Vận tải đường sắt - băn khoăn chọn lựa

.

Những thay đổi đáng kể về trang thiết bị các toa xe, chất lượng dịch vụ, cùng với tâm lý an toàn khi đi tàu hỏa là lựa chọn của nhiều người dân trong di chuyển chặng ngắn từ 200-500km. Tuy nhiên, bàn về an toàn giao thông đường sắt, không chỉ là sự  bảo đảm đối với hành khách đi tàu.

Với điểm cộng an toàn, ngày càng nhiều người dân và du khách chọn tàu hỏa làm phương tiện di chuyển. Ảnh: T.T
Với điểm cộng an toàn, ngày càng nhiều người dân và du khách chọn tàu hỏa làm phương tiện di chuyển. Ảnh: T.T

Thế mạnh di chuyển chặng ngắn

Có một thực tế dễ dàng nhận thấy với những người thường xuyên đi tàu hỏa là thời gian gần đây, ngành đường sắt đã có nhiều thay đổi, từ trang thiết bị, nội thất trên tàu đến cung cách phục vụ… Nhiều người dân lâu ngày không đến các nhà ga, sẽ rất ngỡ ngàng khi thấy có các bảng chỉ dẫn, khu vực lên, xuống tàu được nâng cao bằng mặt sàn tàu nên việc lên tàu dễ dàng, an toàn. “Không chỉ lịch trình đi lại đúng giờ, trên toa tàu, chăn gối sạch sẽ, nhân viên phục vụ nhiệt tình, dịch vụ ăn uống đầy đủ, và hệ thống vệ sinh - điều người đi tàu vẫn e ngại trong các hành trình được nâng cấp, rất sạch sẽ”, chị Bùi Thị Phúc - một hành khách đi chặng Đà Nẵng - Vinh nhận xét.

Theo thống kê của Chi nhánh đường sắt Đà Nẵng, trừ thời gian bị đình trệ bởi sự cố sập cầu Ghềnh tại tỉnh Đồng Nai (năm 2016), lượng khách mua vé lên tàu tại ga Đà Nẵng, những năm gần đây, đều tăng trưởng trên 100%. “Đơn cử, năm 2014,  ga Đà Nẵng bán ra trên 461 ngàn vé, năm 2015, bán ra trên 577 ngàn vé, doanh thu đạt trên 124 tỷ đồng, tăng 125%”.

Theo Ngô Văn Ngọc - Giám đốc Chi nhánh đường sắt Đà Nẵng, chỉ số an toàn là “điểm cộng” đối với giao thông đường sắt. Đây có lẽ là lý do hàng đầu để ngày càng nhiều người dân lựa chọn loại hình giao thông này để di chuyển. Ngành đường sắt hiện hoạt động theo cơ chế thị trường, với phương châm phục vụ là cung cấp những dịch vụ “xã hội cần”, chứ không chỉ cung cấp “những gì mình có”! Đó là sự nâng cấp, cải tiến chất lượng hệ thống toa tàu, là máy lạnh, là hệ thống dịch vụ vệ sinh trên tàu, dưới ga… Đặc biệt, nhà ga không còn bán vé theo phương thức cổ truyền.

Trong vòng bán kính 7km, nhân viên ga tàu sẽ giao vé tận nơi cho khách hàng mà không thu một khoản phí nào. Hành khách cũng có thể mua vé tàu qua hệ thống bán vé trực tuyến; hệ thống cửa bán vé, đại lý được mở rộng đến gần 20 điểm tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế… phục vụ diện rộng nhu cầu của hành khách.

Giá vé ưu đãi trong mùa thấp điểm, ngày thấp điểm, giờ thấp điểm, các chế độ ưu tiên miễn giảm cho người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em, sinh viên được thực hiện đầy đủ theo quy định. Cũng theo ông Ngọc, thế mạnh của vận tải đường sắt là khai thác, phục vụ hành khách cự ly 200-500km. Đây là cự ly tối ưu cho sử dụng phương tiện vận tải đường sắt hiện nay góp phần giải quyết rất lớn nhu cầu đi lại của nhân dân và tháo gỡ ách tắc lưu thông trên tuyến vào các ngày cao điểm.

Vẫn còn những bất cập

Tại hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017 của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam được tổ chức vào đầu năm 2017 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông đã chỉ ra hàng loạt những bất cập và cho rằng, ngành đường sắt cần thay đổi để không “hụt hơi” so với các loại hình vận tải khác! Nếu di chuyển chặng ngắn từ 200-500km là thế mạnh của ngành đường sắt, thì với những chặng di chuyển dài trên 500km chính là hạn chế lớn của loại hình giao thông này.

“Xét về mặt tốc độ đi đến cũng như giá dịch vụ, đối với chặng trên 500 đến trên 1.000km, tàu hỏa không thể sánh với máy bay, đặc biệt là với nhiều gói máy bay giá rẻ được rao bán đa dạng như hiện nay. Cơ sở hạ tầng cũng như các thiết bị toa xe dù đã nỗ lực cải tiến, vẫn còn khá cũ kỹ, lạc hậu. Nếu chỉ bám vào điểm an toàn đối với hành khách để tự bằng lòng, thì ngành đường sắt chắc chắn sẽ tụt hậu, khả năng cạnh tranh kém”, ông Ngô Văn Ngọc thẳng thắn nhìn nhận.

Bàn về an toàn giao thông đường sắt, không chỉ là sự bảo đảm đối với hành khách đi tàu. Những tai nạn thương tâm cho người và các phương tiện khi di chuyển qua các đoạn đường sắt đi qua vẫn diễn ra nhức nhối là mối quan tâm hàng đầu đối với những người có trách nhiệm.

Để giảm thiểu tối đa tai nạn, cơ sở hạ tầng, cách điều phối, quản lý giao thông đường sắt đoạn đi qua Đà Nẵng đã có những thay đổi đáng kể. Đường sắt đi qua Đà Nẵng có chiều dài hơn 40km với 6 ga với 3 hầm, 11 cầu và gần 40,4km trục đường dây thông tín hiệu và thiết bị chạy tàu, đảm bảo an toàn chạy tàu.

Theo ông Nguyễn Đức Hùng, Đội phó phụ trách Đội 2, phòng 11, Cục Cảnh sát giao thông đóng tại Đà Nẵng, một trong những chuyển biến tích cực về hạ tầng giao thông đường sắt đoạn qua Đà Nẵng thời gian qua là xây được 3 cầu vượt: Ngô Sỹ Liên, Ngã ba Huế và Hòa Cầm, góp phần giảm ùn tắc, tai nạn. Cụ thể:  3 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông đường sắt làm bị thương 2 người, hư hỏng 2 xe mô-tô. So với cùng kỳ năm 2016, số vụ tai nạn giảm 1 vụ, số người chết giảm 2 người.

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên môn, giao thông đường sắt tại Đà Nẵng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ: việc lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt, mở đường ngang tùy tiện vẫn diễn ra mà không được chính quyền địa phương can thiệp kịp thời; việc thực hiện theo quy chế phối hợp giữa UBND thành phố và Bộ Giao thông vận tải, giữa ngành công an và đường sắt chưa thực sự nhịp nhàng, chặt chẽ.

Dù đi qua chặng ngắn, song, đường sắt trên địa bàn Đà Nẵng vẫn tồn tại nhiều điểm đen tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao như tuyến đường sắt dọc đường Trường Chinh khu vực phường Hòa Phát đối diện Nhà máy nước Sân bay có các hộ kinh doanh đá vẫn tập kết đá vi phạm hành lang đường sắt vẫn chưa thể xử lý, tiến độ làm đường gom đường sắt đoạn này vẫn chậm.

Tình trạng người dân ở hai chân đèo Hải Vân khai thác gỗ, củi, mây vận chuyển trái phép trên tàu hàng, ném củi, gỗ xuống ga khi tàu đang chạy, hàng rong nhảy tàu, bu bám theo tàu, trèo nên nóc toa xe tàu khách để lên đèo buôn bán vẫn xảy ra tại khu vực nhà ga Kim Liên.

Từ ga Hải Vân đến Hải Vân Nam, hiện tượng người dân chăn thả trâu bò tùy tiện, cản trở giao thông đường sắt đoạn này vẫn tiếp diễn; tình trạng ách tắc giờ cao điểm tại một số đường ngang khi đóng chắn cho tàu chạy qua  như chắn ga Thanh Khê, chắn Hà Huy Tập, Lê Độ vẫn chưa thể giải quyết. Công tác vệ sinh dọc đường sắt còn kém, ga Đà Nẵng là ga cụt, tình trạng khách đi tàu thường xuyên vất rác, chất thải xuống dọc đường ray gây ô nhiễm cao, nhất khu vực từ ga đi ra…

Để góp phần giảm thiểu tai nạn, theo ông Hùng, cần chú trọng các giải pháp tuyên truyền nâng cao ý thức, kỹ năng của người dân khi đi qua đường sắt; nghiêm khắc xử lý các trường hợp vi phạm; tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các đơn vị đường sắt với công an quận, công an phường, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.