Ấm áp nơi anh nằm

.

Những năm qua, công tác quy tập hài cốt, chăm sóc các nghĩa trang liệt sĩ trên vùng đất cách mạng Hòa Vang được chính quyền, nhân dân địa phương đặc biệt quan tâm, như một cách tri ân, làm ấm lòng anh linh những anh hùng, liệt sĩ.

Nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Khương vừa dời về địa chỉ mới, đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ.
Nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Khương vừa dời về địa chỉ mới, đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ.

Đối với Đại úy Trần Ngọc Tài, phụ trách công tác chính sách, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hòa Vang, công tác quy tập hài cốt mộ liệt sĩ (từ cuối năm 2015 đến nay) là một nhiệm vụ thiêng liêng. Hễ nhận được nguồn tin từ người dân địa phương, anh Tài lập tức báo đơn vị, báo chính quyền địa phương, rồi tự mình xuống kiểm tra tận nơi.

Sau khi xác minh đầy đủ thông tin, hồ sơ quy tập được xác lập, được Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố (đơn vị chủ quản của công tác quy tập hài cốt mộ liệt sĩ) thông qua, anh mới nhẹ lòng. Những ngày sau đó, dù có băng rừng, lội suối, những cán bộ trực tiếp làm công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ như anh Tài vẫn thấy hồi hộp.

Chia sẻ về những buồn vui của công việc tìm, quy tập hài cốt mộ liệt sĩ, anh Tài nhớ nhất là kỷ niệm năm 2016, hài cốt một liệt sĩ người gốc Thanh Hóa hy sinh năm 1971 tại khe Việt Gian (tên gọi trong dân gian, thuộc Đồng Nghệ, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) được tìm thấy, sau đó được thân nhân đưa về quê. Khi ấy, cả cán bộ quy tập lẫn người nhà liệt sĩ đã ôm nhau khóc vì xúc động.

Đó cũng là một trong những trường hợp hiếm hoi, thân nhân tìm được hài cốt con em đã hy sinh của mình. Bởi theo anh Tài, trăn trở nhất của những người làm công tác quy tập hài cốt liệt sĩ là phần lớn, hài cốt tìm được đều là những nấm mồ vô danh, khó xác minh danh tính liệt sĩ do bị đất cát vùi lấp và những hài cốt khác trộn lẫn, nên sẽ được bốc cất vào nghĩa trang địa phương gần nhất.

Chính cái tâm đối với công tác tìm, quy tập hài cốt mộ liệt sĩ “như tìm người nhà” của những cán bộ như anh Tài, của chính quyền địa phương góp phần sưởi ấm anh linh biết bao anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất này.

Theo thống kê của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Hòa Vang, thực hiện chương trình “Nghĩa tình đồng đội”, trong 5 năm qua, chính quyền địa phương đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát, tìm kiếm mộ liệt sĩ, đã phát hiện, cất bốc, quy tập 39 hài cốt liệt sĩ vào các nghĩa trang liệt sĩ của xã, nghĩa trang gia tộc cũng như về địa phương. Riêng 6 tháng đầu năm 2017 đã thực hiện cất bốc, di dời 6 hài cốt liệt sĩ về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ các xã.

Trong cái gió, cái nắng chói của tháng 7, ông Tình như cảm nhận được hơi ấm của cha, anh, của đồng đội đang về... Ảnh: T.T
Trong cái gió, cái nắng chói của tháng 7, ông Tình như cảm nhận được hơi ấm của cha, anh, của đồng đội đang về... Ảnh: T.T

Về xã Hòa Tiến, hỏi ông Tình chăm nom nghĩa trang liệt sĩ xã, không ai không biết. Ông là Phạm Viết Tình (sinh năm 1954, người thôn Lệ Sơn Bắc, xã Hòa Tiến), thương binh 4/4, từng là lính trinh sát huyện Hòa Vang trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Trong nghĩa trang Hòa Tiến với 1.260 ngôi mộ liệt sĩ này, có phần mộ của cha, của anh ông Tình đang yên nghỉ cùng những đồng đội thân yêu. Vì vậy, đối với ông Tình, việc chăm nom nghĩa trang chẳng có gì to tát, nặng nề, mà ngược lại, ông coi đó là niềm hạnh phúc vì được chăm sóc, gần gũi mỗi ngày với người thân, với đồng đội.

Tám năm nay, từ ngày có ông Tình, Nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Tiến thêm xanh mát, ấm cúng, bởi mỗi ngày, ông Tình không ngơi tay với việc nhặt cỏ, chăm chút từng cành cây, bông hoa... Những ngôi mộ đá bớt phần lạnh lẽo, cô quạnh. Tiếng tăm của “ông Tình nghĩa trang” lan rộng khắp huyện, người ta nói rằng, hiếm có người chăm nom nghĩa trang “có tâm, lại có khiếu thẩm mỹ” như ông. Ngoài những hàng cây cổ thụ lâu năm đã trồng sẵn trước đó, hàng chục chậu hoa tươi thắm đan xen, tô điểm các phần mộ đều là do ông Tình tự tay trồng, chăm sóc, bố trí.

Những ngày này, người cựu chiến binh già càng chăm chút công việc thiêng liêng của mình hơn. Trong cái gió, cái nắng chói của tháng 7, ông Tình như cảm nhận được hơi ấm của cha, anh, của đồng đội đang ở bên mình...

Theo thống kê của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Hòa Vang, hiện 11 xã của huyện đều có nghĩa trang liệt sĩ, 28 bia tưởng niệm, bia chiến thắng. Toàn huyện có 6.033 mộ liệt sĩ, trong đó 3.448 mộ có tên, 1.638 mộ vô danh, còn lại là mộ thuộc nghĩa trang gia tộc. Những năm qua, từ nguồn đầu tư của Trung ương, thành phố và nguồn đối ứng của huyện, nhiều nghĩa trang liệt sĩ được sửa chữa, tôn tạo.

Sau khi nâng cấp quốc lộ 14B, các nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Phong, Hòa Khương (huyện Hòa Vang) rơi vào tình trạng bị ngập úng. Đến năm 2009, nghĩa trang Hòa Phong được lên phương án di dời, đến năm 2011 thì hoàn tất. Tháng 7-2017, nghĩa trang xã Hòa Khương hoàn thành việc di dời đến địa điểm mới, với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng. 5 năm qua, 7 nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Bắc, Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Liên, Hòa Ninh, Hòa Phú, Hòa Nhơn, cũng đã được đầu tư nâng cấp với tổng kinh phí trên 37 tỷ đồng. Riêng nghĩa trang xã Hòa Châu, huyện đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư nâng cấp với nguồn đầu tư gần 5 tỷ đồng.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.