Dạy trẻ phòng thân

.

Sợ con là nạn nhân của những kẻ ấu dâm, xâm hại tình dục, các bậc phụ huynh ngày càng ý thức hơn trong việc dạy trẻ những kỹ năng để phòng vệ bản thân.

Ngày càng có nhiều trẻ em gái theo học các lớp học võ thuật để rèn luyện sức khỏe và phòng thân.
Ngày càng có nhiều trẻ em gái theo học các lớp học võ thuật để rèn luyện sức khỏe và phòng thân.

Cha mẹ tự trang bị kiến thức

Tôi còn nhớ, chừng chục năm về trước, khi mà mạng xã hội, thông tin báo chí chưa phổ biến như bây giờ thì chỉ những bậc cha mẹ có con gái đương tuổi trăng rằm mới lo lắng, bất an mỗi khi con gái ra khỏi nhà. Nhà tôi có 3 cô con gái, thi thoảng, tôi vẫn nghe có người quen “dèm” với mẹ: Dạy con cho kỹ kẻo nó “vác cái bụng” về thì khổ! Hôm rồi về nhà ăn cơm với mẹ, đúng lúc ti-vi đang có chương trình về “Quấy rối tình dục trẻ em”, mẹ buông đũa chép miệng: “Ngày xưa có con gái 16-17 tuổi trong nhà thì như “bom nổ chậm”. Giờ chừ tụi con nít 3-4 tuổi là cha mẹ đã lo ngay ngáy, mà không những lo cho bé gái, bé trai cũng lo không kém. Thiệt tuổi thơ của tụi nhỏ sao mà đầy bất trắc, rủi ro…”.

Mới đây, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đưa ra con số thống kê, vào năm 2016, cả nước có 1.211 trẻ em bị xâm hại. Còn Bộ Y tế cho biết mỗi năm giám định khoảng 2.000 vụ xâm hại, trong đó trẻ vị thành niên chiếm 1/3. Con số gióng lên hồi chuông về trẻ bị xâm hại tình dục (XHTD) ngày càng nhỏ về độ tuổi.

Ngày trước, cha mẹ dù có lo lắng cho con đến mấy cũng chỉ dừng lại ở những… dặn dò: “Khôn nhờ, dại chịu”. Những cô gái 16-17 tuổi thời ấy ít nhiều “thấm” được những lời dạy, nhưng chắc chắn, với trẻ nhỏ dưới 10 tuổi, dặn dò là điều không bao giờ đủ. Chị M.V.T. Trâm (đường Lương Thế Vinh, quận Sơn Trà) thừa nhận, chị chỉ mới thay đổi nhận thức về giáo dục giới tính cho bé trong thời gian gần đây, khi mà các vụ việc XHTD trẻ em liên tiếp xảy ra. Trước đây chị khá chủ quan, nghĩ con còn bé bỏng không nên bày vẽ sớm sẽ làm trẻ mất sự hồn nhiên. Hiện tại, chị cũng học theo các bà mẹ trên mạng xã hội bày trẻ nhớ số điện thoại của ba mẹ, dặn dò không cho ai sờ vào người, ai mà đụng vào người thì về nói với mẹ. Buổi tối trước khi đi ngủ, chị luôn dành thời gian thủ thỉ chuyện trò với con những việc xảy ra trong ngày. Tuy vậy, chị vẫn không yên tâm vì bé mới 4 tuổi, những gì mẹ dặn, dễ gì bé nhớ hết. “Hiện tại, dù con còn bé nhưng tôi đang tập cho con ngủ riêng. Tôi cũng chú ý hơn đến trang phục của bé. Không mặc cho bé những chiếc đầm ngắn, áo hở bụng, bày con cách ngồi khép chân lại để không khơi dậy ý muốn xấu của người khác, đặc biệt là tuyệt đối không ngồi vào lòng người lớn”, chị Trâm chia sẻ.

Trong điều kiện ở Đà Nẵng chưa có nhiều lớp dạy kỹ năng bảo vệ trẻ tránh bị XHTD thì việc tự tìm hiểu kiến thức, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc trẻ trên Internet là cách mà nhiều bà mẹ lựa chọn. Chị L.T.A.Thư (đường Phan Thanh, quận Thanh Khê) chia sẻ, những lúc rảnh rỗi, chị đều lên mạng tìm đọc những bài viết của chuyên gia, những bà mẹ nổi tiếng… bất cứ nguồn nào có liên quan đến nuôi dạy, bảo vệ trẻ em… để học hỏi. Từ đó, chị rút ra nhiều kinh nghiệm cho bản thân mình.

“Tôi luôn luôn dặn con, các bộ phận riêng tư trên cơ thể là của riêng con, không ai được phép sờ, chạm vào hay yêu cầu con sờ, chạm vào bộ phận riêng tư của họ. Thứ hai, nạn nhân thường không kể chuyện đã xảy ra vì sợ gặp rắc rối. Đây chính là điểm yếu tội phạm ấu dâm nắm được để đe dọa các bé. Thế nên, mẹ phải chủ động nói trước với con: “Con sẽ không bao giờ gặp rắc rối gì nếu kể tất cả cho mẹ nghe” để trẻ yên tâm kể lại sự việc mà không cảm thấy sợ sệt. Người mẹ cũng phải giúp con nhận thức rõ rằng “Dù là ai (thầy cô, bạn bè, họ hàng…), việc họ yêu cầu con giữ bí mật về việc xảy ra liên quan tới các bộ phận riêng tư trên cơ thể con là không đúng. Thứ ba, mỗi tối rảnh rỗi, tôi lại cùng bé lại “diễn tập” những tình huống giả định (cái này rất thiết thực vì trẻ thường hay “nhớ trước quên sau” những gì cha mẹ chỉ dạy cho chúng). Cách này giúp con hình thành kỹ năng phòng vệ một cách nhanh nhạy và thoát khỏi nguy cơ bị xâm hại. Trong những tình huống giả định, mẹ nên hướng dẫn bé kỹ năng thoát hiểm bằng những động tác dễ thực hiện như chạy, vặn tay, ấn vào mắt, cắn vào kẻ xấu, hoặc cố gắng la hét thật to để mọi người xung quanh biết và can thiệp.  Trong trường hợp không có ai xung quanh cứu, thì bày trẻ cách “đánh lạc hướng” kẻ xấu, như nói “cháu muốn đi vệ sinh”, rồi sau đó tìm cách thoát chạy”, chị
Thư nói.

Đã đến lúc phải hành động

Đứng trước nhiều chia sẻ về kinh nghiệm bảo vệ, dạy trẻ phòng thân trên mạng Internet, nhiều bậc phụ huynh khá bối rối. Chị Đ.T.Hoa (đường Nguyễn Văn Thoại, quận Ngũ Hành Sơn) cho rằng, không chỉ bày trẻ cảnh giác với người lạ, cha mẹ nên bày trẻ cả cách ứng phó với người quen. “Không phải mất niềm tin nhưng phải đề phòng tất cả từ hàng xóm đến họ hàng thân thích”, chị Hoa nói. Cách làm của chị là cho con đi học võ, vừa để rèn luyện sức khỏe, vừa để tự vệ khi gặp tình huống xấu. Có lẽ, đây là phương án hiện tại đang nhận được sự ủng hộ của nhiều bậc phụ huynh.

Một trung tâm dạy võ (nằm trong khuôn viên Trường THPT Phan Châu Trinh), có số lượng trẻ ở độ tuổi nhi đồng, thiếu niên đang theo học khá đông. Thầy Võ Đình Lưu (võ sư Karaté tại trung tâm) cho biết, một vài năm trở lại đây, số lượng trẻ em gái đi học võ tăng đột biến, chiếm đến 40% tổng số học viên. Các lớp dạy võ vì thế cũng tăng lên. Chỉ tính riêng bộ môn Karaté đã có hơn 30 điểm dạy. Nhận thấy vấn đề XHTD trẻ em đang “nóng” lên trong thời gian gần đây nên trong mỗi buổi học, thầy luôn chia sẻ các câu chuyện (mà báo chí đã thông tin), đưa ra những trường hợp, tình huống giả định để các em có thêm kiến thức cũng như dạy trẻ cách phòng tránh.

Anh Nguyễn Bá Duân, Bí thư Huyện Đoàn Hòa Vang cho biết, từ tháng 6-2017, đội ngũ Bí thư, Phó Bí thư Đoàn 11 xã và Bí thư 119 Chi đoàn thôn bắt đầu được tập huấn về công tác phòng chống xâm hại trẻ em. Trên cơ sở đó, các thành viên được tập huấn sẽ tuyên truyền đến các em học sinh trong những buổi sinh hoạt hè tại địa phương. Huyện Đoàn cũng đã chỉ đạo cho Hội đồng Đội huyện có kế hoạch triển khai đến 30 Liên đội trường THCS và tiểu học trên địa bàn huyện về đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống xâm hại trẻ em. Đến nay đã có 2 xã (Hòa Khương, Hòa Phước) có kế hoạch tổ chức tập huấn, tuyên truyền về kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em và phòng chống tai nạn thương tích cho các em học sinh trong dịp hè.

Chị Lê Thị Thu Hường, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ quận Cẩm Lệ cho biết, dù trên địa bàn quận Cẩm Lệ chưa có vụ việc XHTD trẻ em nào nhưng xác định đây là vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện nay, với trách nhiệm của Hội Phụ nữ, trong thời gian qua Hội đã triển khai cho Hội cơ sở tổ chức tuyên truyền trong hội viên về những kiến thức và cách thức xử lý khi trẻ bị xâm hại. Trong thời gian đến, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong hội viên phụ nữ, trong sinh hoạt các mô hình CLB...

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.