Điều khiển trâu đi cày

* Khi trâu xuống đồng đi cày, tôi nghe người nông dân nói với trâu câu gì đó và trâu ngoan ngoãn làm theo. Xin cho hỏi đó là những câu gì. (Hà Minh, Hải Châu, Đà Nẵng).

- Con trâu được cho là đầu cơ nghiệp nhà nông, đồng hành với nông dân hằng bao đời nay. Người và trâu có một “ngôn ngữ” riêng để “giao tiếp” với nhau trong môi trường làm việc “trên đồng cạn dưới đồng sâu”.

Ông Nguyễn Minh Trí, Chánh Thanh tra huyện Hòa Vang, từng theo cha mình đi cày, cho biết ở vùng quê ông, khi nói “hò rì” là bảo trâu/bò rẽ trái, “hò tắt” là rẽ phải; cũng có nơi nói gọn thành “dí” (rẽ trái), “thá” (rẽ phải); “hò” là dừng lại. Trâu/bò hiểu tiếng người, mỗi khi nghe “người bạn” của mình nói gì là làm theo ngay. Tuy nhiên, cũng có nơi đọc trại thành “họ”, “vắt” như câu chuyện dưới đây, tham khảo theo bài “Ngày Tết giải trí với Truyện Kiều” đăng trên Tạp chí Phổ thông (Sài Gòn, 1961) và “Thiên hạ nhân...” đăng trên Báo Bình Phước ngày 3-12-2016.

Anh thư sinh nọ ở phố về nông thôn chơi Tết. Khi đi qua một bãi cỏ, thấy mấy cô thôn nữ vừa chăn bò vừa cười đùa rất hồn nhiên, chàng ta lân la tán chuyện làm quen. Một cô bỗng buột miệng ngâm: Trông chừng thấy một văn nhân...

Vốn là tay hay chữ, mê Kiều, thấy có “em gái miền quê” khen thế chàng hãnh diện lắm, vội sửa lại bộ cánh, chờ nghe nốt câu sau.

Chợt một cô khác cất giọng ngâm tiếp: ... Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao.

Tưởng các em coi mình là Kim Trọng, té ra họ chỉ xếp mình vào hạng... Mã Giám Sinh, chàng vừa thẹn vừa bực. Nhưng nhận thấy các cô động đến thơ Kiều là cái món sở trường của mình nên chàng có ý coi thường các cô, bèn lên mặt hỏi: Truyện Kiều các cô thuộc được bao lăm mà cũng dám khoe?

Bị xem khinh, một cô nhanh nhảu nói mát: Vâng, chúng em quê mùa đâu có thuộc Kiều bằng anh. Còn anh giỏi Kiều thì hãy đọc một câu để bảo con bò kia đứng lại cho chúng em biết tài với!

Chàng thư sinh nghe nói thế bỗng chột dạ, Kiều thì thuộc như cháo nhưng có biết dùng Kiều để... điều khiển bò bao giờ đâu. Nhưng rồi anh ta cũng đánh liều đọc: Tần ngần đứng suốt giờ lâu/ Dạo quanh chợt thấy mái sau có nhà.

Chàng ta đọc rõ to từ đứng trong câu thơ, nhưng con bò vẫn chẳng hiểu mô tê gì, cứ khoan thai đếm bước. Các cô đều cười ầm lên. Tưởng bò chưa nghe rõ, chàng lại đọc một câu khác: Trong vòng tên đạn bời bời/ Thấy Từ còn đứng giữa trời trơ trơ.

Mặc dù từ đứng lại được chàng gân cổ thét vang nhưng bò nhà ta vẫn “bỏ ngoài tai”. Chàng bó tay, chết đứng như Từ Hải. Các cô rũ ra cười, xong một cô đọc: Họ Chung có kẻ lại già/ Cũng trong nha dịch lại là từ tâm.

Từ họ được cô nhấn mạnh to và dài, quả nhiên con bò ngoan ngoãn đứng lại ngay. Một cô lại thách tiếp: Bây giờ anh hãy đọc một câu cho con bò đi rẽ sang phải xem nào?
Chàng thư sinh chẳng cần nghĩ ngợi, đọc luôn: Nàng rằng phận gái chữ tòng/ Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi.

Chàng đọc thật to và nhấn mạnh cả hai tiếng đi, con bò nghe thấy bước đi ngay, song nó lại đủng đỉnh đi thẳng chứ không chịu rẽ sang phải. Chàng nhớ ra một câu khác, dõng dạc đọc: Quyết tình nàng mới hạ tình/ Rẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha.

Anh nhấn mạnh và kéo dài tiếng rẽ. Bò vẫn cứ đi thẳng. Các cô ôm bụng cười như nắc nẻ. Chàng thư sinh ngượng quá, chỉ muốn được độn thổ cho xong. Bấy giờ một cô trong bọn thong thả đọc: Một vùng cỏ mọc xanh rì/ Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu.

Cô nhấn mạnh tiếng vắt, quả nhiên con bò ngoan ngoãn rẽ sang phải ngay.

Thế là chàng thư sinh phố thị hết lên mặt hợm hĩnh về cái vốn Kiều của mình, vội vã nói mấy câu đánh trống lảng rồi... chuồn thẳng.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.