Đồng hành, sẻ chia những nỗi đau

.

Những vết thương lòng có lẽ sẽ chẳng bao giờ lành lặn với những trẻ và gia đình có trẻ bị xâm hại. Song, những bàn tay ấm áp từ cộng đồng, sự lên tiếng kịp thời của công lý sẽ khiến những nỗi đau dịu lại, đồng thời, sẽ góp phần ngăn chặn sự tái diễn những câu chuyện đau lòng.

Truyền thông phòng chống mua bán và xâm hại tình dục trẻ em ở Trường tiểu học Hòa Ninh, Hòa Vang. (Ảnh do Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em thành phố cung cấp)
Truyền thông phòng chống mua bán và xâm hại tình dục trẻ em ở Trường tiểu học Hòa Ninh, Hòa Vang. (Ảnh do Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em thành phố cung cấp)

Những vết thương không bao giờ lành

Theo chuyên viên tư vấn, tham vấn tâm lý trẻ em và phụ huynh – Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng Đỗ Thị Lam, trẻ ở bất kỳ độ tuổi nào cũng có nguy cơ bị xâm hại. Tiếp nhận tại trung tâm có trường hợp 9 - 12 tuổi, thậm chí 5 - 6 tuổi. Đau đớn, tức giận, căm phẫn, vô cùng lo lắng cho sức khỏe, tâm lý của con em mình là điểm chung của các bậc phụ huynh có trẻ bị xâm hại. Riêng đối với các trẻ từng bị xâm hại, việc tiếp xúc, trò chuyện với các bé rất khó khăn do phải trải qua nỗi sợ hãi quá lớn. Nếu không có sự can thiệp khẩn cấp, các bé dễ bị thương tật vĩnh viễn về tinh thần, thể chất, do hệ quả của sang chấn tâm lý.

Bà Trần Thị Ánh, Phó Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) - người đã từng dẫn hai em bị xâm hại tình dục đến gõ cửa cơ quan chức năng - không thể nào quên được ánh mắt thất thần, tuyệt vọng của người mẹ hai đứa trẻ bị xâm hại ngày ấy. Chuyện đã qua lâu rồi, hiện tại, hai em đều đã định cư ở nước ngoài nhưng mỗi lần nhớ lại, bà Ánh vẫn thấy buốt tim. Điều duy nhất hiện bà có thể làm được cho hai em và gia đình là giữ lời hứa không nhắc, không gợi lại nỗi đau của họ dưới mọi hình thức. Vì vậy, mặc chúng tôi gặng hỏi, giải thích động cơ, hứa giữ bí mật danh tính bị hại, bà Ánh chỉ trầm tư lắc đầu: “Tôi không thể làm họ tổn thương thêm lần nữa. Điều chúng ta cần làm bây giờ là hành động để đẩy lùi nạn xâm hại nhức nhối này”, bà Ánh nói.

Qua thống kê các nguồn (Công an, Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em, Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng…), mỗi năm, trên địa bàn Đà Nẵng có khoảng vài ba vụ xâm hại trẻ em bị phát hiện, xử lý. Tuy nhiên, có khá nhiều trẻ được xếp trong diện có nguy cơ bị xâm hại. Các trường hợp trẻ bị xâm hại và có nguy cơ bị xâm hại thường có hoàn cảnh éo le, đặc biệt như cha mẹ ly hôn, sống với ông, bà, hoặc cha mẹ lo mưu sinh, lơ là trong việc chăm sóc, bảo vệ con em… “Các em vốn đã có hoàn cảnh rất đáng thương, một khi bị xâm hại, tuổi thơ bị đánh cắp, nghe càng xót xa, thương cảm…”, bà Lê Thị Tám, Chủ tịch Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em thành phố xót xa.

Đồng cảm là chưa đủ

Nén lại nỗi đau, điều gia đình và các trẻ bị xâm hại thực sự cần là các vụ việc được đưa ra ánh sáng, kẻ ác bị trừng trị nghiêm minh, chứ không chỉ một nơi trút bầu tâm sự. Theo thống kê, trên cả nước, hiện mỗi trẻ hiện có đến 15 cơ quan bảo vệ nhưng có một thực tế nghịch lý là, khi bị xâm hại thì không biết kêu ai. Thiết nghĩ, không phải gia đình và trẻ không biết kêu ai mà vì các vụ việc dù các gia đình bị hại đã vượt qua nhiều rào cản tâm lý để đưa đi thưa kiện, cầu cứu các cơ quan có thẩm quyền xử lý, nhưng thường chậm được giải quyết, hoặc xử lý không đến nơi đến chốn.

Ở Đà Nẵng, theo đánh giá của ông Trần Công Nguyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội thành phố, thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được các cấp chính quyền thành phố quan tâm đặc biệt và đã được những kết quả tương đối tốt.

Tuy nhiên vấn đề xâm hại trẻ em nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng đang là vấn đề bức xúc. Việc xâm hại tình dục trẻ em có thể xảy ra ở gia đình, nhà trường và ngoài cộng đồng. Vì vậy, công tác bảo vệ trẻ em không phải là nhiệm vụ của một đơn vị, một ngành nào mà là trách nhiệm của toàn xã hội.

Tại Đà Nẵng, các cấp Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em có ở khắp 56 xã, phường, 7 quận, huyện; 56 xã, phường, các quận, huyện đều có cán bộ chuyên trách trẻ em; UBND xã, phường, quận, huyện, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, cơ quan công an các cấp, ngành lao động - thương binh và xã hội các cấp… đều có chức năng tiếp nhận, giúp đỡ, xử lý các vụ việc trẻ bị xâm hại.

Trẻ em và gia đình có trẻ bị xâm hại đều có thể gõ cửa ở bất cứ cơ quan nào nơi gần nhất để xin giúp đỡ, giải quyết. Hai năm nay, Đà Nẵng còn thiết lập đường dây nóng 18001046 có chức năng tiếp nhận, tư vấn các vấn đề về trẻ em, trong đó có vấn đề trẻ bị xâm hại tại Trung tâm Dịch vụ công tác xã hội. Rõ ràng, khi trẻ gặp chuyện, bản thân trẻ và gia đình có thể cầu cứu rất nhiều nơi.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, tại thành phố đang hướng đến mục tiêu “Thành phố 4 an” này, thực trạng trẻ bị xâm hại “không biết kêu ai”, vẫn diễn ra đâu đó. Một cán bộ phụ trách công tác bảo vệ quyền trẻ em (xin giấu tên) kể, năm 2014, một em bé 11 tuổi bị người hàng xóm xâm hại đến 3 lần. Mẹ của bé đã báo lên phường, song vì thành tích, phường này đã để lại đơn trình báo của người mẹ, để đợi… nhận xong bằng khen, giấy khen! Rút cục, phải đến gần một năm sau, khi nhiều cấp ngành, hội vào cuộc, vụ việc mới được xử lý, thủ phạm bị xử án 12 năm tù giam.

Trong câu chuyện của những con người đồng cảm với nỗi đau của trẻ bị xâm hại - những cán bộ chuyên trách trẻ em, hội viên hội bảo vệ quyền trẻ em các cấp, vẫn có những lần, chính tay họ dẫn các trường hợp trẻ bị xâm hại đến các cấp có thẩm quyền xử lý, nhưng chỉ nhận được sự thờ ơ. Những nỗi đau chìm trong im lặng, quên lãng… Những lời an ủi, động viên, những chia sẻ, hỗ trợ về vật chất, tâm lý của cộng đồng, các tổ chức từ thiện rõ ràng là chưa đủ với trẻ, gia đình có trẻ bị xâm hại và công luận. Và những giải pháp dạy kỹ năng phòng vệ, tuyên truyền cũng vô ích nếu không song hành với sự nghiêm minh của luật pháp, hành động kịp thời của công lý!

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.