.

Thêm không gian sinh hoạt cộng đồng

.

Khi đời sống vật chất ngày càng được cải thiện, những đòi hỏi mới, đa dạng về đời sống tinh thần, sinh hoạt cộng đồng của người dân là tất yếu. Kéo theo đó, cần những không gian sinh hoạt tương ứng.

Học sinh đến đọc sách tại thư viện Trường TH Núi Thành, quận Hải Châu trong dịp hè 2016. Ảnh: HÀ TRẦN
Học sinh đến đọc sách tại thư viện Trường TH Núi Thành, quận Hải Châu trong dịp hè 2016. Ảnh: HÀ TRẦN

1. Những ngày này, người dân sống xung quanh phòng đọc sách phường Xuân Hà phấn chấn chờ đợi ngày không gian đọc “có tiếng” của quận Thanh Khê này khoác áo mới. Ông Huỳnh Lãng (68 tuổi, trú đường Trần Cao Vân), một bạn đọc quen thuộc của phòng đọc sách phường Xuân Hà hồ hởi khoe: “Nghe nói chừng một tháng nữa phòng đọc mới hoàn thành, sẽ khang trang, to đẹp hơn nhiều so với địa chỉ cũ (570 Trần Cao Vân). Kinh phí là do quận đầu tư cải tạo”.

Phòng đọc Xuân Hà là một trong những phòng đọc sách, báo cấp phường hiếm hoi trên địa bàn phát huy hiệu quả sử dụng. Sau một thời gian sử dụng đã xuống cấp, cách đây hai tháng, UBND quận Thanh Khê đầu tư cải tạo, nâng cấp thành phòng đọc “điểm” của quận, với tổng kinh phí trên 500 triệu đồng.

Ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê cho biết, để tăng thêm không gian sinh hoạt văn hóa, thể thao, thư giãn cho người dân trên địa bàn, thời gian qua, chính quyền quận Thanh Khê đã tận dụng cải tạo triệt để các khu đất trống xây dựng thành công viên, khu vui chơi, vườn dạo. Hiện 10 phường trên địa bàn quận đều có nhà sinh hoạt cộng đồng để tổ chức các hoạt động hội họp tổ dân phố, khu dân cư, người dân đến vui chơi…

Nhắc đến phòng đọc cộng đồng, có thể nói, quận Hải Châu là một trong những địa phương tiên phong với những cách làm sáng tạo, đồng bộ. Ngoài phòng đọc công tại các phường, hệ thống cà-phê sách do các hội đoàn thể, tư nhân phục vụ ngày càng đa dạng nhu cầu bạn đọc trên địa bàn quận cũng như thành phố. Hiện toàn quận có 29 điểm đọc sách, báo (trong đó có 6 điểm đọc sách, báo tại các nhà sinh hoạt cộng đồng, 23 điểm cà-phê sách) rải khắp các phường trên địa bàn.

Các điểm đọc sách tại nhà sinh hoạt cộng đồng phường Hòa Cường Bắc, phường Hòa Thuận Tây, phường Thạch Thang, Bình Hiên, cà-phê sách tại số 10 Lê Đình Dương, FC (đường Trần Phú), 66 Lê Cơ… thời gian qua đã trở thành không gian đọc quen thuộc của người dân trên địa bàn.

Bể bơi tại Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn thu hút phụ huynh đưa con em đến học trong dịp hè.  Ảnh:  T.T
Bể bơi tại Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn thu hút phụ huynh đưa con em đến học trong dịp hè. Ảnh: T.T

2. Từ hè năm 2016, Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định mở cửa trường học từ 6 giờ - 21 giờ hằng ngày nhằm tạo thêm không gian cho học sinh và nhân dân ở gần trường có thêm địa điểm để học tập, vui chơi, giải trí. Đồng thời, khuyến khích các trường cho các đơn vị, cá nhân ngoài trường thuê mặt bằng để tổ chức các lớp ngoại khóa, võ thuật, bơi lội, ca múa nhạc…

Chính việc “mở cửa” này đã tạo thêm không gian cho các sinh hoạt thể dục thể thao, văn nghệ, khiêu vũ… của người dân lân cận. Chị Nguyễn Kim Anh, nhà gần Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà), cho biết từ ngày biết thông tin trường học mở cửa dịp hè, chị cùng các chị em trong hội phụ nữ khu dân cư chiều nào cũng vào trường tản bộ, tập thể dục, thư giãn.

“Không gian trường học vừa thoáng đãng, sạch sẽ, vừa an toàn chứ không phải vừa đi vừa nơm nớp sợ xe cộ đi lại như ngoài đường”. “Góc chia sẻ” tại Trường tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu), với ghế đá, cây cảnh hữu tình trở thành điểm trao đổi sách báo, chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con của các bậc phụ huynh mỗi ngày. Bà Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc mở cửa trường dịp hè đã được nhà trường tiến hành nhiều năm. Cộng với chủ trương mới của Sở GD&ĐT, nhiều hoạt động được tăng cường hơn vào dịp hè.

Thông tin từ Sở GD&ĐT thành phố cho biết, ngoài việc tiếp tục mở cổng trường học, mở cửa thư viện, tủ sách, khu tập luyện thể dục, thể thao các ngày trong tuần để học sinh, người dân đến vui chơi, học tập, đọc sách, điểm mới trong chương trình hè năm 2017 là việc xây dựng hệ thống dữ liệu mở các thông tin liên quan đến ngành GD&ĐT thành phố tại trang web http://opendata.danang.gov.vn/.

Người dân có thể vào đây để tra cứu thông tin nơi học bơi, kỹ năng sống, ngoại ngữ, tin học, năng khiếu… Nguồn dữ liệu mở trên hệ thống sẽ được Sở GD&ĐT và Sở Thông tin và Truyền thông liên tục cập nhật. Các tủ sách mở cũng sẽ liên tục được làm mới, việc luân chuyển sách cũng thường xuyên hơn...

Lợi ích của việc mở cửa trường học 3 tháng hè ai cũng đã thấy, song, sau một năm chủ trương này đi vào hoạt động, đại diện một số trường học lo lắng về những hệ lụy quanh ý thức của một bộ phận người dân, khi nhiều thứ “mở” như thế.

Tại tủ sách mở của một số trường, theo phản ánh, chất lượng sách, báo không được phong phú, do phần lớn là sách từ nguồn quyên góp. Đặc biệt, đã có hiện tượng người dân vào đọc xong mang luôn sách về hoặc làm xộc xệch, nhếch nhác tủ sách. Một số trường đã tự tiến hành các biện pháp như gắn camera theo dõi, yêu cầu bảo vệ tập trung làm việc cả ngày lẫn đêm, cử thêm giáo viên trực…

Trao đổi về vấn đề này, đại diện lãnh đạo sở GD&ĐT cho biết, giải pháp chủ yếu hiện tại vẫn là nhắc nhở giáo viên, phụ huynh và học sinh. Các trường học, cơ sở giáo dục sẽ thành lập ban chỉ đạo hoạt động hè 2017, cử cán bộ, giáo viên tham gia để việc mở cửa dịp hè của các trường đảm bảo khai thác tối đa không gian sinh hoạt cộng đồng của người dân, vừa đảm bảo an toàn cơ sở vật chất của trường.

3. Với lợi thế về quỹ đất, không gian dành cho các sinh hoạt cộng đồng ở địa bàn Hòa Vang có phần thuận tiện hơn. Không khí buổi chiều hè tại Nhà văn hóa thôn Cẩm Toại Đông (xã Hòa Phong) thật vui tươi, sôi động bởi hoạt động của các sân chơi bóng đá, bóng chuyền cầu lông của đoàn viên thanh niên và người dân trong thôn.

Điều này không dễ thực hiện ở khu vực trung tâm thành phố, khi nhà văn hóa cộng đồng cấp phường phần lớn bó hẹp trong bốn bức tường, chứ chưa nói đến khu dân cư. Trong khi đó, các nhà văn hóa thôn tại Hòa Vang đều dành hết phần sân trước rộng rãi cho các hoạt động để thanh niên vui chơi thể thao, văn nghệ.

Tại xã Hòa Phong, 15 thôn của xã đều có những nhà sinh hoạt cộng đồng như thế. Chất lượng các kho sách, báo tại các thư viện xã được cải thiện, thu hút người dân đến đọc, tham khảo. Hè này, một số thư viện nhà văn hóa thôn của Hòa Vang sẽ được đầu tư thí điểm. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, để các không gian sinh hoạt cộng đồng tại huyện nông thôn Hòa Vang phát huy hiệu quả, các cơ quan, đoàn thể chức năng cần có kế hoạch cụ thể, phù hợp nếu không muốn bỏ lỡ những lợi thế vốn có của địa bàn.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.