyền. Lầm to! Đó là một cuộc cách mạng to và khó” (Chủ tịch Hồ Chí Minh với vấn đề giải phóng phụ nữ, sách đã dẫn, trang 51). “To và khó” bởi cuộc cách mạng này đòi hỏi tất cả chúng ta - nam cũng như nữ - phải vượt qua những tư duy tuy đã lỗi thời nhưng vẫn còn rất quen thuộc. Chính vì thế, Bác Hồ cho rằng ngoài việc “đào tạo lại thế hệ người lớn tuổi hiện nay là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là đào tạo thế hệ trẻ, bởi vì chính thế hệ trẻ (có lẽ phải vài ba thế hệ kế tiếp nhau) mới có khả năng vượt qua những định kiến do lịch sử để lại, rằng việc làm quan là việc của đàn ông, còn việc nội trợ là việc của đàn bà”, còn phải hết sức coi trọng sức mạnh tự thân của phụ nữ trong cuộc cách mạng “to và khó” ấy: “Bản thân phụ nữ thì phải đấu tranh tự cường tự lập để giữ lấy lợi quyền của mình” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13, trang 524), hoặc “Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ” (Hồ Chí Minh: Sách đã dẫn, tập 15, trang 617)…

Bùi Văn Tiếng

;
.
.
.
.
.