Những lớp học i, tờ

.

Hai tuần sau khi bé Lim chụp hình cùng cô và các bạn, dự lễ chia tay “ngày ra trường” mầm non, và đi chơi một chuyến thăm ông bà nội ở ngoài Bắc, chị Ngọc (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) bỏ 2 cuốn vở, 2 cuốn sách Toán và Tiếng Việt lớp 1 vào chiếc túi xách có in hình công chúa tuyết Elesa cho con gái, đưa con đến gửi cô giáo lớp 1, xin học chữ trước. Đến nhà cô giáo chị mới biết là các bé đã rải rác nhập học từ khi con chị đang đi chơi.

Ngoài chăm chỉ ở lớp học thêm, về nhà các bé còn luyện viết, luyện đọc… mới có thể theo kịp chương trình học ở lớp. (Ảnh mang tính minh họa cho bài viết)
Ngoài chăm chỉ ở lớp học thêm, về nhà các bé còn luyện viết, luyện đọc… mới có thể theo kịp chương trình học ở lớp. (Ảnh mang tính minh họa cho bài viết)

Vào guồng quay học chữ

Buổi chiều đầu tiên đón con, chị hỏi bé Lim: “Hôm nay có vui không con? Con học được cái gì?”. Nhưng bé ỉu xìu kéo tay mẹ: “Con mỏi tay lắm, cô toàn bắt viết chữ với làm toán. Tối nay con còn phải viết hai trang để ngày mai cô kiểm tra. Cô còn nói khi mô viết thạo rồi còn phải học nhiều hơn, về nhà phải viết 3 trang trở lên”. Chị Ngọc biết từ nay con không còn được vui chơi thỏa thích, mà phải học một cách “nghiêm túc”. Cái ý nghĩ “học nghiêm túc” làm chị chẳng vui lên được, dù trước đó cả hai bố mẹ bàn nhau chuyện cho con đi học chữ trước khi vào lớp 1 vì hai đứa trẻ con nhà hàng xóm năm ngoái cũng phải học trước như thế, và nghĩ đơn giản là cho con học sớm trước để bé đỡ bỡ ngỡ. “Vậy là một tháng trôi qua rồi đó. Giờ con bé cũng đỡ “than vãn” hơn trước. Từ bữa con đi học nhà tôi ăn tối sớm hơn, rồi mẹ phải ngồi học cùng con đến 9 giờ mới xong. Chưa chính thức vô lớp 1 mà con học viết, học làm toán thế này, cô còn bảo tập cho bé đọc sách nữa, chắc đến khi vô năm học còn học nhiều hơn. Nghĩ mà thấy thương bọn trẻ con, đứa nào cũng đi học trước, chẳng còn mùa hè nữa”, chị Ngọc kể.

Lớp học “tiền lớp 1” của cô Th. ở đường Lê Cơ, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu hôm chúng tôi đến có đến 41 em đang học. Thấy người lạ, hầu hết bọn trẻ con quay ra nhìn, có đứa còn tranh thủ cô nói chuyện với khách thì nói chuyện với bạn bên cạnh, có đứa cho chân lên ghế, có đứa nằm gục lên bàn. Cô cho biết, lớp buổi sáng học từ 7 giờ 30 đến 10 giờ 30, nhưng bây giờ đã kín chỗ; chỉ còn lớp buổi chiều học từ 1 giờ 30 đến 4 giờ 30 còn chỗ nên cô sẽ nhận thêm cháu. Nhiều cô giáo mầm non thông tin, cô Th. là cô giáo về hưu, dạy rất tốt nên nhiều bậc cha mẹ gửi con.

Cô V., giáo viên Trường tiểu học Phù Đổng, mở lớp dạy thêm cho các bé trước khi vào lớp 1 ở một con hẻm trên đường Hùng Vương. Nhiều nhà bố mẹ gửi đứa lớn, rồi đứa nhỏ cũng nối gót anh, chị vào học với cô. Theo cô thì hầu hết các bé đã biết cộng trừ trong phạm vi 10, đã biết hết mặt chữ cái, nên đi học thêm chủ yếu để cô chỉnh tư thế ngồi, cách cầm bút, làm quen với môi trường tiểu học, biết ghép vần, đọc sách…

Chuyện các bé “đọc thông, viết thạo” khi bước chân vào lớp 1 hay không các cô không quan trọng, hầu như những giáo viên có mở lớp dạy học đọc, học viết ở nhà cho các bé đều khẳng định như thế khi chúng tôi tiếp cận. Thế nhưng việc rèn chữ, làm toán, tập đọc theo sách giáo khoa mỗi ngày ở các lớp học thêm buộc các bé tuân theo một cách khá nghiêm ngặt. Số trẻ biết đọc, biết viết trước khi vào lớp 1 ở mỗi lớp học luôn chiếm con số gần như tuyệt đối. Và những bé nếu như không học trước có thể trở thành “hiện tượng” của lớp. Rồi những phản ứng tâm lý đi kèm như choáng, sốc vì thấy mình thua xa các bạn; chưa kể chuyện “học yếu” của các bé này có thể ảnh hưởng đến thành tích chung của lớp khiến giáo viên tạo áp lực lên bố mẹ…

Chị M.A (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) kể chuyện con chị đi học trước chương trình lớp 1 vào mùa hè năm ngoái trong sự ngậm ngùi: tôi và nhiều phụ huynh lớp mầm non của con quyết định chọn một cô giáo nhà ở đường Nguyễn Thị Minh Khai để con học chữ. Theo như lời kể của con chị thì ngay buổi học đầu tiên cô bảo các bé mở bài số 20 trong sách Tiếng Việt lớp 1 để cô kiểm tra! Có bé biết, nhưng nhiều bé không biết cả mở bài số 20. Cuối buổi hôm đó, chị đón con và được cô “phán” một câu xanh rờn: Con chị chưa biết gì cả, về nhà phải học đi chứ không là thua các bạn ở đây! Chị bảo, con mình chưa biết mới đi học, chứ đã biết rồi thì học làm gì. Chị lặng lẽ rút lui trong khi các bậc phụ huynh khác vẫn cho con bám trụ. Không biết rồi các bé học được gì. Sau đó chị đưa con đến một cô giáo khác, chị trình bày là cháu chưa biết gì, mong cô dạy dỗ thì cô giáo này bảo chưa biết gì mới cần dạy. Nhờ đó con chị theo học được 3 tháng hè.

Phụ huynh đua nhau cho con học chữ từ 4-5 tuổi không phải là chuyện mới. Dù chương trình lớp 1 được biên soạn cho các bé chưa biết gì nhưng hầu như bố mẹ nào cũng cho con đi học, ngày càng đông, ở nội thành cũng như ngoại thành. Các bé khi hết chương trình mầm non là đã thuộc 24 chữ cái, nhận biết các chữ số, tập đồ theo mẫu chữ, riêng ghép vần thì chưa biết. Nhưng phong trào “dạy trước, học trước” khiến bé nào cũng phải đi học, và học cần mẫn chứ không được qua loa nếu không muốn “tụt hậu” so với chúng bạn.

Nhiều gia đình còn sẵn sàng cho con dừng học chương trình mẫu giáo 5 tuổi để đến nhà cô giáo học chữ. Tức là thay vì học trước 3 tháng, các bé sẽ học trước 1 năm. Kiểu “ép lúa non” này khiến các em mất đi cơ hội được vừa học vừa chơi, học các kỹ năng và cách tư duy theo đúng độ tuổi. Chưa hết, nếu học cách cầm bút sai, ngồi sai tư thế, viết sai nét, thì sẽ rất khó sửa khi các bé chính thức học lớp 1. Cô V. và cô Th. đều cho biết, lớp dành cho các bé 5 tuổi bắt đầu vào đầu tháng 9, và duy trì khoảng 10 em/lớp.

Học chữ trước – dễ gì buông bỏ

Theo suy nghĩ của nhiều bậc phụ huynh, chuyện chương trình học nay khá nặng, chuyện lãnh đạo ngành giáo dục nói cấm dạy trước chương trình nhưng giáo viên không thể thực hiện vì những lý do đưa ra, lý do nào cũng… có lý khiến việc học của học sinh đầu cấp gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi xin đưa ý kiến của các phụ huynh dưới đây và dành sự định hướng – nếu có cho những người làm công tác giáo dục.

Chị Nguyễn Thị Hoa (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) kể: khi con còn học mẫu giáo, mẹ luôn nghĩ để con phát triển tự nhiên, không ép chuyện học hành để con vui chơi thoải mái theo đúng độ tuổi, đúng chỉ đạo từ Bộ Giáo dục-Đào tạo - học mà chơi. Đến hè chuẩn bị cho năm học lớp 1, trong khi các mẹ khác tất tả tìm chỗ cho con học dự thính thì chị cho con học vẽ, bơi và ăn chơi... Đến lúc vào học lớp 1, trong lớp có 35 bạn thì 34 bạn biết đọc, viết và cộng - trừ trong phạm vi 10 thành thạo, còn con chưa biết gì ngoài mấy chục chữ cái và đếm số tự nhiên, chưa biết ghép vần, đánh vần và chưa biết cộng trừ... Cô chủ nhiệm điện thoại liên tục cho bố mẹ bảo vì sao đến giờ cháu chưa biết gì; cháu thua kém các bạn nhiều quá... sẽ ảnh hưởng đến thành tích của lớp...

Trước mẹ cứ nghĩ mình đã đúng khi để con ăn chơi theo đúng độ tuổi thì sau đó mẹ hoang mang vì con thua kém bạn nên bắt đầu chán học, không hợp tác với cô giáo, với mẹ. Đến giờ đón con, trong khi các bạn về hết thì con vẫn còn ngồi trên bàn cô giáo viết tiếp vì trong giờ học làm không kịp... Trong số hàng trăm học sinh cùng độ tuổi của con ở trường không có bạn nào không học trước chương trình, học hè cho đến tận ngày khai giảng. Khi vào năm học mới thì các bạn đã học gần hết chương trình của học kỳ 1. Vậy nên rút kinh nghiệm từ thực tế, hè năm nay mẹ gửi con cho cô giáo từ đầu tháng 6. Vừa nghỉ hè là mẹ mua nguyên bộ sách mới để con theo học trước chương trình. Nghĩ tội con lắm, vì nghỉ hè là để vui chơi, có thể xem ti-vi thoải mái một chút, ngủ muộn một chút, có thể về quê, đi du lịch... thì con lại cặm cụi theo “học kỳ 3”.

Chị Thu Hồng (đường Trần Cao Vân, quận Thanh Khê) cho biết, cuối năm học, cậu con trai của chị vừa học xong chương trình lớp 1 về nhà hỏi mẹ một câu mà mẹ không biết trả lời sao cho trọn vẹn: trường học sinh ra để làm gì? Chị nhìn lại một năm xem con mình học được gì, sự không thú vị của việc học nằm ở đâu, khi thỉnh thoảnh con kêu đi học chán ngắt. Trước đó khi học mầm non, các con được khám phá, làm thí nghiệm đơn giản để hiểu vì sao giữa nước và nước muối có trọng lượng nặng, nhẹ khác nhau; con được tìm hiểu các vấn đề về vũ trụ… Nhưng khi vào học lớp 1, ngay những ngày đầu tiên con thường kêu ê vai vì viết quá nhiều. Hồi mới đi học, do con có học chữ trước nhưng “bữa đực bữa cái” nên chưa biết gì nhiều, và không viết bài kịp. Mẹ thường phải mượn vở những bạn viết chữ đẹp của lớp về cho con chép. Đến gần cuối năm học mẹ vẫn duy trì việc mượn vở cho con nhưng phát hiện ra là chữ của những bạn viết chữ đẹp đã…xấu ngang ngửa con của mẹ. Ở lớp 1, con học Tiếng Việt, rồi Tiếng Việt tăng cường; môn Toán cũng lặp lại như thế, không có hoạt động gì ngoài việc học đọc và viết.

Theo chị Thu Hồng, việc học chữ 3 tháng  trước khi vào lớp 1 có hữu ích, nhiều bạn ngay ngày đầu tiên đến lớp đã đọc được bảng yêu cầu về nhà của cô giáo; nhưng có nhiều bạn dù có học cũng chưa biết gì. Nếu xem học trò lớp 1 là giấy trắng thì giấy trắng hết, đằng này xen giữa giấy trắng còn có giấy màu, đã thế lại nhiều màu khác nhau. Những bé không học trước sẽ thiệt thòi so với các bạn đã đọc thông viết thạo, các bé còn bị sốc vì thấy mình bị thua kém và sinh ra chán nản không muốn học; những bé đã học trước chương trình cũng chán vì phải học lại những gì đã biết.

Có lẽ giáo viên nên xem những bé chưa biết đọc, ghép vần, viết chữ còn mày mò là chuyện bình thường, để các em được học, được khám phá những gì chưa biết. Và đó không phải là gánh nặng, là áp lực cho cô giáo cũng như phụ huynh. Bởi nhiều phụ huynh sau khi “rút kinh nghiệm sâu sắc” chuyện con không học trước lớp 1, nên khi chưa kết thúc năm học đã tính chuyện cho con học trước lớp 2. Vậy là vết xe đổ của chuyện dạy trước-học trước buộc phải lặp lại. Có thể dạy các bé học đọc, viết, làm toán, nhưng đừng dạy trước chương trình để tránh sự nhàm chán trong việc học là điều mà nhiều phụ huynh cần ở các lớp học thêm tiền đề cho lớp 1, khi nhiều vấn đề giáo dục còn chưa được thay đổi ở tầm vĩ mô.

SONG LINH

;
.
.
.
.
.