.

Gió thổi mãi từ nơi ấy

.

Thời tuổi dại, ba tôi vẫn thường chở tôi về làng bằng chiếc mobilette. Trên đường, ông thường chỉ cho tôi biết lần lượt hai bên tả hữu tên những làng quê. Bắt đầu là Cổ Thành, An Tiêm, chợ Sải, cứ thế lần lượt là Nại Cửu, Bích Khê, An Mô, Hà Mi, Bích La, Phương Ngạn, Đâu Kênh, Phù Lưu, Bố Liêu, Vệ Nghĩa… là vào làng tôi – làng Võ Thuận. Người ta thường nói: Có lẽ những việc ấn tượng thời tuổi nhỏ sẽ luôn in đậm lên tâm hồn của đời người. Tôi tin như thế, bài học về địa lý đầu tiên đã in đậm trong tâm hồn tôi là những tên đất tên làng dọc theo con đường đất đá ngày trước để về quê mà dẫu bao năm tháng thăng trầm của đời người, tôi không thể quên, cũng như không thể quên đằng sau cái ghi-đông con ngựa già mobilette, hình ảnh chỉ chỏ một cách say sưa của ba tôi về cảnh vật hai bên đường. Đằng sau những tên làng, mà có lẽ trong vô thức  là những khái niệm không rõ ràng về một thứ tình cảm đầu đời về miền quê yêu dấu trong trái tim nhỏ bé của tôi.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Khi lớn lên một chút, vẫn trên con ngựa già mobillet đó, ngoài những tên làng là những đặc điểm của mỗi làng nhất là các vị danh nhân, danh sĩ, những người nổi tiếng làm rạng danh cho quê mình. Đây là làng Bích La, có vị quan Thượng thư từng cứu án chém nhà yêu nước Phan Châu Trinh, đây là làng Bích Khê có vị quan làm nghĩa trũng ở Thành Cổ, đây là làng Đại Hào có nhà toán học nổi tiếng… Đại loại như thế, ba tôi kể nhiều lắm những nhân vật thời phong kiến đã làm rạng danh cho ngôi làng, dòng họ của mình mà tôi không nhớ hết. Chỉ có điều khi hỏi về danh nhân làng mình, ông lắc đầu tỏ vẻ buồn bã nhưng không quên nhắn nhủ… Chắc phải đến thế hệ của con cháu. Lúc trả lời ông nhìn ra xa. Biết là chạm vào nỗi xót xa hoài vọng của ông, nhưng sau đó tôi không hề nhắc lại chuyện này. Nhưng có lần tôi bỗng bạo miệng: “Rứa làng mình không có ai răng ba?”. Ừ, không có… Ba tôi ấm ớ, nhìn xa vắng… Mà có. Chú Tâm của con, chú ở ngoài nớ rồi, hy vọng là có… nhưng thôi, rồi ba tôi không nói nữa… Có lẽ vì chú ấy đang ở miền Bắc. Sau này, tôi mới cho biết chú Tâm học rất giỏi, chú đậu Bac I (Tú tài I). Thời đó, hằng năm dân Quảng Trị lên trung học phải vào Huế, thi đỗ Bac I hằng năm chỉ 1-2 người. Niềm hy vọng của ba tôi sau năm 1975 đã tắt ngúm, chú đã hy sinh tại chiến trường Dầu Tiếng năm 1967. Đọc trong lý lịch của chú: Tốt nghiệp khóa đầu tiên Trường Quân sự Sơn Tây, từng là Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam, Cục trưởng Cục Tác chiến Nam bộ... khi còn rất trẻ. Rõ ràng niềm hy vọng và mong ước ấy của ông dù chỉ còn lại là hy vọng nhưng vẫn thắp sáng thêm niềm tin ở những thế hệ sau ông, tôi tin thế. Nhưng rõ ràng từ những khát vọng đầy ức chế nơi ba tôi đã như một ám ảnh đè lên nỗi ước vọng của một thời tuổi trẻ chúng tôi. Vâng, phải làm gì để rạng danh làng xóm, dòng họ. Ngày ấy chỉ có một việc là học thật giỏi. Người Quảng Trị ham học là vậy, ngoài cái ý nghĩ thoát nghèo bằng con đường học vấn còn được nung nấu trong ý chí làm “nở mặt nở mày gia tộc”. Những sĩ tử thành danh của non Mai sông Hãn ngày ấy đa phần xuất thân từ những gia đình có một lối giáo dục như vậy. Có thể, vẫn là quan niệm có tính chủ nghĩa cá nhân nhưng đã tồn tại như một truyền thống với đầy đủ hai mặt đối lập. Tuổi thơ luôn được đóng dấu vào tâm hồn mỗi người bằng những thiên hướng khác nhau. Những năm xa quê, con đường ấy luôn hiện lên bằng một nỗi buồn vong thân vô trú nhưng đầy khát vọng trở về của một kẻ luôn đeo đẳng một tình yêu vô bờ bến với mảnh đất này.

…Những đêm hè trời nóng mẹ hay dẫn tôi đến nhà một người cô của tôi ra một vạt cỏ bên cầu tre Trúc Thuận  ngồi nói chuyện, còn để tôi kê đầu lên đầu gối của mẹ trong gió mơn man bát ngát trên cỏ mềm đẫm sương. Không hiểu sao cỏ lại gắn liền tuổi thơ tôi. Những ngày ở thị xã, tôi đắm mình bên những vạt cỏ mướt xanh dưới những cây phượng già bên sông Thạch Hãn với bao giấc mộng xa vời. Chao ơi mẹ mất rồi, mới thấy lòng hối chưa kịp báo đền. Nào ai dám nói một tấc lòng của cỏ. Có thể báo đáp ánh dương của ba xuân (Thùy ngôn thất thảo tâm/ Báo đắc tam xuân huy – Du tử ngâm của Mạnh Giao).

Khu vườn nội tôi rộng trên 3.000m2 trồng nhiều cây trái. Mùa nào thức ấy. Chập choạng tối chim chóc rộn ràng ríu rít gọi nhau về tổ. Đêm khuya dưới ánh trăng lấp loáng dưới bóng cây, tiếng cười nói rộn ràng mấy cô thôn nữ gánh nước về. Sớm mai cũng thế tiếng chào hỏi của mấy o gánh gạo và cây trái trên đường làng ra chợ. Tôi yêu nhạc của Hoàng Thi Thơ cũng vì nhớ lại một giai đoạn hồn quê thanh bình là như thế. Vô đây em dù trời khuya anh nhớ đưa em về… Ai hát ngoài ao? Chừng ngồi giặt áo/ Giọng hò êm quá/ Mà em ngỡ ai rót mật vào lòng… Những Gạo trắng trăng thanh,  Duyên quê… những bài hát chỉ có thể vang lên sau lũy tre của một thời như thế. Nhiều khi bất chợt nghe đâu đó vang lên khúc nhạc của Hoàng Thi Thơ là tôi lại quay quắt về một thời xưa cũ. Đó là những khúc nhạc đồng quê như không biết tự thời nào/ Một buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao của Huy Cận. Nhiều người trẻ tuổi đọc chắc cho tôi là người duy cổ mới nói vậy, bây giờ, âm nhạc ca ngợi thanh bình cũng bát ngát, không nói là hay hơn mà còn rất nhiều. Tôi không cãi, nói cho cùng, với tôi là giai điệu một thời, như tuổi trẻ đã qua rồi, rạo rực nhớ nhung cũng qua rồi. Tất cả là ký ức, mà ký ức thì riêng có của một đời người.

Trong phòng một bên chái có một rương sách của con ông chú ruột tôi. Tôi lục lọi và đọc bất kể thứ gì có: Tạp chí Phổ Thông của Nguyễn Vĩ, Văn hóa Ngày Nay của Nhất Linh, sách của Tự Lực Văn Đoàn, sách đường rừng của Lan Khai, đọc mê mải với những giấc mơ đầy khát vọng về những vùng đất xa xôi.

Một buổi chiều, anh K, anh họ học trên tôi một lớp thấy tôi đang đọc sách, tự nhiên dúi vào tôi 2 quyển sách: “Đọc đi, tau cho mượn”… Đó là 2 cuốn của Thạch Lam: Sợi tóc và Gió đầu mùa. Tôi đọc tay không rời tập sách. Thạch Lam đã trở thành một sức hút đối với tôi bởi một thứ văn phong nhẹ nhàng chuẩn mực và một góc nhìn đầy nhân văn. Sau này, đọc lại Thạch Lam tôi càng cảm phục ông hơn. Sinh thời, trong khi những nhà văn cùng thời với ông, nhất là nhóm Tự lực văn đoàn mà ông là một thành viên đã đi tìm cái Âu hóa trong văn học thì Thạch Lam lại tìm về nguồn cội với những đề tài thật hiện thực ở phố phường. Ta gặp lại những phận người trớ trêu của chiều cuối năm, 2 cô gái bán hoa cô đơn, ngán ngẩm, đau đớn, chơ vơ (Tối ba mươi). Cảnh nhà của mẹ đầy thương cảm với những xúc động se buốt (Nhà mẹ Lê), cái bâng khuâng u uẩn của cái rét đầu mùa (Gió đầu mùa), một chút tình thoảng qua trong hương hoa hoàng lan (Dưới bóng hoàng lan), niềm tiếc nuối một thời xuân sắc (Cô hàng xén)…

Thạch Lam mất mới 37 tuổi nhưng đã biết thoát ra khỏi giới hạn của thời gian để tìm cho mình một chỗ đứng trên văn đàn, nhỏ nhẹ, khiêm tốn nhưng vững vàng, ấn tượng. Trong văn chương Thạch Lam, bằng niềm yêu thương vô hạn của kiếp người luôn vang vọng một nỗi lòng đầy thương cảm luôn tạo cho chúng ta niềm ngưỡng mộ với những điều tốt đẹp.

Kể từ ngày ba tôi mất, tôi vẫn thường trở về quê với một tần suất nhiều hơn. Nhiều đêm tôi nằm mộng, ba tôi hiện về không nói gì nhiều chỉ hỏi tôi chuyện ngoài làng. Có lần trong mơ, tôi nghe lời dạy của ba tôi: Làng quê là cội nguồn chở che và nuôi lớn mọi cuộc đời, con ơi. Đã bao năm dù xa xôi tôi vẫn trở về, không một quẩn quanh ma chiết nào có thể bào mòn giấc mộng hương quan của tôi.

Gió vẫn thổi từ nơi ấy.

HỒ SĨ BÌNH

;
.
.
.
.
.