Thơm nồng đặc sản xứ Quảng

.

Khi nói đến đặc sản xứ Quảng, không thể thiếu vị cay nồng của hạt tiêu Tiên Phước và mùi thơm dịu của quế Trà My.  Mặt hàng từ xưa đã được xem là sản vật quý không ở đâu có được .

Tiêu Tiên Phước nhiều lần có mặt tại hội chợ triển lãm được tổ chức ở Đà Nẵng.
Tiêu Tiên Phước nhiều lần có mặt tại hội chợ triển lãm được tổ chức ở Đà Nẵng.

Trồng trầu thả lộn dây tiêu…

Về huyện Tiên Phước (Quảng Nam), vẫn nghe người dân truyền nhau câu hát “Trồng trầu thả lộn dây tiêu/Con đi đò dọc mẹ liều con hư”, mới thấy, cây tiêu đã gắn bó với người dân vùng trung du này bao đời nay. Không chỉ nổi tiếng với những vườn bòn bon trĩu quả, Tiên Phước còn được biết đến bởi hương vị thơm cay đặc biệt của hồ tiêu.

Theo dòng lịch sử, cây tiêu được cho là đã trồng ở Tiên Phước từ đầu thế kỷ 17. Linh mục Alexandre de Rhodes khi đặt chân đến đây lần đầu tiên vào năm 1624 chép lại rằng ở Đàng Trong có nhiều hồ tiêu và một số thương lái Trung Quốc đã ghé mua đặc sản này. Trong công trình nghiên cứu về “Lịch sử hiện đại của nước An Nam” (Histore modeme du pay d’Annam) thì cho rằng hàng hóa tại Hội An vào nửa đầu thế kỷ XVI có tơ sống, đồ hàng dệt tơ, hắc đàn, trầm hương, đường, xạ hương, nhục quế, hồ tiêu và các giống gạo nếp. Riêng nhà sử học Lê Quý Đôn đã ca ngợi xứ Quảng có nhiều sản vật hơn vùng Thuận Hóa, đơn cử như hồ tiêu, cá muối, gỗ lạt... Ông còn ghi lại giá mỗi tạ hồ tiêu vào nửa cuối thế kỷ 17 tại Hội An là mười hai quan tiền.

Ngày nay ở Tiên Phước, tiêu được trồng nhiều ở các xã Tiên Mỹ, Tiên Cẩm, Tiên Phong và Tiên Sơn. Cuối năm 2016, trong lần theo chân đoàn từ thiện về xã Tiên Phong, chúng tôi được cán bộ xã dẫn tới nhà ông Nguyễn Tùy ở thôn 4 để mua tiêu làm quà. Khu vườn rộng gần 1ha nhưng đếm chừng hơn 30 trụ tiêu đang trong giai đoạn thu hoạch. Theo lời ông Tùy, chất lượng vượt trội của tiêu Tiên Phước là do đất đai, thổ nhưỡng mà thành. So với cách đây 5 năm, thì vườn tiêu nhà ông tăng thêm 12 trụ. Tính bình quân, mỗi mùa thu hoạch, trung bình một trụ tiêu sẽ cho từ 4 đến 5kg tiêu khô.

Tiêu Tiên Phước có 2 loại, tiêu sẻ lá nhỏ, cho vị cay thơm đặc biệt; tiêu bộp lá to, hạt to nhưng độ thơm cay không sánh bằng. Nhiều người sành ăn cho rằng, so với các tỉnh miền Trung, hạt tiêu Tiên Phước có chất lượng trội hơn hẳn. Chị Thủy, chủ cửa hàng ENVY ở địa chỉ 394/7 Hà Huy Tập, Đà Nẵng cho biết, mỗi ký tiêu Tiên Phước được bán với giá trên 600.000 đồng, cao hơn nhiều so với tiêu ở địa phương khác nhưng vẫn có không ít khách hàng đặt mua về sử dụng hoặc làm quà biếu, tặng. Trên trang mạng “Đặc sản làm quà”, có địa chỉ tại Khu chung cư Phước Lý, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, tiêu Tiên Phước có giá 500.000 đồng/kg. Anh Nguyễn Lương Tin, chủ trang mạng này cho biết, nhiều khách hàng chọn mua tiêu Tiên Phước không đơn thuần làm gia vị mà để chữa bệnh. Do đó, mỗi khi tư vấn cho khách, anh đều kèm theo một số bài thuốc đông y gắn liền với hạt tiêu, như chống nôn, ấm bụng, giảm đau, kích thích tiêu hóa, tăng cường chức năng hoạt động của tuyến tụy, tê thấp, sâu răng…

Thời gian qua, tiêu Tiên Phước thường xuyên xuất hiện tại các hội chợ xúc tiến thương mại được tổ chức ở thành phố Đà Nẵng. Đơn cử, tại Hội chợ hàng Việt Đà Nẵng năm 2016 do Sở Công thương phối hợp với Công ty Quản lý hội chợ - triển lãm và các chợ Đà Nẵng tổ chức, tiêu Tiên Phước đã thuyết phục nhiều khách hàng với sản phẩm “2 trong 1” của Công ty TNHH Sơn Tiến do ông Hồ Viết Ký, trú thôn 3 xã Tiên Sơn làm chủ. Lọ tiêu của ông Ký gồm 3 phần, gồm thân nhựa, phần bánh răng xay hạt tiêu và nắp đậy. Khi sử dụng, chỉ cần cầm chặt phần nắp rồi xoay phần thân để những hạt tiêu bên trong được xay nát. Mỗi lọ tiêu được ông Ký thiết kế nhỏ gọn để đựng vừa 50gr, bán với giá 45.000 đồng, cho thu nhập cao hơn hẳn so với trước đây. Trao đổi với chúng tôi, ông Ký chia sẻ từ năm 2014, được sự hỗ trợ của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), ông đã đăng ký thành công nhãn hiệu “Crafted in Quang Nam” cho sản phẩm tiêu đóng lọ nhựa. Hiện, mỗi năm Công ty TNHH Sơn Tiến bao tiêu sản phẩm cho hàng chục hộ trồng tiêu tại địa phương, đưa tiêu Tiên Phước đến với du khách trong và ngoài nước.

Nặng lòng hương quế Trà My

Từ lâu, quế Trà My không chỉ là hàng hóa mà trở thành một biểu tượng văn hóa, kinh tế của vùng đất xứ Quảng. Vào thời vua Minh Mạng, quế Trà My được xem là sản vật quý, dùng tiến vua hằng năm và có mặt trong các lễ mừng thọ lớn. Hình ảnh cây quế còn được nhà vua cho khắc trên Nghị Đỉnh trong bộ Cửu Đỉnh đặt trang trọng ở Cung đình. Thêm vào đó, Nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Nguyễn Văn Bổn trong một bài viết đăng tại Tạp chí Văn nghệ dân gian Quảng Nam miền biển năm 2001 của Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Nam, có kể lại một truyền thuyết liên quan đến cây quế Trà My, rằng công chúa Huyền Trân lúc trở thành hoàng hậu của vua Chế Mân thường xuyên mắc bệnh phong thấp, nhà vua vốn rất yêu quý vợ mình đã sai quan hầu lên tận rừng Trà My tìm cho được gỗ quế làm guốc cho nàng, từ đó bệnh dần dần dứt hẳn.

Một số tài liệu ghi lại, sản phẩm quế Trà My với những đặc tính vượt trội so với quế các nơi, màu sắc tự nhiên, cho vị cay nồng, hàm lượng tinh dầu trong vỏ thân quế Trà My dao động từ 8,93 - 10,91%, chỉ số này cao hơn hẳn quế vùng Thanh Hóa, Nghệ An hay Quảng Ngãi… Vì lẽ đó, có một thời, cây quế Trà My được ví von là cây vàng của đồng bào dân tộc Xơ đăng, Ca dong, Kor... Lúc đó, một cây quế đến tuổi thu hoạch bán tại vườn có giá gần 2 cây vàng. “Nhìn quế quy ra vàng, đổi hàng cũng quy ra quế” đã tạo nên cơn sốt người người trồng quế, nhà nhà trồng quế như một cách đổi đời. Cuối những năm 2000, nguyên liệu quế trở nên thừa thãi, giá rớt xuống tận đáy, bán ế hơn củi, giá 1 ký quế khô chỉ còn khoảng 10.000 đồng. Nhiều gia đình đã đốn bỏ hoặc bán với giá bèo để chuyển đổi sang trồng cây keo lai.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, vỏ quế chủ yếu được phơi khô hoặc nấu tinh dầu theo cách thủ công rồi xuất khẩu ra thị trường thế giới. Còn hiện nay, quế trở thành nguyên liệu để chế biến các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến tinh bột quế, rượu quế, tăm xỉa răng, tấm lót giày… Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và chế biến kinh doanh xuất nhập khẩu Hương Quế (gọi tắt Công ty Hương Quế) có trụ sở tại tổ 11, khối Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu cho biết, doanh nghiệp đang sử dụng 100% bột quế tự nhiên từ vùng nguyên liệu Trà My để sản xuất các sản phẩm đặc trưng như dép, lót giày, nịt cao cấp hương quế, tấm thảo dược hương quế, túi thơm, tinh dầu quế…

Trong các sản phẩm của Công ty Hương Quế, tấm lót giày có giá khoảng 25.000 đồng là sản phẩm chủ lực, nhận được nhiều đơn đặt hàng nhất. Sản phẩm này có sự kết hợp giữa một số thảo dược thiên nhiên và bột quế nguyên chất, thân thiện với môi trường, khử mùi và giữ ấm đôi bàn chân. “Trung bình mỗi năm, công ty tiêu thụ trên 30 tấn quế nguyên liệu, xuất xưởng hơn 100.000 sản phẩm, trong đó sản phẩm xuất khẩu chiếm hơn 80% sang thị trường các nước ASEAN, châu Âu, Đông Bắc Á. Tại thị trường Việt Nam, sản phẩm có mặt tại một số siêu thị lớn như BigC, Metro, Coop Mart”, ông Sơn nói.

Có thể nói, nhờ những sản phẩm trên, nguyên liệu quế Trà My đã dần tìm lại chỗ đứng trên thị trường, góp phần mang lại thu nhập cho người dân vùng đất này, cũng như giữ vững thương hiệu cây trồng từng được gọi với cái tên mỹ miều: cao sơn ngọc quế.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.