.

Những khoảnh khắc...

.

Một ngày bạn có thể lướt qua hàng trăm con người khác nhau. Có những người lướt qua nhau chẳng để lại chút gì. Nhưng cũng có những người, chỉ gặp một lần bạn vẫn nhớ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Như có lần, bạn ngồi một mình nơi quán nhỏ ven đường. Những dòng xe cứ nối dài nhau bất tận. Bạn ngồi khóc giữa muôn vàn người xa lạ. Một vị khách Tây bước lại gần bạn, đưa về phía bạn một chiếc khăn giấy rồi vỗ nhẹ lên đôi vai khẽ run run của bạn. Bạn chẳng biết nói gì. Nhưng ánh mắt của ông ấy làm bạn ám ảnh mãi. Có thể bạn chẳng bao giờ gặp lại vị khách đó để nói thêm một lời cám ơn. Và có thể câu chuyện gặp một thằng con trai ngồi khóc một mình ở một quán nhỏ ở một đất nước xa xôi cũng chẳng bao giờ được vị khách đó nhắc và nhớ. Nhưng hình ảnh về ông ấy cứ tròn nguyên trong bạn.
Hay có lần bạn trú mưa ở mái hiên một ngôi nhà cũ kĩ. Một gia đình năm người cùng co ro trong mưa. Mưa suốt gần một tiếng, người chủ nhà cầm một củ khoai vừa chín, mang ra đưa cho bạn: “Mưa điệu này chắc cũng còn lâu mới tạnh, thôi ăn với già củ khoai trong lúc chờ mưa dứt”. Lúc đó bạn cảm thấy cơn mưa ngoài kia chẳng thể làm bạn lạnh. Bạn thấy hơi ấm xung quanh như rộn ràng hơn từ những tiếng cười của lũ trẻ, tiếng nhường nhau từng củ khoai ngon và thậm chí họ giành nhau những củ khoai… sùng.

Và có lần, giữa những cơn gió bấc giật mình thổi xiết, một bà lão bước từng bước nặng nhọc cùng một xấp vé số trên tay bước vào quán tìm khách hàng. Những tưởng ông chủ quán sẽ nhăn mặt khó chịu, vậy mà ông nhẹ nhàng kéo ghế cho bà ngồi, đặt trên bàn một tô hủ tíu. Chợt bạn thấy ấm lòng giữa trời đông rét mướt. Vậy mà chính bạn đã có lúc mệt nhoài với ánh bình minh ngày mới; sợ ly cà-phê buổi sáng lại đắng hơn khi nghe đâu có vụ hôi của, một vụ con đuổi cha mẹ ra đường hay cô hoa khôi, cô ca sĩ nào diện váy hiệu hàng trăm triệu, đồng hồ tiền tỷ, rồi thay nhau lố lăng lộ hàng... Với đầy rẫy dối trá, người dối người và đôi khi bạn cũng tự huyễn hoặc chính bản thân mình. Thế mà những người như ông chủ quán lại vực bạn dậy trong những điều rất bình thường, mà đôi khi có nhiều người chẳng bao giờ làm được.

Như có lần, bạn đứng giữa ngã tư nhìn những dòng xe cứ nối đuôi nhau như muốn chiếm hết từng milimet còn sót lại. Bạn cảm thấy bức bối, người và xe khiến bạn mệt nhoài trước cảnh nhộn nhịp đó. Một bác xe ôm tấp xe vào: “Thi trường nào con trai, lên chú chở”. Bạn ngó nghiêng: “Trường con đằng kia, lội vài bước chân là tới”. Bác xe ôm phóng tầm mắt ra xa nhìn về phía ngôi trường.  Bỗng bác nói: “Lên chú chở lại đó, sẵn đường về”. Bạn leo lên xe một hồi mới chợt nhớ lời má dặn, lên thành phố coi chừng bị gạt như chơi. Dân thành phố sống vì tiền không con ơi. Tự nhiên lúc đó bạn cảm thấy ân hận, sợ lại trao một niềm tin không đúng chỗ, sợ phải trả một cuốc xe đắt đỏ và sợ cả những tiếng cười nhạo báng: Nhà quê! Dòng xe cứ chằng chịt nối nhau. Bác xe ôm nói bâng quơ: “Ráng làm bài cho tốt nha con trai. Không thôi bỏ phí 12 năm đèn sách”. Tự nhiên lúc đó bạn cảm thấy ấm lòng ghê gớm, giống như bắt gặp một người thân quen, một đồng hương nơi đất khách. Bạn: Dạ. Bác vui vẻ: “Bác cũng có hai đứa con học đại học. Một đứa năm cuối, còn một đứa năm nhất rồi. Đời cha, đời mẹ khổ đủ rồi nên có cha mẹ nào không muốn con mình sung sướng thành đạt. Đừng phụ lòng cha mẹ con nhé!”. Xe dừng lại trước cổng trường, bạn nhìn bác xe ôm khắc khổ mà đầy hiền hậu. Bạn hỏi: “Dạ, tiền xe bao nhiêu bác?”. Bác cười: “Ráng thi tốt là bác vui rồi con”. Chợt bạn thấy mình có lỗi. Thành phố rộng quá chừng, đâu phải ai cũng như má nói. Dáng bác hòa vào dòng người trên phố. Hình như có những người dù chỉ gặp một lần là nhớ.

Vô số lần, bạn lướt qua hàng vạn con người. Có người lướt qua chẳng lưu lại chút gì. Ngược lại có những người, dù gặp một lần là bạn nhớ…

NGUYỄN CHÍ NGOAN

;
.
.
.
.
.