Nghĩ

Họp văn minh

Mới đây, trong cuộc họp của một ngành, theo thông tin trên giấy mời cuộc họp sẽ diễn ra lúc 8 giờ sáng, nhưng đúng giờ đó cả hội trường dành cho gần 400 khách mời mới chỉ lác đác vài người tham dự có mặt. Những người dự họp đi đúng giờ nhưng lại không thích ngồi ở những hàng ghế trên mà chia nhau ngồi ở dưới hội trường, mặc cho bộ phận lễ tân mấy lần phải “mời” mọi người di chuyển lên phía trên.

Cuộc họp bắt đầu trễ hơn thời gian được mời hơn nửa tiếng, khi đó hội trường mới được phủ kín khoảng 1/3 số ghế khách mời. Trong khi người chủ trì cuộc họp đang báo cáo thì cánh cửa hội trường liên tục mở bởi những đại biểu đi trễ.

Cả hội trường hàng trăm đại biểu nhưng người thì ghé tai nhau trò chuyện, người thì cắm cúi lướt điện thoại, chẳng mấy ai quan tâm đến đại biểu đang nói gì ở phía trên. Thậm chí đến phần thảo luận, trao đổi, người chủ trì cuộc họp liên tục nhắc nhở “đây là cuộc họp dành cho chính quý vị, về quyền lợi trực tiếp của các doanh nghiệp quý vị có khó khăn, khúc mắc gì các anh, chị cứ chia sẻ, chúng tôi sẽ lắng nghe, chúng ta cùng thảo luận để có phương hướng giải quyết”. Dù người chủ trì nhắc đi nhắc lại vài lần nhưng các đại biểu đi dự họp vẫn… ngồi im. Khi được mời đích danh đại diện đơn vị đứng lên phát biểu thì đại biểu dự họp trả lời rất “hồn nhiên” rằng: “Tôi chỉ là nhân viên, được phân công đi họp thay nên không có ý kiến”.

Nhiều cuộc họp được tổ chức để giải quyết những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của các đơn vị tham gia, nhưng nhiều đơn vị chỉ cử người đi dự cho có, đến khi gặp những vướng mắc, khó khăn tương tự lại “than trời” rằng sao không có hướng dẫn, văn bản cụ thể đến từng doanh nghiệp.

Lại có những cuộc họp, khi các đại biểu đang thảo luận hay trình bày báo cáo thì từ giữa hội trường một bản nhạc, hay tiếng chuông điện thoại của ai đó quên chưa tắt trước khi vào họp réo rắt vang lên khiến rất nhiều người phải ngoái lại nhìn. Tại những hội thảo, hội nghị quan trọng, trước khi vào họp, các đại biểu đã được nhắc nhở tắt chuông điện thoại để tránh làm phiền người khác, vậy nhưng vẫn có một số người “cố tình” quên. Một nhà tuyển dụng nhân sự từng chia sẻ rằng, chị đã phỏng vấn rất nhiều người đi xin việc, có những ứng viên có hồ sơ rất đẹp, rất tiềm năng, khả năng giao tiếp cũng rất ổn, thế nhưng khi cuộc phỏng vấn đang diễn ra rất thuận lợi thì tiếng chuông điện thoại kêu inh ỏi cắt ngang buổi phỏng vấn và chị đã từ chối không nhận bạn ấy vào làm việc ở công ty. Chị lý giải, có thể đó là cuộc điện thoại rất quan trọng với bạn ấy, bạn ấy có thể xin phép ra ngoài nghe nhưng trước những sự kiện quan trọng như gặp gỡ khách hàng, đối tác hay hội nghị, hội họp để chuông như vậy là thể hiện cách làm việc rất thiếu chuyên nghiệp, và không tôn trọng khách hàng nhất là với những đối tác là người nước ngoài như công ty chị.

Mỗi người có thể dự rất nhiều cuộc họp với các quy mô khác nhau, nhưng khi đã là người đi dự họp thì dù có phù hợp với mình hay không thì cũng nên có thái độ ứng xử sao cho phù hợp nhất. Có nhiều cuộc họp đang diễn ra, các đại biểu đang thảo luận nhưng không ít người đứng dậy xách túi ra về. Có những hội thảo, hội nghị khi bắt đầu vào họp cả hội trường đông kín người nhưng chỉ sau 15 phút giải lao thì hội trường vơi đi một nửa, thậm chí quá nửa với rất nhiều lý do khác nhau. Có những người không đợi nổi câu phát biểu bế mạc/cảm ơn của đơn vị tổ chức đã nôn nóng ra về… Có thể người đi dự họp có rất nhiều công việc đang đợi về giải quyết nhưng khi đã nhận giấy mời và xác nhận sẽ tham dự cuộc họp thì nên tuân thủ đúng giờ giấc, thời gian quy định. Bởi điều này thể hiện sự văn minh của người đi dự họp cũng như ý thức tôn trọng người khác cũng là tôn trọng chính bản thân mình.

HÀ KHUÊ

;
.
.
.
.
.