.

Bảo tồn văn hóa dân gian: Cần coi trọng chủ thể cộng đồng

.

Văn hóa dân gian (VHDG) bao gồm nhiều loại hình từ tiếng nói, chữ viết, văn học - nghệ thuật… Muốn bảo tồn được các loại hình văn hóa trên cần cả cộng đồng tham gia gìn giữ và phát triển.

Ngày hội văn hóa dân gian là dịp để học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh được trải nghiệm với hàng loạt hoạt động như chơi các trò chơi dân gian, món ăn cổ truyền, trang phục truyền thống dân tộc… Ảnh: Q.T
Ngày hội văn hóa dân gian là dịp để học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh được trải nghiệm với hàng loạt hoạt động như chơi các trò chơi dân gian, món ăn cổ truyền, trang phục truyền thống dân tộc… Ảnh: Q.T

Vai trò của cộng đồng

Từ xa xưa, hầu hết những sinh hoạt văn hóa tại cộng đồng đều do nhân dân làm chủ, các nghi lễ đều được tiến hành một cách trọng thể tại địa điểm sinh hoạt văn hóa chung của làng, xã. Trong quá trình sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di sản VHDG, phải hết sức chú ý đến vai trò chủ thể của cộng đồng.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng, vai trò chủ thể của người dân trong các hoạt động VHDG hiện nay chưa được coi trọng. Hiện nay, mỗi năm Đà Nẵng duy trì tổ chức được khoảng 25-28 lễ hội truyền thống. Nhưng nhiều lễ hội chủ yếu do chính quyền địa phương cùng với đơn vị tổ chức giữ vai trò chủ thể, người dân xem như đứng ngoài cuộc, chỉ là khán giả. Có thể nói, lễ hội VHDG ngày càng xa rời quần chúng lao động. Đơn cử như lễ hội đình làng Hải Châu. Sau hơn 30 năm vắng bóng, lễ hội đình làng Hải Châu chính thức được khôi phục vào năm 2009 tại đình làng Hải Châu (quận Hải Châu). Từ đó đến nay, lễ hội này do UBND phường Hải Châu 1 đứng ra tổ chức. Cái không khí nô nức của ngày hội làng khi dân làng trang hoàng nhà cửa, đón khách và tham gia vào đoàn rước, hội đua thuyền như ngày xưa hầu như không còn nữa.

Một số di sản dân gian khác thì được sân khấu hóa. Ví dụ như bài chòi. Trong sự kiện Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, bài chòi được trình diễn trên sân khấu như một sản phẩm văn hóa đặc sắc của thành phố biển. Hình thức đó gọi là “diễn” bài chòi chứ không phải “chơi” bài chòi như ý nghĩa vốn có của nó. Tất nhiên, hoạt động này cũng có ý nghĩa quảng bá để tôn vinh giá trị di sản dân gian nhưng nếu làm không khéo sẽ khiến các di sản vốn gốc rễ từ dân sẽ dần xa lạ với chính quần chúng nhân dân.

GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, trong một lần về thăm làng Phong Lệ, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, đã ghi lại cảm tưởng của mình trong cuốn sổ nhật ký làng do ông Ngô Văn Nghĩa, trưởng làng kiêm trưởng ban lễ hội làng Phong Lệ giữ: “Lễ hội Mục đồng là một lễ hội hay, độc đáo, thể hiện tính dân chủ trong thời đại quân chủ”. Trong ngày hội đó, trẻ mục đồng được làm chủ, đứng ra tổ chức các hoạt động vui chơi. Thời điểm hiện nay, khi nông nghiệp được hiện đại hóa, trẻ chăn trâu hầu như không còn thì lễ hội này không còn cơ sở xã hội, không gian diễn xướng để tổ chức. Tất nhiên, việc tổ chức này cũng cần để quảng bá, bảo tồn, nhưng thiết nghĩ, vẫn chỉ nên giới hạn trong nghiên cứu, phục dựng. Đừng sợ rằng các di sản dân gian sẽ mai một nếu không được nhắc nhớ thường xuyên. Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao thành phố cho rằng, những gì thuộc về dân gian, chủ thể là người dân thì họ mới có thể điều chỉnh được, cái gì có lý sẽ tồn tại, không phù hợp sẽ bỏ. Nếu chúng ta mở rộng ra quá biên độ, phạm vi tổ chức, chuyển nó thành sản phẩm du lịch thì chắc chắn nó sẽ không giữ được nguyên vẹn bản chất ban đầu.

Đưa trò chơi dân gian vào trường học

Qua bao thế hệ, các trò chơi dân gian vẫn được lưu truyền bằng hình thức thực hành. Người miền Trung thường chơi các trò: ô ăn quan, bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, đi cà kheo, kéo co, cướp cờ… Những trò chơi đơn giản nhưng góp phần giáo dục con người về tính tập thể, tinh thần kỷ luật, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất, sức mạnh, dẻo dai, khôn khéo và sức chịu đựng của con người… Chính vì thế mấy năm trở lại đây, các trường học trên địa bàn thành phố (từ cấp mầm non đến đại học) đều đặn tổ chức Ngày hội văn hóa dân gian (NHVHDG). Đây là dịp để các em học sinh (HS) quay về với cội nguồn dân tộc, có ý thức hơn trong việc bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị của các trò chơi VHDG.

Trường THPT Phan Châu Trinh là một trong những trường đầu tiên trên địa bàn thành phố tổ chức NHVHDG và cũng được đánh giá là tổ chức bài bản, để lại ấn tượng đẹp trong tập thể học sinh, giáo viên và khách tham quan. Từ lần tổ chức đầu tiên (năm 2009) đến nay, mỗi dịp nhà trường thu hút từ 5.000-6.000 học sinh và khách tham quan. Thầy Dương Thanh Hùng, Bí thư Đoàn trường, cho biết nhà trường chọn thời điểm cận Tết Nguyên đán để tổ chức NHVHDG; bởi đó là thời điểm lòng người rạo rực quay về với cội nguồn. Tất cả các hoạt động trong NHVHDG đều hướng về cội nguồn của dân tộc, về các giá trị truyền thống của cha ông, qua đó càng giúp cho HS hiểu và yêu thêm non sông, đất nước Việt Nam. Qua ngày hội này, các em HS không chỉ có được một sân chơi bổ ích và lý thú, mà còn là dịp để các em giao lưu, trao đổi, tạo nên tình thân hữu trong sáng, đẹp đẽ của thời hoa niên, của tuổi học trò...

Không tổ chức rầm rộ, kéo dài cả ngày như Trường THPT Phan Châu Trinh, NHVHDG tại Trường THPT Ngô Quyền chỉ diễn ra trong một buổi nhưng học sinh vẫn được trải nghiệm một chuỗi các hoạt động sôi động, như thi thiết kế và trình diễn thời trang của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; thi hát dân ca; các trò chơi dân gian như kéo co, bịt mắt bắt vịt; các trò chơi sinh hoạt tập thể như nhảy bao bố, nhảy dân vũ, đi xe đạp chậm; viết thư pháp, vẽ tranh dân gian… Nhà trường còn tổ chức gian hàng ẩm thực với các món ăn truyền thống do chính học sinh và giáo viên của trường chuẩn bị. Em Trần Văn Phúc, học sinh lớp 11/1 cho rằng, đây là một trong những hoạt động vui nhất tại trường mà em từng tham gia. Qua các hoạt động tập thể này, em càng yêu quý và gắn bó với các bạn cùng lớp hơn.

Thời điểm cận Tết Nguyên đán cũng là thời điểm nhiều trường mầm non trên địa bàn chọn để tổ chức NHVHDG. Các cô giáo ở Trường mầm non Sao Khuê (đường Lê Văn Hiến, quận Ngũ Hành Sơn) từng trang trí chiếc cổng thật lớn bằng tre, trên đó là những cánh diều đủ màu sắc gợi lên cảnh sắc thanh bình của làng quê. Dãy chợ quê được trang trí từ tre, nứa, lá cọ, mẹt,… với nhiều món ăn dân dã. Các cô giáo trong trang phục áo bà ba, còn các bé xúng xính với những bộ áo dài xanh, đỏ. Các bé được tham gia chơi các trò chơi dân gian như bịt mắt đập niêu, rồng rắn lên mây, xin chữ ông đồ… Thông qua không gian vui chơi mang đậm tính truyền thống đó, giúp trẻ phát triển tốt khả năng tư duy sáng tạo, là cơ hội để trẻ trải nghiệm chân thực nhất về văn hóa truyền thống của quê hương.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.