Sống cạnh đường tàu

.

Hằng ngày, những chuyến tàu cứ vùn vụt vút qua, mang theo khói bụi và những âm thanh ồn ã. Đi dọc các xóm đường tàu nội thành Đà Nẵng, hay khi vội vã, nôn nóng băng qua đường ray xe lửa, ít ai mong mình sẽ sinh sống lâu dài ở khu vực sát đường tàu đầy bất trắc. Vậy mà, đã bao năm rồi, người dân ở đây đã phải “sống đâu, quen đó”, quen thuộc với từng hồi còi tàu vang vọng, quên cả sự bất an thường nhật.

Mở quầy tạp hóa nhỏ xíu bên đường tàu, mỗi ngày phải chịu đựng cái nóng nực, chật chội, bề bộn nhưng bà Miên cho biết, bà đã quen với cuộc sống này và không muốn thay đổi. Ảnh: Q.T
Mở quầy tạp hóa nhỏ xíu bên đường tàu, mỗi ngày phải chịu đựng cái nóng nực, chật chội, bề bộn nhưng bà Miên cho biết, bà đã quen với cuộc sống này và không muốn thay đổi. Ảnh: Q.T

Lựa chọn bất đắc dĩ

Năm 2007, căn nhà ở khu vực Nguyễn Văn Linh giải tỏa, ông Phạm Văn Châu (62 tuổi) về xóm đường tàu mua căn nhà nhỏ (27/32 Lê Độ) đoạn qua phường Xuân Hà, quận Thanh Khê để sinh sống. Ông bảo, giá nhà đất ở khu vực này khá rẻ so với mặt bằng chung. Hồi đó, vì hoàn cảnh khó khăn ông mới phải về đây. Những ngày tháng đầu phải nói là “không thể chịu đựng nổi”.

Những chuyến tàu cứ nối tiếp nhau chạy ngày cũng như đêm khiến ông lâm vào tình trạng mất ngủ triền miên. Cơ thể lúc nào cũng mệt mỏi, đầu căng như dây đàn. Vậy mà chỉ sau vài năm, ông thậm chí đã nhớ chắc chắn giờ giấc tàu chạy đi, về, ngửi thấy “mùi tàu” khi nó còn ở rất xa... Âm thanh xình xịch, hay tiếng còi tàu inh ỏi đáng ghét trước đây trở nên quen thuộc. Mỗi ngày trôi qua, mỗi chuyến tàu như một phần không thể thiếu trong đời sống của ông và gia đình. Lâu rồi, thành quen, phải quên cả sự nguy hiểm rình rập mà sống.

Sống gần đường ray, theo ông Châu, sẽ rất nguy hiểm với những ai chưa sống quen. Nhưng khi đã quen, họ vẫn ăn, ngủ, làm việc nhà, trồng rau… Dọc xóm đường tàu này, những căn nhà nhiều năm không được sửa chữa, xây dựng, hay sơn mới. Một vài bếp ăn nấu bằng than tổ ong, những vật dụng không còn sử dụng nữa... được dọn ra sát mép đường ray.

Người  dân ở đây có đủ mọi thành phần từ sinh viên đến công chức, nhưng tập trung đông nhất vẫn là dân lao động nghèo. Chiều đến là thời điểm nhộn nhịp nhất của xóm đường tàu. Đó là lúc các bà nội trợ chuẩn bị bữa cơm chiều. Nhà này sát rạt vách nhà kia, tiếng í ới gọi nhau xin lát chanh, trái ớt vui vẻ. Đấy cũng là lúc trẻ con đi về từ trường học, người lớn tất tả sau một ngày làm việc, họ ùa ra bên đường tàu hàn huyên. Thỉnh thoảng, những chuyến tàu lại kéo còi, trườn chậm qua khu dân cư, câu chuyện lại tạm ngưng giây lát.

Ông Nghĩa, người hàng xóm của ông Châu đã có mấy chục năm trời sống cạnh đường ray. Ông ở lâu hơn, nên“Cái gì quen cũng thấy nhớ. Nhiều khi chúng tôi còn tự trào với nhau, nghe tiếng tàu bao nhiêu năm nay rồi, có khi không nghe tiếng tàu, tiếng bánh xe lửa nghiến rít trên đường ray, đêm lại ngủ không được! Con nít xóm này nó cũng rành lắm, thành phản xạ hết rồi”.

Mà đúng vậy thật, loanh quanh ở khu vực dân cư dọc đường ray, người ta luôn bắt gặp nụ cười thân thiện của những người lớn tuổi đang đánh cờ tướng, hay các bà, các cô tận dụng mé đường ray để đặt những thùng xốp trồng rau sạch. Bọn trẻ vẫn vô tư vui đùa, như thể không hề nhận thấy nỗi nguy hiểm nào đang rình rập.

Rời khỏi xóm đường tàu Lê Độ, chúng tôi ngược lên xóm đường tàu thuộc phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ). Bà Lê Thị Miên, ở số 222 Trường Chinh cho hay, bà về sống ở xóm đường tàu này từ những năm 1970, già nửa đời người gắn bó bên đường tàu sống ở đây, riết rồi phải quen với sự nóng nực, bề bộn, ầm ĩ của tiếng còi tàu, cái nóng rát da do đường ray hấp nhiệt hắt vào nhà, cái bề bộn chật chội của việc nay làm đường, mai sửa cống của ngành đường sắt...

Mở một quầy tạp hóa nhỏ bên đường tàu, hằng ngày, bà lụi cụi đong đếm lạng đường, lạng muối, chiết ra trong từng bao nhỏ, nhặt nhạnh chút rau trong lúc rỗi khách để kịp bữa cơm trưa/chiều. Hầu như có mặt tại quầy suốt ngày đêm nên chỉ nghe tiếng tàu chạy qua là bà biết đang mấy giờ.  

Quầy tạp hóa của bà Miên nhỏ xíu nhưng quyển số ghi nợ thì dày cộp. Hơn 100 hộ dân sống cạnh đường ray này chủ yếu là công nhân, người lao động nghèo, hầu như không có cán bộ, công chức, không có lấy một hộ gọi là khá giả. Họ chỉ đến quầy của bà khi đang nấu ăn mà thiếu chút mắm, chút đường, hay trẻ con đến mua que kem, cái kẹo. Chỉ mua vài ngàn lặt vặt nhưng họ vẫn mua nợ, bởi toàn là bà con làm thuê làm mướn, đến tháng lĩnh lương họ lại qua trả. Bao năm nay đều vậy. Bà bảo rằng, nếu chuyển đi đâu, mà phải dứt ra khỏi công ăn việc làm này thì bà lại không muốn dứt.

Không nguôi  thắc thỏm

Chiều dài tuyến đường sắt ngang qua Đà Nẵng dài khoảng 40km, qua 4 quận, huyện và có trên 60 điểm giao cắt với đường bộ. Dẫu người dân ven đường tàu chấp nhận và quá quen với nhịp điệu cuộc sống đã gắn bó từ trước đến nay, nhưng vì tương lai những đứa trẻ, họ luôn mong mỏi ga tàu được di dời ra ngoại thành, mong một cuộc sống ổn định hơn, bớt thắc thỏm hơn.

Về làm dâu rồi mở quán cà-phê tại khu vực đường tàu ở tổ 136, phường Chính Gián, quận Thanh Khê 15 năm nay, chị Đàm Thị Ánh Ngọc vẫn vẹn nguyên cảm giác hồi hộp, sợ hãi mỗi khi có đoàn tàu đi qua. Không biết bao lần, chị cùng người dân xóm đường tàu đã cùng “dô hè” đẩy giúp ô-tô bị tắt máy dừng giữa đường ray.

Chị kể: “Không ít trường hợp người dân đi bộ chen qua gác chắn, đứng sát cạnh đường ray đã bị tàu đi qua hút vào, gây tai nạn thương tâm. Đặc biệt, ngay cạnh đường ray có chùa Xuân Hòa, mỗi ngày Rằm, mồng Một, bà con phật tử đi lễ chùa rất đông. Khi lễ xong, họ túm tụm chuyện trò. Họ nghĩ đứng cạnh chùa là an toàn mà không biết, khoảng cách từ sân chùa ra đường ray chỉ 2-3 mét. Với khoảng cách gần như vậy, tàu đi qua “hút” người là chuyện bình thường. Thỉnh thoảng có trường hợp bà con đứng sát đường ray là có chị gác chắn đến nhắc nhở, chị ấy rất tận tâm với công việc, nhưng năm sau chị ấy về hưu rồi. Mấy cậu thanh niên gác tàu trẻ trẻ chỉ kéo barie khi có tín hiệu, ít để ý người xung quanh lắm. Rồi có còn ai nhắc nữa không đây…”.

Ông Trần Phi Em, ở K279/6 Thái Thị Bôi, tổ trưởng tổ dân phố 136, phường Chính Gián cho biết, tình hình giao thông ở cung đường Thái Thị Bôi giao với đường sắt nhức nhối từ nhiều năm nay. Trong các cuộc họp tổ dân phố, hầu hết thời gian họp ông đều dành cho việc tuyên truyền nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân.

Đặc biệt, đối diện đường ray là chợ Chính Gián. Mỗi ngày, các bà các cô đi chợ đều đi bộ tắt ngang qua đường ray rất nguy hiểm. Dù đã nhắc nhở, khuyến cáo nhiều lần nhưng tình trạng này vẫn còn tiếp diễn. Ông Phi Em cho rằng, việc nhắc nhở, tuyên truyền có mạnh mẽ đến đâu cũng không thiết thực bằng việc di dời ga tàu ra ngoại ô để giảm thiểu ùn tắc, hạn chế tai nạn.

Bà Nguyễn Thị Kim Loan (chủ quầy văn phòng phẩm-tạp hóa ở số 784 Trường Chinh) kể, cách đây vài năm, người ở phía bên kia đường Trường Chinh cũng có qua lại với bên này nhưng càng ngày, tình hình giao thông càng phức tạp, tai nạn thường xuyên nên họ cũng ít qua. Phố đường tàu này thành ra như “ấp chiến lược”, co cụm với nhau mà sống. Người dân đã nhiều lần nghe đến việc di dời này, song cũng đã hơn 10 năm rồi chưa thấy gì cả. Hàng trăm hộ dân ở trong khu vực này luôn mong ngóng việc di dời…

QUỲNH TRANG
 

;
.
.
.
.
.