Ngọt ngào vị bánh quê hương

.

Lâu nay, người Đà Nẵng đã quen thuộc với thương hiệu bánh khô mè Cẩm Lệ, mà ít để ý rằng, Đà Nẵng còn có một số loại bánh kẹo đã âm thầm trở thành đặc sản, được nhiều người biết đến.

Giữa vô vàn kẹo bánh sang trọng khác, một số loại bánh kẹo có xuất xứ tại Đà Nẵng vẫn là món quà được nhiều người chọn lựa.
Giữa vô vàn kẹo bánh sang trọng khác, một số loại bánh kẹo có xuất xứ tại Đà Nẵng vẫn là món quà được nhiều người chọn lựa.

Bánh trái quê nhà

Ngay từ đầu ngõ nhà ông Võ Mùi, chủ cơ sở bánh Quê Hương (151/15 Hải Sơn, Đà Nẵng), đã nghe mùi thơm lừng ngọt ngào của nếp mới, của dừa và đậu xanh vừa rang.

Thấy khách đến nhà, ông chủ mang ngay hộp bánh “cây nhà lá vườn” ra mời, kèm câu mời: “Nghe mùi thơm rồi, giờ phải thưởng thức bánh mới trọn vị”. Những miếng bánh đậu xanh ươm vàng vừa có vị bùi béo của đậu, thanh thanh của đường, tan dần trên đầu lưỡi để lại vị ngọt hậu, đúng kiểu ăn một lần là nhớ mãi.

Gia đình ông Mùi theo nghiệp làm bánh ngót 20 năm. Thời kỳ đầu, ông chỉ làm bánh đậu xanh truyền thống. Theo thời gian, vừa làm vừa học hỏi, cải tiến, ông ra thêm sản phẩm bánh đậu xanh hạt sen, bánh đậu xanh nhân thịt, bánh dừa, bánh sầu riêng. Với những nguyên liệu từ đậu xanh, đường cát, vani, dừa trái... và quy trình cũng không mấy phức tạp nhưng theo ông Mùi, không “có nghề” thì mẻ bánh khó thành công.

“Đậu xanh bóc vỏ, ngâm qua đêm, hong chín, xay nhuyễn thành bột cùng đường. Với bánh dừa thì bào dừa vắt lấy nước, nấu với đường rồi đánh nhuyễn cùng bột. Sau khi chuẩn bị xong nguyên liệu thì bỏ vào khuôn, rồi in. In xong đem sấy. Mỗi mẻ bánh thường mất 2 ngày mới hoàn thành”, ông Mùi cho biết.

Thời kỳ đầu, gia đình ông làm bánh hoàn toàn bằng tay. Phải ngâm đậu, nhồi bột, nấu đường từ hôm trước, hôm sau nhồi đến mỏi nhừ tay cho tới bột rồi cắt thành miếng, sau đó trải bánh lên cái nắp bằng gang, bên dưới là lò than âm ỉ cháy cho hai mặt bánh vàng đều.

Có công phu và tỉ mỉ như vậy thì bánh sau khi ra lò mới thơm và có hương vị riêng. Vài năm trở lại đây, ông đã thay thế máy móc cho một số công đoạn, công việc có nhàn hơn nhưng vẫn đầy cẩn trọng. Bánh ra lò muốn đẹp, không bị vỡ, đòi hỏi người thợ phải nêm chặt tay, đè mạnh mới in được. Thông thường, đàn ông sẽ đảm nhiệm phần in bánh còn phụ nữ thì gói bánh bằng giấy kiếng. Hiện cơ sở của ông có 10 nhân công đang làm việc thường xuyên.

Ngoài bánh đậu xanh, bánh dừa, nhắc đến đặc sản bánh kẹo của Đà Nẵng là phải kể đến kẹo đậu phộng. Mỗi cái kẹo đậu phộng Đà Nẵng cũng có hình tròn bằng cái đĩa vừa, nhưng khác với kẹo Cu Đơ (Hà Tĩnh) thành phần chủ yếu là đậu phộng và mạch nha thì kẹo đậu phộng Đà Nẵng gồm đậu phộng, đường, mè trắng/mè đen, bánh tráng và một ít mạch nha.

Bà Nguyễn Thị Hương (chủ cơ sở sản xuất kẹo đậu Hoàng Chánh - 325 Hùng Vương, một trong những cơ sở làm kẹo đậu lâu đời nhất ở Đà Nẵng) nói rằng, thực sự, để làm ra mẻ kẹo đậu không khó. Chỉ cần tỉ mỉ lựa chọn những hạt tròn đều, vỏ mỏng và bóng, rang đậu vàng đều trên chảo nóng, chờ một lúc cho đậu nguội thì bóc vỏ bên ngoài, tách hạt làm đôi hoặc để nguyên hạt.

Công đoạn khó nhất là nấu nước đường. Nước đường phải được nấu cho tới thì kẹo mới bảo quản được lâu và không bị chảy nước. Món kẹo đậu phộng Đà Nẵng cuốn hút thực khách bởi hương thơm từ vừng, độ béo từ đậu phộng, ngọt ngào của đường, bánh tráng giòn tan hòa quyện vào nhau. Không bao bì cầu kỳ, kẹo đậu phộng Đà Nẵng được ưa thích bởi sự giản đơn, mộc mạc, kẹo ngọt vị tự nhiên, giàu chất dinh dưỡng lại không dùng bất cứ chất bảo quản nào.

Gắn bó với nghề làm kẹo đậu từ khi có chồng đến nay, hơn nửa đời người, hằng ngày đều nghe mùi thơm phức của đậu, của mè, bà Hương cho rằng, dù cuộc sống hiện đại tới đâu, bánh ngoại nhập các loại rẻ tới mức nào, thì thứ kẹo “quê mùa” này tuy mộc mạc, đơn giản nhưng vẫn luôn luôn có một chỗ đứng riêng.

Theo chân du khách bốn phương

Ông Võ Mùi cho biết, mỗi ngày cơ sở của ông làm ra hơn 100 bịch bánh với số lượng hơn 1.000 cái bánh các loại. Làm bánh quanh năm nhưng rộ nhất là mùa du lịch. Bánh của nhà ông được chia khắp các quầy ở chợ Hàn, chợ Cồn và một số siêu thị bán hàng đặc sản.

Chị Mai Hiệp (tiểu thương quầy bánh kẹo ở chợ Hàn), cho biết, ngoài đặc sản là hải sản tươi/khô, thì du khách đến chợ Hàn bao giờ cũng ghé quầy bánh kẹo để mua bánh đậu xanh, bánh khô mè, kẹo đậu về làm quà. Nhiều năm bán hàng ở chợ Hàn, chị để ý, du khách miền Bắc rất thích kẹo đậu, còn du khách miền Nam lại thích bánh đậu xanh, bánh dừa, bánh sầu riêng.

Sau nhiều năm nỗ lực đưa một số mặt hàng bánh kẹo trở thành đặc sản, không tính đến bánh khô mè Bà Liễu đã tạo được thương hiệu, các loại bánh của Đà Nẵng dù đảm bảo chất lượng nhưng về mẫu mã vẫn cần cải tiến thường xuyên. Bà Mai Nhạn, vợ ông Mùi nói rằng, gần 20 năm làm bánh, cơ sở nhà bà đã trải qua 5, 6 lần thay đổi mẫu mã cho phù hợp với thị trường. Hiện tại, các loại bánh của nhãn hiệu “Quê hương” đã vào được đến sân bay Đà Nẵng.

“Quy trình kiểm soát hàng vào sân bay rất khó khăn. Ngoài chất lượng bị kiểm tra chặt chẽ thì họ đòi hỏi mẫu mã sản phẩm phải đẹp. Do đó, chúng tôi không ngừng tìm hiểu, cải tiến bao bì. Một miếng bánh trước khi muốn người ta ăn thì bản thân nó phải đẹp để gây được sự chú ý”.

Còn cơ sở kẹo đậu Hoàng Chánh, tuy vẫn giữ bao bì là giấy kiếng đơn giản, nhưng từng miếng kẹo được gói riêng lẻ, dễ bán, dễ mua và quan trọng nhất là giúp kẹo bảo quản được lâu. Giữa vô vàn thứ kẹo bánh sang trọng khác ở Đà Nẵng, kẹo đậu phộng vẫn là một đặc sản được nhiều du khách cũng như những người dân Đà Nẵng chọn lựa.

Hiện tại, ngoài cơ sở Hoàng Chánh, trên địa bàn còn một số lò kẹo đậu như kẹo đậu bà Hương (đường Lương Thế Vinh, quận Sơn Trà), bà Tuyết (thôn Yến Nê, xã Hòa Tiến)… Quản lý cửa hàng đặc sản Đà Nẵng (103 Hồ Xuân Hương, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, kẹo đậu tuy mẫu mã đơn giản nhưng đôi khi cái mộc mạc của nó lại thu hút khách du lịch. Bằng chứng là ở cửa hàng của chị, kẹo đậu bán rất chạy. Nhiều du khách còn xin số điện thoại để mua hàng với số lượng lớn về làm quà.

Thực tế, giữa vô vàn các loại bánh kẹo nội, ngoại trên thị trường hiện nay, rất khó để bánh kẹo Đà Nẵng tạo được sự đột phá. Tuy vậy, du khách các nơi khi đến bất kỳ vùng đất nào đều mong muốn được thưởng thức sản vật của vùng đất ấy. Và, mùi vị cổ truyền là thứ bao giờ cũng khiến người ta quyến luyến, bằng chứng là những bánh đậu xanh, kẹo đậu mang thương hiệu Đà Nẵng đã được đưa đi xa đến nhiều vùng miền cả nước.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.