Như hội chợ quê

.

Cách đây hơn chục năm bãi biển Mỹ Khê của Đà Nẵng đã được tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh bởi đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí bình chọn cơ bản của Forbes khi đó như bãi biển thuận tiện về giao thông, bãi biển mở miễn phí cho du khách, bãi có bờ cát dài và phẳng, có ánh nắng và mức sóng phù hợp cho việc chơi các môn thể thao, có khả năng bảo đảm an toàn cho du khách, có các khu nghỉ dưỡng hạng sang, các biệt thự đạt tiêu chuẩn quốc tế…

Từ đó đến nay, cùng với cơ sở hạ tầng được đầu tư, dịch vụ được nâng cấp biển Đà Nẵng nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung trở thành điểm đến rất thu hút khách. Vào mùa cao điểm khách du lịch, mỗi ngày, biển Đà Nẵng đón hàng ngàn lượt khách trong nước và quốc tế đến biển vui chơi, tắm biển.

Thế nhưng những dịp thành phố có những sự kiện lớn như Lễ hội pháo hoa quốc tế, Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race; Đại hội Thể thao biển châu Á, hay các hoạt động thường niên được thành phố cho phép tổ chức như Chương trình Khai trương mùa du lịch biển, Chương trình Điểm hẹn mùa hè… thường hay có những gian hàng lưu niệm, ẩm thực tại khu vực công viên biển đông.

Sự xuất hiện của những gian hàng lưu niệm, ẩm thực sẽ góp phần làm đa dạng các sản phẩm, thu hút sự quan tâm của người dân và du khách. Sau khi vui chơi, tắm biển, người dân và du khách sẽ có thêm điểm đến để mua sắm và thưởng thức các món ăn… Nhưng hiện nay, đa số các gian hàng ở khu vực công viên biển đông được ngăn, dựng khá tạm bợ bằng những gian lều bạt.

Tiếng là gian hàng lưu niệm và ẩm thực nhưng thực tế những món hàng được bày bán ở đây rất bình dân. Tìm mỏi mắt không thấy một món hàng lưu niệm nào của Đà Nẵng, mà chủ yếu là thắt lưng, giày dép, quần áo trẻ em, người lớn, đồ tiêu dùng, gia dụng, khiến cho nhiều người có cảm giác như một hội chợ  ở quê.

Tại gian hàng ẩm thực, lại một quang cảnh khác của xoài trộn, nước mía ép, bánh tráng nướng, xúc xích nướng… những món ăn vặt người ta có thể dễ dàng bắt gặp ở trên đường phố Đà Nẵng được gom về đây. Những chiếc bàn ghế lụp xụp, rồi rác từ những chiếc ly, cốc dùng một lần được xả ngay dưới nền khiến công viên biển đông trở nên nhếch nhác, khác hẳn với vẻ đẹp tinh tươm thường ngày và trở lên lạ lẫm trong mắt những vị khách du lịch người nước ngoài.

Vậy tổ chức ra gian hàng lưu niệm, ẩm thực như thế để làm gì? Đã là ẩm thực sao không giới thiệu những nét ẩm thực đặc trưng nhất của xứ Quảng, của miền Trung? Đã là lưu niệm tại sao không giới thiệu những quà sản phẩm lưu niệm của Đà Nẵng lâu nay đang xây dựng? Đó là những chiếc túi cói, mũ cói của Ngôi nhà biển, những chiếc cầu Rồng, cầu sông Hàn, cầu Trần Thị Lý được làm bằng tre có thể dễ dàng mang đi được, những viên đá thạch anh khắc hình ảnh của Đà Nẵng… Tại sao không được trưng bày những món đồ thủ công mỹ nghệ này ở những nơi  này, dịp này để giới thiệu tới du khách?

Dẫu biết rằng mỗi lần tổ chức các gian hàng tham gia chỉ từ 5-7 ngày nhưng dù bao nhiêu ngày thì cũng cần quan tâm đến tính thẩm mỹ và thị hiếu của du khách. Sắp tới đây, khu vực Công viên biển Đông sẽ tiếp tục có gần 100 gian hàng lưu niệm, ẩm thực, giải khát được tổ chức trong khuôn khổ phụ trợ cho Lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng 2017. Người dân và du khách hy vọng vào một không gian văn hóa cộng đồng mới thật sự văn hóa và văn minh để không phải tiếp tục đi “hội chợ quê”.

HÀ KHUÊ

;
.
.
.
.
.