Bảo vệ trẻ bằng luật

.

Trong thời gian qua, nhiều nơi trên cả nước rộ lên các vụ xâm hại trẻ em một cách nghiêm trọng gây nhức nhối dư luận xã hội. Các hành vi bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em,... đã gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm và để lại hậu quả nặng nề cho các em, gia đình và xã hội.

Bộ luật Hình sự 2015 sẽ kịp thời được điều chỉnh những bất cập, tăng cường mức án để răn đe, ngăn ngừa tội phạm và bảo vệ trẻ em trước các hành vi xâm hại của kẻ xấu. Ảnh: V.T.L
Bộ luật Hình sự 2015 sẽ kịp thời được điều chỉnh những bất cập, tăng cường mức án để răn đe, ngăn ngừa tội phạm và bảo vệ trẻ em trước các hành vi xâm hại của kẻ xấu. Ảnh: V.T.L

Tại Đà Nẵng, theo số liệu của Tòa án Nhân dân (TAND) thành phố, từ 1-10-2015 đến 30-9-2016 chỉ có 4 vụ án xâm hại trẻ em với 4 bị cáo. Thế nhưng, từ 1-10-2016 đến 30-4-2017, toàn thành phố có đến 10 vụ với 10 bị cáo mang tội danh này. Các chuyên gia cho rằng, con số nói trên còn khá nhỏ so với các vụ lạm dụng tình dục, xâm hại trẻ em xảy ra trên thực tế. Bởi lẽ, khi biết con mình bị xâm hại, nhiều gia đình đã chọn giải pháp che giấu, bỏ qua để giúp trẻ quên, hoặc để gia đình khỏi mang tai tiếng.

Một lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng cho rằng đó không phải là giải pháp đúng đắn, mà gia đình cần thực hiện một số việc để giúp con em mình vượt qua cú sốc. Trước hết, gia đình phải kiềm chế cảm xúc đau đớn, giận dữ để trấn an, nhẹ nhàng nói chuyện với trẻ, kiểm tra các tổn thương trên thân thể của con (nếu có), sau đó đưa con đến cơ sở y tế để khám sức khỏe toàn diện. Cùng với đó, cha mẹ nên dành nhiều thời gian để giúp con mau chóng quên đi ám ảnh và sợ hãi của vụ xâm hại, tuyệt đối không nhắc lại vụ việc đã qua; dặn dò con kỹ lưỡng về các nguyên tắc để phòng tránh việc bị người khác xâm hại thêm một lần nữa. Điều quan trọng là cha mẹ nên mang các giấy tờ giám định thương tổn thể chất lẫn tinh thần của con đến cơ quan công an để tố cáo kẻ xâm hại, không nên vì sĩ diện, tai tiếng mà che giấu sự việc. Cha mẹ cũng hạn chế tối đa việc chia sẻ thông tin chuyện trẻ bị xâm hại cho những người không liên quan.

Bên cạnh việc xử lý đó, các bậc phụ huynh cần tìm hiểu thông tin về luật để bảo vệ con em mình một cách hợp pháp. Theo đó, Luật Trẻ em được ban hành năm 2016 (có hiệu lực ngày 1-6-2017) có những nội dung được sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện nhằm thay Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Cùng với đó là những nội dung liên quan trong dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 sẽ được Quốc hội khóa XIV thảo luận, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 3 này.

Tuy nhiên, theo Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ Thành Nhân (Đà Nẵng), Luật Trẻ em đã quy định khá chi tiết quyền của trẻ em, nhưng dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 – bản dự thảo ngày 28-3-2017) và các luật khác có liên quan vẫn còn có những “khoảng trống” cần phải sửa đổi, bổ sung các quy định một cách đồng bộ và tăng mức hình phạt. Đơn cử, Điều 4, Khoản 8 của Luật Trẻ em quy định: “Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức”. Nhưng dự án sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự 2015, Điều 142, Khoản 1, điểm a lại quy định: “Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ”. Cụm từ “trái ý muốn của họ” là không phù hợp với Luật Trẻ em và đã tạo kẽ hở để có thể lách cho kẻ phạm tội xâm hại trẻ em. Vì, trái ý muốn thì phạm tội, còn đúng ý muốn thì như thế nào?

Một ví dụ khác, tại Khoản 4, Điều 112, Bộ luật Hình sự 1999 quy định tội hiếp dâm trẻ em: “Mọi trường hợp giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm trẻ em và người phạm tội bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình”. Nội dung này được chuyển thành Khoản 1, Điều 142, dự án sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự 2015 với tội danh hiếp dâm người dưới 16 tuổi và chỉ bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Ông Đặng Ánh, Phó Chánh án TAND thành phố Đà Nẵng cho rằng như thế là không đủ tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm, khi mà tình hình tội phạm “hiếp dâm trẻ em” ngày càng phức tạp, làm mất an ninh trật tự, gây xôn xao dư luận.

Theo luật sư Đỗ Thành Nhân, Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em (Khoản 1, Khoản 2 - Điều 16) và Luật Trẻ em 2016 (Khoản 1, Khoản - Điều 21) đều quy định Quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em. Luật Báo chí (Điều 10) và Nghị định số 02/2011/NĐ-CP (Điều 7) quy định xử phạt vi phạm các quy định về nội dung thông tin. Đây là cơ sở pháp lý để khẳng định rằng, Nhà nước ta rất quan tâm đến bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em, nhưng thời gian qua một số báo chí, trang mạng xã hội vô tình dưới nhiều hình thức đã chưa làm tốt việc “đảm bảo quyền riêng tư của trẻ em”.

Vì vậy, Nhà nước cần hoàn thiện, đồng bộ các quy định của pháp luật để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước bằng pháp luật; từ đó tăng tính phòng ngừa, răn đe để thực sự đóng vai trò chủ đạo trong việc bảo vệ trẻ em.

Nếu trẻ có các dấu hiệu tâm lý bất ổn, cha mẹ cần đưa con đến các trung tâm tư vấn tâm lý, trị liệu tâm lý dành cho trẻ em, cụ thể là Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội thành phố Đà Nẵng (64 Đống Đa, điện thoại 0236.3818787). Trên địa bàn huyện Hòa Vang, khi phát hiện trẻ bị xâm hại, bạo hành ngược đãi hãy gọi 2 số điện thoại miễn phí 0236.3629679 hoặc 1800.1567 (Văn phòng Tư vấn hỗ trợ trẻ em huyện Hòa Vang)

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.