Những cuộc đời hồi sinh

.

Sự hồi sinh của một cuộc đời, một tâm hồn, không chỉ dựa trên số tiền họ được xã hội giúp đỡ, mà còn là niềm vui, là sự ấm lòng khi biết mình không còn đơn độc giữa bao khó khăn đang vây bủa cuộc sống…

Ông Huỳnh Mật (phải) nhận món quà chia sẻ của các nhà hảo tâm gửi tặng. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Ông Huỳnh Mật (phải) nhận món quà chia sẻ của các nhà hảo tâm gửi tặng. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

1. Gặp lại Mai Thị Hà, thôn 8, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, chúng tôi mừng khi thấy nụ cười tươi rói trên môi chị. Khác với dáng vẻ ốm yếu, làn da và đôi môi tái xanh trước đây, nay chị quán xuyến mọi chuyện từ đồng áng đến vườn tược trong nhà. Kỷ niệm ở Đà Nẵng, với chị trước đây, không chỉ là hồi hộp, lo âu trong bệnh tật mà còn là tấm lòng rất ấm từ những con người xa lạ đã dang tay giúp chị trở về từ cõi chết.

Cách đây gần 9 năm, từ người phụ nữ khỏe mạnh, xốc vác, sức khỏe Mai Thị Hà “tụt dốc” không phanh. Chị liên tục sụt cân, chỉ trong vòng 2 tháng, cân nặng 45 kg xuống còn 37 kg, người luôn trong tình trạng mệt mỏi, tim đập nhanh, khó thở. Lo lắng, vợ chồng chị đưa nhau ra Bệnh viện Hoàn Mỹ thăm khám và lặng người khi được bác sĩ chẩn đoán tim chị bị hẹp, hở 2 lá, hở động mạch chủ, phải mổ gấp để tránh biến chứng nguy hiểm đến tính mạng, tổng kinh phí gần 70 triệu đồng.

Chị Hà chia sẻ: “Ngày ấy, nghe bác sĩ tư vấn vậy, vợ chồng tôi thật sự hoảng hốt. Cả đời làm nông, quanh năm bám vào mấy sào lúa, dành dụm từng chút chỉ đủ nuôi 2 con ăn học, giờ lấy đâu ra số tiền mấy chục triệu mổ tim”.

Bế tắc, chị Hà bàn với chồng thôi cứ về nhà rồi tính. Mấy tháng sau, sức khỏe chị càng trở nên trầm trọng, người không còn chút sức lực. Không thể để chị Hà chết dần chết mòn, gia đình lại đưa chị xuống viện, mang theo gánh nặng viện phí không biết phải xoay sở từ đâu.

May mắn thay, những ngày nằm viện, cùng với hai trường hợp phải mổ tim khác là Lê Thị Hoa, Lê Thị Hồng (ở huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam), gia đình chị được các y, bác sĩ Bệnh viện Hoàn Mỹ giới thiệu đến gặp cố nhà báo Đặng Ngọc Khoa, người sáng lập nhóm ACE Thiện Văn từ năm 2008.

Ngay khi nhìn thấy các chị, nhóm đã quyết tâm thực hiện chiến dịch Hoa - Hồng - Hà (kết nối tên gọi của 3 người phụ nữ), bảo trợ kinh phí để mổ tim.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hạc, người phụ trách chính về gây mê hồi sức cho bệnh nhân Mai Thị Hà, nhớ lại: “Lần mổ ấy, sau khi ngừng tuần hoàn ngoài cơ thể, trái tim bệnh nhân nhẹ nhàng đập trở lại nhưng niềm vui tồn tại chưa được bao lâu thì nỗi lo khác ập đến. Máu từ trong ngực bệnh nhân chảy ra ào ạt do tình trạng rối loạn đông máu. Các thuốc cầm máu được bác sĩ sử dụng đến liều tối đa, cơ số máu nhóm B (cùng nhóm với bệnh nhân) dự trữ cho ca mổ đã sử dụng hết. Chúng tôi đều hy vọng máu ngừng chảy nhưng vô vọng. Một suy nghĩ lóe lên là phải có máu tươi, nếu không chắc chắn bệnh nhân sẽ không qua khỏi”.

Lại những tin nhắn, cuộc gọi được nhóm truyền đi gấp gáp: Máu lại chảy, cần máu gấp. Trong khoảng thời gian từ đêm đến hơn 1 giờ sáng ngày 25-9-2008, trên hành lang Bệnh viện Hoàn Mỹ, nhiều thành viên của Thiện Văn tìm đến để hiến máu cứu người. Mãi đến khi truyền đến đơn vị máu thứ 5, máu mới ngừng chảy, cơ thể chị Hà dần hồi sinh sau những giờ phút chiến đấu cùng bệnh tật.

Chiến dịch Hoa - Hồng - Hà của ACE Thiện Văn lần ấy diễn ra thành công ngoài mong đợi, họ đã huy động đủ số tiền giúp những người phụ nữ nghèo được mổ tim, nhanh chóng hồi phục sức khỏe, trở về quê sau thời gian dài sống chung cùng bệnh tật. Riêng với chị Hà, sự giúp đỡ ấy còn giúp chị duy trì sự sống, trở lại công việc đồng áng, phụ chồng trả các khoản nợ đã vay trước đó và nuôi hai con ăn học đến bây giờ.

Chị Mai Thị Hà (giữa) chào tạm biệt để lên chuyến xe về quê sau khi được mổ tim từ thiện gần 9 năm trước. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Chị Mai Thị Hà (giữa) chào tạm biệt để lên chuyến xe về quê sau khi được mổ tim từ thiện gần 9 năm trước. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

2. Sự hồi sinh của một cuộc đời, một tâm hồn, không chỉ dựa trên số tiền họ được xã hội giúp đỡ, mà còn là niềm vui, là sự ấm lòng khi biết mình không còn đơn độc giữa bao khó khăn đang vây bủa cuộc sống.

Giữa những ngày tháng tư nắng chói chang trên vùng cát Trà Đóa, ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ của ông Huỳnh Mật (sinh năm 1964), ở xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam vẫn dịu mát bởi những lời hỏi thăm, động viên từ bao người ông chưa nhớ hết tên, hoặc chưa từng gặp trong đời. Họ biết đến ông, thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của ông, thông qua những chia sẻ của nhà báo Vũ Công Điền:

“Vừa đến sân, ông Huỳnh Mật đi bằng 2 chiếc đòn gỗ (bao nhiêu năm nay, ông vẫn mơ một chiếc xe lăn) ra đón tôi trong cái nắng nung người. Vợ ông là bà Trần Thị Hỷ, 67 tuổi, bị nhiều bệnh như hở van tim, huyết áp cao, tiểu đường biến chứng. Ông Mật khóc với tôi, khổ quá chú ơi, một năm bả (vợ ông) nằm viện hết 10 tháng, tôi không có chi để lo chỉ nhờ bà con là người nhà bệnh nhân giúp đỡ”.

Sinh ra và lớn lên tại làng quê nghèo Trà Đóa, năm 1970, ông Mật bị bắt đi quân dịch. Hai con nhỏ của ông đã bị cướp đi mạng sống trong chiến tranh, bản thân ông bị thương bay mất 2 chân. “Tôi chia tay ông trong cái nắng nung người, ông ra tận cửa tiễn, dáng người nhỏ thó trên 2 chiếc đòn, khóc không thành tiếng. Tôi hiểu, đó là giọt nước mắt không ai mong muốn, nhưng với ông đó là nước mắt khóc cho thân phận và cho cả hoàn cảnh hiện tại quá đau buồn”, nhà báo Vũ Công Điền chia sẻ.

Về lại Đà Nẵng, những dòng thông điệp về ông Huỳnh Mật được Vũ Công Điền truyền đi và chỉ sau vài ngày, hơn 20 triệu đồng từ các nhà hảo tâm đã được chuyển đến tay người đàn ông khuyết tật ấy. Ngày nhận được tiền hỗ trợ, ông Mật xúc động, nói:

“Mấy hôm nay vợ chồng tôi vui quá không ngủ được. Bao nhiêu lần bả trở bệnh nặng nhưng trong nhà không còn một đồng để đi viện, đành để ở nhà, đau gì cũng cắn răng mà chịu. Nhiều đêm bả đau quá rên hừ hừ, tôi nằm ngủ gần đó, thương đứt ruột mà không làm gì được, nước mắt cứ chực ứa ra. Chừ có ít tiền, tôi sẽ gửi người ta đi chợ mua cho bả ít đồ ăn tẩm bổ, số còn lại để dành, nhỡ vợ chồng đau ốm thì lấy đó mà đi bệnh viện. Mới nghĩ được thế thôi mà tôi vui như mình được sống lại lần thứ 2 trong đời”.

3. Bao nhiêu lần, trên chặng đường tác nghiệp, chúng tôi gặp những nụ cười ấm áp, những xông xáo tìm kiếm sự hỗ trợ từ cộng đồng cho mảnh đời, hoàn cảnh đáng thương. Và, cũng bao nhiêu lần đó, chúng tôi vui chung với người bệnh, với những yêu thương trải tràn trong ngôi nhà xiêu vẹo khi chủ nhân của nó nhận được sự giúp đỡ từ cộng đồng. Hầu hết những con người chọn cách sống “cho đi” là những người từng thấu trải nhiều nhọc nhằn trong cuộc sống, nên đã luôn mở lòng, luôn sẵn sàng tiếp sức cho hoàn cảnh khó khăn, vất vả hơn mình.

Thấy chúng tôi bước vào cổng, ngồi trên xe lăn trong sân nhà, anh Trần Minh Hoàng (thôn Phước Hưng, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) nở nụ cười tươi rói. Anh rối rít gọi vợ đi pha trà mời khách. Chị Nguyễn Thị Hà, vợ anh, khoe vội:

“Từ ngày nhận được 2 triệu đồng tiền hỗ trợ hằng tháng từ các mạnh thường quân, anh Hoàng vui lắm. Ảnh bớt trăn trở việc học của con, mỗi lần đau cũng thấy ảnh cười, còn động viên mấy mẹ con lo ăn uống, giữ gìn sức khỏe. Tâm trạng ảnh bữa nay khác xa những ngày đầu đổ bệnh. Cứ nhìn thấy ảnh vui là mấy mẹ con tui cũng vui”.

Còn nhớ, lần đầu gặp chị Hà tại thôn Phước Hưng cách đây gần 2 năm, chị đang bước thấp bước cao từ bệnh viện trở về nhà. Từ năm 2011, sau một lần bị tai nạn lao động đến dập tủy sống, gãy đốt sống cổ, anh Hoàng thường xuyên vào ra bệnh viện, toàn thân bất động nằm một chỗ, lở loét khắp người.

Đang là người khỏe mạnh, trụ cột kinh tế trong gia đình bỗng dưng đổ bệnh, nằm một chỗ, anh Hoàng đâm thay đổi tính nết. Anh cau có, nhăn nhó, khó chịu với tất cả mọi người. Trong nhà không còn chút của nải, con cái đang tuổi đến trường, mọi chuyện cứ đổ dồn khiến chị Hà càng thêm suy sụp.

Có lần bệnh trở nặng, bác sĩ gọi chị nói nên đưa anh về nhà lo hậu sự. Thậm chí, không dưới 2 lần, nhận tin từ bệnh viện, chị nước mắt ngắn dài về nhà gấp rút dọn dẹp nhà cửa, tính toán đưa anh về nằm ở đâu để tiện việc thăm viếng, ma chay.

Đến thăm anh Hoàng hôm ấy, nhận thấy anh mập ra, da dẻ hồng hào hơn trước. Anh tươi cười, bảo: “Không vui sao được, nhờ mỗi tháng có 2 triệu đồng từ mạnh thường quân, tôi không còn lo về tiền học cho con, thuốc thang hằng tháng của mình nữa. Nhìn vợ đỡ phải chạy đầu trên xóm dưới mượn tiền lo cho gia đình là tôi hạnh phúc lắm rồi. Có lẽ vì lòng vui nên bệnh cũng tự khỏi, ít phải nhập viện hơn”.

Cứ thế, nhờ sự giúp đỡ của mọi người, nhiều cuộc đời đã tìm lại niềm tin trong cuộc sống. Và, chúng tôi gọi đó là sự hồi sinh, từ thân xác cho đến tâm hồn giữa cuộc sống còn nhiều khốn khó.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.